Thị trường ngày 12/5: Giá dầu giảm vì lo sợ làn sóng Covid-19 thứ hai, giá thép, đồng và đậu tương tăng mạnh

Thị trường ngày 12/5: Giá dầu giảm vì lo sợ làn sóng Covid-19 thứ hai, giá thép, đồng và đậu tương tăng mạnh

Minh Quân |

(Tổ Quốc) – Thị trường lại dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm virus corona thứ 2 khi ngày càng có nhiều quốc gia nới lỏng các chính sách phong tỏa/giãn cách xã hội.

Đức hôm qua thông báo số ca nhiễm mới gia tăng theo cấp số nhân sau khi đã giảm trong thời gian phong tỏa trước đó; Hàn Quốc hôm 10/5 cũng cảnh báo về đợt bùng phát virus mới. Đáng chú ý, ở Vũ Hán – tâm dịch của Trung Quốc và cũng là nơi virus corona bùng phát lần này, đã phát hiện ca nhiễm đầu tiên kể từ khi chính sách phong tỏa ở đây được dỡ bỏ hồi tháng trước.

Dầu giảm vì lo sợ về làn sóng virus corona thứ hai

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần này vì nhà đầu tư lo ngại sẽ xảy ra một làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 2. Tuy nhiên, việc Saudi Arabia cắt giảm thêm sản lượng đã làm át đi phần nào nỗi lo sợ về tình trạng dư cung, từ đó làm hạn chế mức giảm giá trong phiên vừa qua.

Đóng cửa phiên giao dịch 11/5, dầu thô Brent mất 1,34 USD (4,3%) xuống 29,63 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 60 US cent (2,4%) xuống 24,14 USD/thùng.

Giá dầu đã tăng trong 2 tuần qua sau đợt giảm mạnh kéo dài trước đó bởi nhu cầu dầu toàn cầu giảm khoảng 30% vì đại dịch Covid-19 buộc toàn thế giới phải áp dụng chính sách hạn chế di chuyển. Tuy nhiên, nỗi lo về làn sóng virus thứ 2 lại dấy lên sau khi hàng loạt các quốc gia cảnh báo số ca nhiễm virus gia tăng bất thường sau khi các doanh nghiệp trên toàn cầu đang xem xét hoạt động trở lại.

Về nguồn cung, Bộ Năng lượng Saudi Arabia đã chỉ đạo công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày kể từ tháng 6 tới, dự báo sẽ làm tăng hiệu quả của chính sách kiềm chế sản xuất, sau khi OPEC thực thi cắt giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày kể từ 1/5/2020. Chính phủ Kazakhstan cũng đã ký sắc lệnh cắt giảm sản lượng dầu từ tháng 5 trở đi theo thỏa thuận OPEC đạt được hồi tháng trước.

Thị trường ngày 12/5: Giá dầu giảm vì lo sợ làn sóng Covid-19 thứ hai, giá thép, đồng và đậu tương tăng mạnh - Ảnh 1.

Vàng giảm do nhà đầu tư chọn USD trước lo ngại về làn sóng virus thứ 2

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch vừa qua khi USD hưởng lợi và tăng giá bởi nhà đầu tư mua mạnh vì lo sợ sẽ xảy ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2.

Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tại London giảm 0,3% xuống 1.695 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 6/2020 tại Mỹ giảm 0,9% xuống 1.698 USD/ounce.

Nhu cầu đối với vàng physical ở Trung Quốc trong tuần này đã được cải thiện đáng kể vì người mua tranh thủ lúc giá giảm, nhưng nhu cầu ở các trung tâm giao dịch lớn khác vẫn trì trệ vì chính sách phong tỏa và các dịp nghỉ lễ.

Các chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, nhu cầu đối với USD sẽ rất mạnh. Nhưng về lâu dài, triển vọng giá vàng vẫn tích cực bởi các chương trình kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương khắp thế giới

Đồng cao nhất 8 tuần do kỳ vọng vào Trung Quốc

Giá đồng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 tháng khi các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đang dần hồi phục sau thời gian phong tỏa kéo dài, đem lại hy vọng nhu cầu ở nước tiêu thụ đồng số 1 thế giới này sẽ mạnh lên, giữa bối cảnh ngân hàng trung ương Trung Quốc ra tín hiệu sẽ tăng cường kích thích kinh tế hơn nữa.

Phiên giao dịch 11/5, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng có thời điểm lên tới 5.370 USD/tấn, cao nhất kể từ 16/3/2020, và đã tăng hơn 20% kể từ 19/3/2020 đến nay. Tuy nhiên, sau đó giá giảm trở lại, kết thúc phiên giảm 0,3% và chốt ở 5.258 USD/tấn.

Giám đốc điều hành Dan Smith của Commodity Market Analytics cho biết: “Các kim loại cơ bản đang phản ứn tích cực trước những dấu hiệu về việc hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang hồi phục và dần trở lại bình thường”.

Thép không gỉ cao nhất 9 tháng

Giá thép không gỉ tại Trung Quốc phiên vừa qua đạt mức cao nhất trong vòng 9 tháng do nhu cầu trong nước tiếp tục hồi phục sau khi thị trường mở cửa trở lại.

Thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2020 phiên vừa qua có lúc tăng 4,4%, trước khi kết thúc phiên ở mức tăng 4% lên 13.675 CNY (1.931,55 USD)/tấn, cao nhất kể từ 1/8/2019.

Giá thép không gỉ tăng còn do một lý do khác nữa, đó là lo ngại về tình trạng nguồn cung một số nguyên liệu như nickel và chrome.

