Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Áp dụng hoá đơn điện tử đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu: Đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và lộ trình thực hiện
Áp dụng hoá đơn điện tử đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu: Đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và lộ trình thực hiện
ảnh: Itn
Từ 1/7/2022 toàn bộ các DN, tổ chức phải phát hành hóa đơn điện tử
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại tại Khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đó là khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, Điểm i Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ cũng đã quy định rõ, thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Tại Điểm c Khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về nội dung của hóa đơn cũng quy định, đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Ngay tại Điểm a Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về phương thức và thời điểm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử quy định, đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử này ngay trong ngày.
Như vậy về cơ sở pháp lý để triển khai hóa đơn điện tử đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu là đã đầy đủ.
Liên quan đến lộ trình triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 151 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Song song với đó, quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022. Đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 1/7/2022. Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ban hành ngày 13/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020, riêng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022.
Triển khai quy định này, cơ quan thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan, cùng sự ủng hộ, đồng hành của người dân và cộng đồng DN, từ ngày 1/7/2022, toàn bộ các DN, tổ chức trên cả nước đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử.
Tăng cường phối hợp, xử lý vi phạm
Đối với việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ xăng dầu và hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, Bộ Tài chính cho biết, ngành Thuế đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử, giúp người dân, DN hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử; nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa cơ quan ban, ngành địa phương trong việc rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Trong quá trình xây dựng Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, bao gồm quy định về thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) là cơ quan chủ trì đã lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi và tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và xem xét, thông qua đảm bảo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Luật số 17/2008/QH12 về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, tại Văn bản số 1394/BTC-PC ngày 2/3/2020 góp ý dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ, Bộ Công thương không có ý kiến về nội dung quy định về thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán lẻ xăng dầu.
Vừa qua, ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1123/CĐ-TTg về việc tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Công điện nêu rõ, ngày 13/6/2019, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, trong đó quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử áp dụng kể từ ngày 1/7/2022. Thực hiện quy định trên, thời gian qua cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước để phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, DN chưa triệt để sử dụng hóa đơn điện tử, còn hiện tượng phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn điện tử bất hợp pháp nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật…
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, DN và thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử, giúp người dân, DN hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế. Tuyên truyền, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử trên cả nước được thông suốt, thuận lợi. Xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử; áp dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu các giải pháp, công cụ quản lý, phân tích dữ liệu phù hợp để quản lý rủi ro, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, TP triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện. Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu với các Bộ, cơ quan liên quan, nhất là với Bộ Công an để quản lý thuế hiệu quả, đặc biệt là đối với các hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống gian lận về hóa đơn điện tử. Tăng cường phối hợp với cơ quan công an và các bộ, cơ quan liên quan để phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật và xử lý kịp thời, nghiêm theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì việc kết nối dữ liệu dân cư với các cơ quan thuế và các cơ quan quản lý thuế, các địa phương để phối hợp phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không thực hiện hóa đơn điện tử; tích cực, chủ động cùng các Bộ ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thúy Nga
Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/381b87b2-83d5-4867-87a7-e31f66bf5248 |