Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng, phức tạp tại TP. Hà Nội và TP.HCM

Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng, phức tạp tại TP. Hà Nội và TP.HCM

(VietQ.vn) – Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và TP.HCM cho biết, hiện nay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn vẫn gia tăng chóng mặt tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

TP. Hà Nội: Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong tháng 4, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng…

Việc sản xuất kinh, doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gia dụng vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau.

Tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

 Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng năm 2023. Ảnh: Cục QLTT TP.Hà Nội

Buôn bán trao đổi hàng hóa qua mạng, các kênh thương mại điện tử, buôn bán hàng lậu, hàng hóa giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm (bánh trung thu, thịt lợn…), kinh doanh xăng dầu, LPG, kinh doanh rượu, bia, đồ chơi trẻ em, hóa chất (N2O)… Đặc biệt, hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa qua mạng, các kênh thương mại điện tử diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn bán hàng lậu, hàng hóa giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa. 

Đặc biệt tháng 4 là “Tháng vì hành động an toàn thực phẩm” với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Do vậy, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã tăng cường phối hợp kiểm tra, bắt giữ một số vụ việc điển hình trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Điển hình như, Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an quận Cầu Giấy phát hiện phương tiện vận chuyển hơn 6.000 sản phẩm ăn liền không rõ xuất xứ; Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra, phát hiện 1.300 thùng bánh trên bao bì thể hiện chữ tượng hình, không có nội dung thể hiện nguồn gốc xuất xứ; Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra Công ty CP Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10, tại thôn 3, xã Vạn Phúc, Thanh Trì, TP. Hà Nội phát hiện lô hàng kem sữa do nước ngoài sản xuất quá hạn sử dụng và 30.000 que kem thành phẩm trên bao bì ghi Công ty CP Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10…

TP. HCM: Buôn lậu, hàng giả tăng gần 200%

Báo cáo kết quả kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Cục Quản lý thị trường TP. HCM cho thấy, trong tháng 4, các đội Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 456 vụ, phát hiện 388 vụ vi phạm, xử lý 306 vụ, thu nộp ngân sách với số tiền là 7.018.478.000 đồng, tiêu hủy hơn 3,5 tỷ đồng hàng hóa vi phạm. Đáng chú ý, trong tháng 4, Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 02 vụ hàng giả, 01 vụ chuyển trả để xử lý hành chính.

Trong số các lĩnh vực vi phạm, nổi bật là vi phạm về hàng gian hàng giả và sở hữu trí tuệ. Theo đó, Trong tháng 4, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 138 trường hợp, xử lý 129 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Tạm giữ 12.321 sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, mắt kính, mũ bảo hiểm, vải… giả nhãn hiệu Rolex, Hublot, Hermes, Burberry, Dior, Apple, Honda, Adidas, Nike, Chanel, Versace, Giorgio Armani, Louis Vuitton, Apple, Levi’s, Nón Sơn, The North Face, Uniqlo…

Đối với hàng hóa nhập lậu, các đơn vị đã tạm giữ 185.545 bộ dụng cụ câu cá, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, phụ kiện điện thoại di động, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, văn phòng phẩm, vải, giày dép, đồ dùng cá nhân. 

Tính trong 4 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường thành phố đã phát hiện tổng cộng 1.150 vụ vi phạm hàng hóa, tăng 191,87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cần đánh trúng đối tượng để xử nghiêm

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, các đường dây, tổ chức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thường có tổ chức rất chặt chẽ, bí mật, khép kín, nhiều mắt xích, nhiều đối tượng tham gia với vị trí, vai trò khác nhau. Các đường dây, tổ chức này hoạt động trên nhiều địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu, các vùng biển, địa bàn nội địa, ở nước ngoài; lợi dụng thời tiết, đêm tối, đặc điểm địa hình phức tạp trên biên giới, cửa khẩu, vùng biển, sử dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đáng chú ý, việc vận chuyển các chất ma túy qua đường hàng không có chiều hướng tăng đột biến cả về số lượng vụ việc, khối lượng tang vật vi phạm. Đối với một số mặt hàng ma túy tổng hợp, trong quý I/2023 cơ quan hải quan đã bắt giữ bằng số lượng tang vật năm 2022 như mặt hàng MDMA (thuốc lắc). Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn vừa thông qua cất giấu¸ ngụy trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý ký gửi thông thường, thậm chí các đối tượng liều lĩnh giấu trong hành lý xách tay…Cụ thể, riêng trong quý I/2023, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 3.657 vụ việc vi phạm pháp luật, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.005 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 5 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 3 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 179 tỷ đồng.

Năm 2023, khi đại dịch Covid-19 được khống chế, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đã có chỉ đạo lực lượng chuyên trách chủ động nhận diện những vấn đề nổi cộm, kịp thời tham mưu đề xuất phương án phối hợp đánh trúng đối tượng, tụ điểm phức tạp để răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm.

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế đạt hiệu quả, thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời giữa các đơn vị liên ngành, đặc biệt là dữ liệu về thuế – hải quan.

Bên cạnh đó, các lực lượng thực hiện kiểm tra chéo lẫn nhau để không bỏ lọt tội phạm. Thường trực Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức một số cuộc kiểm tra đột xuất, kiểm tra vào những nội dung, vụ việc theo diện hẹp, có dấu hiệu nhạy cảm, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, để từ đó, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị chức năng

An Dương (T/h)

Nguồn: https://vietq.vn/buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-gia-tang-phuc-tap-tai-tp-ha-noi-va-tphcm-d210314.html