Hai hãng khai thác mỏ nickel hàng đầu ở Philippines đã khôi phục dần hoạt động khai mỏ và xuất khẩu kể từ tháng 5/2020 sau thời gian gián đoạn trước đó vì lệnh phong tỏa do Covid-19. Tuy nhiên, các thương gia cho biết sản lượng vẫn thấp hơn so với năm ngoái.

Về các loại thép khác, trên sàn Thượng Hải, thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 giảm 0,1% xuống 3.452 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng tăng phiên thứ 6 liên tiếp, thêm 0,03% lên 3.329 CNY/tấn. Hãng sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc – Baoshan Iron & Steel Co Ltd – thông báo sẽ nâng giá thép cuộn cán nóng thêm 50 CNY (7,06 USD)/tấn kể từ tháng 6 tới.

Doanh số bán ô tô của Trung Quốc tháng 4/2020 tăng lần đầu tiên trong vòng gần 2 năm khi nền kinh tế dần hồi phục.

Đậu tương cao nhất 3,5 tuần, ngô và lúa mì giảm

Giá đậu tương trên sàn Chicago tăng lên mức cao nhất 3 tuần rưỡi do dự báo Mỹ sẽ tăng thêm xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc.

Đậu tương kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 4-1/2 US cent lên 8,55 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có thời điểm đạt 8,61-1/4 USD/bushel, mức cao nhất kể từ 15/4/2020.

Các doanh nghiệp Mỹ lạc quan về triển vọng xuất khẩu sau khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua ít nhất 4 chuyến đậu tương Mỹ, tương đương khoảng 240.000 tấn. Khả năng Trung Quốc sẽ còn mua thêm nữa. Một doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc đã chào mua tới 20 chuyến đậu tương, kỳ hạn giao từ tháng 7 đến tháng 11/2020.

Giá ngô và lúa mì giảm trong phiên vừa qua do các thương gia điều chỉnh hoạt động giao dịch trước khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo hàng tháng về cung – cầu nông 1sản. Kết thúc phiên vừa qua, ngô kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 3/4 US cent xuống 3,18-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 4-3/4 US cent xuống 5,17-1/4 USD/bushel.

Đường giảm

Giá đường giảm trong phiên vừa qua do đồng real Brazil tiếp tục yếu đi. Đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn New York giảm 0,17 US cent (1,7%) xuống 10,12 US cent/lb. Đường trắng giao tháng 8/2020 trên sàn London giảm 7,1 USD (2%) xuống 340,90 USD/tấn.

Đồng real Brazil giảm giá so với USD khiến giá đường xuất khẩu của nước này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Trong khi đó, khu vực Trung Nam Brazil (nơi sản xuất đường chính của nước này) đang sản xuất đường với công suất tối đa vì nhu cầu ethanol thấp.

Cà phê biến động trái chiều

Giá arabica kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn New York giảm 0,9 US cent (0,8%) trong phiên vừa qua, xuống 1,1075 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 12 USD (1%) lên 1.198 USD/tấn.

Thu hoạch cà phê ở Nam Mỹ vụ này có thể bị trì hoãn vì thiếu nhân lực do chính sách giãn cách xã hội để ngăn chặn Covid-19, đe dọa giảm lượng xuất khẩu cà phê chất lượng cao từ khu vực này trong năm nay. Yếu tố này có lợi cho giá arabica. Tuy nhiên, đồng real yếu đi tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu cà phê Brazil hạ giá bán khi quy ra USD.

Cao su duy trì ổn định

Giá cao su trên sàn Tokyo phiên đầu tuần gần như không thay đổi so với phiên giao dịch trước đó do lo ngại nhu cầu lốp xe giảm sút, mặc dù các nhà đầu tư bắt đầu hy vọng về việc nhiều quốc gia đang mở cửa trở lai nền kinh tế của mình sau giai đoạn phong tỏa chống Covid-19.

Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn TOCOM nhích nhẹ 0,1 JPY lên 152,8 JPY (1,43 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9/2020 giảm 25 CNY xuống 10.335 CNY (1.459 USD)/tấn.

Australia, Pháp và Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng những chính sách giãn cách xã hội, trong khi Anh – nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ 2 thế giới – cũng đã đưa ra một số chính sách nới lỏng các hạn chế.

Doanh số bán ô tô của Trung Quốc tháng 4/2020 tăng lần đầu tiên trong vòng 2 năm, nhưng doanh số bán trong cả năm 2020 chắc chắn sẽ giảm khoảng 25% nếu dịch bệnh còn tiếp diễn. Sản lượng ô tô ở Mexico và Brazil – hai nước sản xuất hàng đầu khu vực Mỹ Latinh, đã giảm 99% trong tháng 4/2020 do khủng hoảng Covid-19, với tổng số xe sản xuất chỉ đạt 5.569 chiếc.

Gạo Châu Á có thể tăng nữa do Philippines tăng nhập khẩu

Philippines vừa cho biết đang cần mua thêm 300.000 tấn gạo từ các nước xuất khẩu lớn ở Châu Á (Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia) và đã gửi đề nghị chào mua tới các nước kể trên. Khối lượng mua thêm này nhằm bổ sung vào kho dự trữ quốc gia nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và trước mùa giáp hạt – vào quý 3/2020. Điều này có thể đẩy giá gạo Châu Á – vốn đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm – sẽ tăng thêm nữa.

Sản lượng gạo của Philippines quý I/2020 giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi ký hợp đồng nhập khẩu 300.000 tấn này thì tổng khối lượng gạo mà Philippines đã ký kết nhập khẩu trong năm 2020 sẽ lên mức cao kỷ lục, 3 triệu tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 12/5

Thị trường ngày 12/5: Giá dầu giảm vì lo sợ làn sóng Covid-19 thứ hai, giá thép, đồng và đậu tương tăng mạnh - Ảnh 2.
Theo ttvn.toquoc.vn

Trả lời