Dừng bán xăng dầu không có lý do một doanh nghiệp bị ‘tuýt còi’

Dừng bán xăng dầu không có lý do một doanh nghiệp bị ‘tuýt còi’

(VietQ.vn) – Trong quá trình kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã xử phạt một doanh nghiệp vi phạm do ngừng hoạt động không thông báo.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, trong thời điểm hiện nay mặc dù lực lượng QLTT Nghệ An đang tập trung cao điểm cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 song công tác kiểm tra, giám sát thị trường vẫn luôn được chú trọng nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh …

Do dừng bán xăng không lý do một doanh nghiệp tại Nghệ An bị xử phạt 30 triệu đồng. Ảnh: Cục QLTT Nghệ An 

Theo đó, từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, Đội QLTT Số 1 đã tiến hành kiểm tra Cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc DNTN Thương Hà có địa chỉ tại xóm Bắc Sơn, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Qua làm việc, Đoàn kiểm tra đã xác định được hành vi Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh xăng dầu mà không có lý do chính đáng, không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 điều 26 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/09/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Làm việc trực tiếp với lực lượng chức năng, chủ Doanh nghiệp là ông Cung Đình Thương đã công nhận hành vi vi phạm nêu trên.

Trước hành vi, vi phạm của doanh nghiệp, Đội QLTT Số 1, Cục QLTT Nghệ An đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Thương Hà với số tiền 30 triệu đồng với hành vi ngừng bán xăng dầu mà không có lý do chính đáng, không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 30 Nghị định Số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của chính phủ Quy định XPVPHC trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

 

Theo quy định của pháp luật, Điều 47, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hành vi găm xăng dầu sẽ bị xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng. Đặc biệt, người nào có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, hành vi tích trữ số lượng lớn xăng, dầu nhưng không bán ra ngoài cho người tiêu dùng thì có thể bị xử lý hình sự về tội đầu cơ.

Việc tích trữ xăng, dầu bằng những vật chứa không đúng quy chuẩn như thế này tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao.

Còn theo Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá có giá trị từ 500 triệu đến 1,5 tỉ đồng nhằm bán lại để thu lời bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 – 60 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỉ đồng, hoặc phạt tù từ 3 đến 7 năm; trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt từ 300 triệu đến 9 tỉ đồng và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động một số lĩnh vực nhất định, thậm chí là bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.

An Dương/Theo Vietq.vn

Trả lời