Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam
Ngay sau khi tới Thủ đô Doha, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhà nước Qatar, tối 30/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Sheikh Bandar Al Thani, Chủ tịch Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) kiêm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Qatar và ông Sheikh Faisal Al Thani, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á-châu Phi của QIA, theo VGP.
Tại Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và QIA đã 2 lần ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), nhằm tăng cường trao đổi thông tin, tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy cơ hội hợp tác, đầu tư, đặc biệt là việc đầu tư vào Việt Nam. Trên cơ sở các MOU, SCIC và QIA đã thành lập Ủy ban chung giữa hai cơ quan. Hiện tại SCIC và QIA đã trao đổi và thống nhất việc ý kết MOU thành lập quỹ đầu tư chung với QIA.
QIA là quỹ đầu tư quốc gia của Qatar. Hết năm 2023, QIA có vốn tài sản ước tính khoảng 475 tỷ USD. QIA quản lý thặng dư dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Chính phủ Qatar. Do chiến lược giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc của Qatar vào giá năng lượng, Quỹ chủ yếu đầu tư vào các thị trường quốc tế và trong Qatar ngoài lĩnh vực năng lượng. Tầm nhìn Quốc gia Qatar 2030 chuyển đổi từ doanh thu dựa trên khí đốt tự nhiên sang các khoản đầu tư.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan hệ giữa Việt Nam-Qatar đang phát triển tốt đẹp, tin cậy lẫn nhau, hợp tác kinh tế phát triển nhanh chóng và nhiều tiềm năng, là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác. Tuy nhiên, hợp tác đầu tư giữa hai nước còn khiêm tốn.
Thủ tướng đề nghị QIA xem xét đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, tập trung cho các dự án hạ tầng chiến lược (gồm cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, như hạ tầng giao thông gồm đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, cảng biển, sân bay trung chuyển, hạ tầng viễn thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục); các dự án điện gió, điện mặt trời, hệ thống tích điện, tải điện…
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh QIA cử đoàn công tác tới Việt Nam, trực tiếp trao đổi với các cơ quan phía Việt Nam hoặc trao đổi qua các hình thức linh hoạt như trực tuyến, tìm hiểu cụ thể về danh mục quốc gia các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của Việt Nam, lựa chọn các dự án phù hợp để tham gia đầu tư; đẩy mạnh hợp tác với SCIC; tăng cường tham vấn, góp ý chính sách.
“Chính phủ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về xây dựng thể chế thông thoáng, phát triển hạ tầng chiến lược và đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, nhanh chóng, giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, chú trọng phát triển hạ tầng xã hội để bảo đảm các dịch vụ xã hội cho nhà đầu tư và người lao động, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề của lao động để hỗ trợ các nhà đầu tư.”, Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối để hỗ trợ, cung cấp thông tin cho QIA về các dự án tiềm năng mà hai bên có thể triển khai hợp tác trong thời gian tới.
QIA sẵn sàng mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới
Về phần mình, ông Sheikh Bandar Al Thani đánh giá quan hệ chính trị giữa hai nước rất tốt, Việt Nam là thị trường mới nổi, có rất nhiều cơ hội đầu tư, trong khi chiến lược của QIA là tăng cường đầu tư ở Viễn Đông và Đông Á, lựa chọn những nơi có thể đầu tư lâu dài.
Theo ông Sheikh Bandar Al Thani, QIA sẵn sàng mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới và sẽ cử đoàn công tác tới Việt Nam để xúc tiến các dự án cụ thể, nhất là trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đã đề cập. Nguồn: VGP |
Đánh giá cao những thông tin mà Thủ tướng chia sẻ về môi trường đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam, ông cho biết, QIA sẵn sàng mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới và sẽ cử đoàn công tác tới Việt Nam để xúc tiến các dự án cụ thể, nhất là trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đã đề cập./.