Bình tĩnh ứng phó với chính sách thuế của Mỹ

Bình tĩnh ứng phó với chính sách thuế của Mỹ

Chỉ nửa ngày sau khi thuế đối ứng của Mỹ áp với 180 đối tác thương mại có hiệu lực, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo tạm hoãn kế hoạch áp thuế trong 90 ngày và giảm mức thuế này xuống còn 10%. Lý do dẫn đến quyết định này do có hơn 75 quốc gia đã liên hệ với các đại diện của Mỹ để đàm phán giải pháp cho các vấn đề liên quan đến thương mại, rào cản thương mại, thuế quan… trong đó có Việt Nam.

 
Sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May Hưng Yên. (Ảnh NGỌC MAI)

Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thở phào vì có thêm thời gian để chuẩn bị ứng phó, vừa tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, 90 ngày không phải thời gian quá dài cho đàm phán một chính sách thương mại giữa hai quốc gia.
 
Do đó, Việt Nam cần khẩn trương đối thoại với Mỹ để để làm rõ các yếu tố lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia, tiến tới tạo khuôn khổ lâu dài thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại ổn định, cùng có lợi. Về phía các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp để đa dạng hóa nguồn cung và thị trường, giảm thiểu rủi ro trước những biến động khó lường của thương mại thế giới, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Doanh nghiệp chủ động thích nghi
 
Năm 2024, ngành dệt may xuất khẩu khoảng 16,6 tỷ USD sang Mỹ, chiếm tỷ trọng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và khoảng 15% kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm đánh giá, tác động tiêu cực từ chính sách thuế của Mỹ là lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng. Biên lợi nhuận của ngành dệt may rất mỏng, không những vậy còn phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa từ nhiều nước khác tại thị trường Mỹ.
 
Đặc biệt, mức thuế đối ứng áp cho Việt Nam cao hơn nhiều các quốc gia khác sẽ làm giảm mạnh sức cạnh tranh của hàng Việt, đồng thời về lâu dài còn ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam là dệt vải và nhuộm để đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần hết sức tỉnh táo, bình tĩnh để chủ động ứng phó; thường xuyên cập nhật tình hình, hợp tác chặt chẽ với nhau, với các nhà mua hàng để cùng tìm giải pháp, chia sẻ rủi ro, lợi ích. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường có tiềm năng – thị trường Việt Nam đã ký FTA, thị trường Halal, Nam Mỹ,…
 
Ngoài việc tiếp tục đàm phán với Mỹ về chính sách thuế, ông Cẩm đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước xúc tiến đàm phán các FTA mới, trong đó có FTA Việt Nam-Canada để có thể quy định xuất xứ 2 công đoạn mà ngành dệt may Việt Nam và Canada cùng quan tâm, thay vì 3 công đoạn trong CPTPP như hiện nay. Các cấp, ngành cần chia sẻ thông tin nhiều hơn về các thị trường, về nhu cầu, thị hiếu, dung lượng,… cũng như khả năng hợp tác thương mại, đầu tư với ngành may Việt Nam; mở rộng kết nối giao thương để doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi, liên kết hợp tác.
 
Ở trong nước, cần tiếp tục rà soát, ban hành mới và duy trì các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, giảm lãi suất,… nhằm trợ sức cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang chịu tác động trực tiếp nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ, lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài thông tin: Việc Mỹ áp thuế là “đòn” đánh rất mạnh vào ngành công nghiệp gỗ Việt Nam bởi thị trường này đang chiếm 38-40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành với giá trị lên tới 9,4 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, để cân bằng cán cân thương mại, doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ để sản xuất bàn ghế, giường rồi xuất khẩu sang Mỹ tiêu thụ. Do đó, tác động từ mức thuế này là rất lớn, dẫn tới việc khoảng 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ có chế biến sản phẩm xuất đi Mỹ cùng 1 triệu hộ nông dân, toàn bộ chuỗi cung ứng chắc chắn bị tác động mạnh.
 
Từ lâu, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa thị trường nhưng không phải dễ. Gỗ Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 161 thị trường khác nhau, nhưng do tính chất đặc thù, gỗ rất nặng, số lượng hàng hóa trong mỗi container không được nhiều nên chi phí logistics rất lớn.
 
Trong khi đó, Mỹ có điều kiện thuận lợi nên lâu nay ngành gỗ của chúng ta hướng đến thị trường Mỹ và đặt kỳ vọng lớn vào thị trường này. Tuy nhiên, trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, đã đến lúc ngành gỗ cần cơ cấu lại ngành hàng để giữ thị trường.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
 
Các nhà sản xuất trong nước đang chiếm tỷ trọng khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ. Theo Trưởng ban Thống kê Dịch vụ và Giá (Cục Thống kê, Bộ Tài chính) Nguyễn Thu Oanh, trong ngắn hạn, các nhà sản xuất nội địa sẽ gặp khó khăn trong việc tìm thị trường thay thế, vì vậy kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này có thể suy giảm trong thời gian tới do phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm.
 
Để giảm tác động tiêu cực từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, bà Nguyễn Thu Oanh kiến nghị Việt Nam cần tiếp tục tăng cường đối thoại song phương với Mỹ để làm rõ các yếu tố lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy; chủ động, tích cực và dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, nhất là cải thiện những yếu tố mà Mỹ cho rằng Việt Nam đang bảo hộ, cạnh tranh không lành mạnh.
 
Các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về thuế đối ứng, giúp doanh nghiệp chuẩn bị dữ liệu và sẵn sàng ứng phó nhằm bảo vệ quyền lợi tại thị trường Mỹ; từ đó, đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu.
 
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy, sau những biến động thương mại quốc tế vừa qua, các doanh nghiệp cần rút ra bài học kinh nghiệm là phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một thị trường và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.
 
Các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng sản xuất, nguồn gốc về hàng hóa, tiêu chuẩn lao động để chứng minh năng lực sản xuất thực sự của Việt Nam; nghiên cứu chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao bằng việc phát triển mẫu mã, thương hiệu, nội địa hóa chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ Chính phủ rất quan trọng để giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đầu tư công nghệ, đa dạng hóa thị trường.
 
Trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước ngoài việc tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cần phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.
 
Các doanh nghiệp cần bảo đảm sản phẩm xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; đồng thời, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài thông qua việc cập nhật thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.
 
Vụ trưởng Phát triển thị trường nước ngoài Tạ Hoàng Linh chia sẻ: Chúng ta có thế mạnh sẵn có là 17 Hiệp định Thương mại tự do với hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác song phương để thúc đẩy và mở rộng xuất khẩu. Thị trường Mỹ hiện chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu, nhưng chiếm tới 30% kim ngạch xuất khẩu của ta. Đó là lợi thế, nhưng cũng là điểm yếu của xuất khẩu Việt Nam. Cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới là rất lớn. Bộ Công thương sẽ thúc đẩy đàm phán các FTA mới với Trung Đông, Mỹ Latin, Trung Á hay các thị trường mới nổi khác; tăng cường công tác xúc tiến thương mại; mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; cải thiện hạ tầng, chi phí logistics trong nước… để mở đường cho xuất khẩu. 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử
Link nguồn

Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/binh-tinh-ung-pho-voi-chinh-sach-thue-cua-my/