Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030

(TCT online) – Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

ảnh: Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp góp phần khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này

Nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi xin ý kiến Dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo Bộ Tài chính, pháp luật về đất đai quy định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất là một biện pháp được sử dụng phổ biến nhằm duy trì được sinh kế lâu dài; khuyến khích sử dụng đất đai bền vững và hiệu quả, đồng thời tạo nguồn thu cho NSNN. Đây cũng là công cụ để Nhà nước quản lý đất đai, điều tiết thị trường bất động sản.

Đánh giá chính sách thuế SDĐNN qua hơn 30 năm thực hiện cho thấy, có những quy định không còn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay như cách xác định thuế lạc hậu, giá trị thu được thấp (thuế được tính bằng thóc, thu bằng tiền) và phần lớn các nội dung hiện không còn được áp dụng trên thực tế do thi hành chính sách miễn thuế SDĐNN cho toàn bộ diện tích đến hết ngày 31/12/2025. Chính sách thuế SDĐNN mặc dù được ban hành từ năm 1993 nhưng thực tế, từ năm 2001 đến nay, chính sách thuế SDĐNN chỉ thay đổi về quy định ưu đãi thuế (miễn, giảm) nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Việc miễn thuế SDĐNN trong thời gian qua mặc dù làm giảm thu NSNN, nhưng đây là giải pháp góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giảm bớt khó khăn cho người nông dân. Khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững; và phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đồng thời, việc quy định miễn thuế SDĐNN không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO. Các địa phương đều cho rằng việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành cho giai đoạn tiếp theo là cần thiết.

Do đó, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế SDĐNN, hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31/12/2030.

Đối tượng áp dụng của chính sách bao gồm người nộp thuế là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình SDĐNN; cơ quan quản lý, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030, số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. “Đây tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực tam nông nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Đồng thời, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, đảm bảo tính khả thi của chính sách”, tờ trình của Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Theo Bộ Tài chính, mặc dù việc SDĐNN bị đánh thuế là phổ biến, tuy nhiên, các quốc gia đều có hình thức hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp nói chung, người nông dân nói riêng. Tùy vào mục tiêu khác nhau, các nước có các chính sách ưu đãi thuế đối với việc SDĐNN khác nhau như: áp dụng mức thuế suất đối với đất nông nghiệp thấp hơn mức thuế suất đối với đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; quy định miễn thuế SDĐNN. Ngay cả ở những quốc gia mà đất nông nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế BĐS thường có hình thức miễn, giảm nào đó cho đất nông nghiệp hoặc công trình trên đất nông nghiệp.

Một số quốc gia OECD không đưa bất động sản nông nghiệp vào cơ sở tính thuế bất động sản. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích dành cho lĩnh vực nông nghiệp, trợ cấp nông nghiệp, thì miễn thuế SDĐNN được các nước sử dụng như một kênh hỗ trợ người nông dân và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất này, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực.

Việc miễn thuế SDĐNN cũng không trái với các quy định về trợ cấp tại các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã đàm phán, ký kết, trong đó có Hiệp định EVFTA và CPTTP.

Thúy Nga

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/17c3c04a-197e-4e64-9e4f-2e38a08a6551