Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Bộ Công Thương yêu cầu quán triệt đầy đủ, toàn diện về quản lý an toàn thực phẩm
Bộ Công Thương yêu cầu quán triệt đầy đủ, toàn diện về quản lý an toàn thực phẩm
Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo cho cơ thể hoạt động và làm việc hiệu quả. Song, đó cũng là nguồn gây bệnh tiềm ẩn khi thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Thực tế, trong thời gian qua nhiều sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện là nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Đây là vấn đề nhức nhối trong xã hội khi càng ngày càng có nhiều người mắc phải các bệnh do ăn phải thực phẩm bẩn và kém chất lượng.
Nhằm quán triệt, nắm vững các quan điểm và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (Chỉ thị số 17-CT/TW), tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, Bộ Công Thương cho rằng đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Để được những kết quả tốt, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần khẩn trương tổ chức quán triệt đầy đủ, toàn diện về các chủ trương, chính sách mới về quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; trong đó cần rà soát, lồng ghép các nhiệm vụ thuộc kế hoạch với nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ được giao tại các chương trình, đề án, kế hoạch khác để tránh trùng lặp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực khi thực hiện; Chú trọng công tác tham mưu, tổ chức thực hiện đối với hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển của đơn vị.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; hoàn thiện cơ chế để bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh tham mưu việc phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10 cả nước xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 261 người bị ngộ độc (6 người tử vong). Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 93 vụ với 1.617 người bị ngộ độc, 21 người tử vong. Trong số này, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể. |
Đẩy mạnh việc ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thực phẩm Việt Nam vào các nước có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là với các nước láng giềng.
Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng là thực phẩm; kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật và các sản phẩm từ động vật vào Việt Nam, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đề xuất và xây dựng các biện pháp phù hợp và kiên quyết để phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh các đường dây nhập lậu, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng, các loại vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng nhái và các chất cấm ngoài danh mục.
Đặc biệt, cần kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.
An Dương
Nguồn: https://vietq.vn/dam-bao-an-ninh-an-toan-thuc-pham-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-va-hoi-nhap-d216708.html |