Sụt lún, sạt lở bủa vây miền Tây

Sụt lún, sạt lở bủa vây miền Tây

(PL)- Sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.

LTS: Những năm gần đây, các tỉnh vùng ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Biểu hiện rõ nét là nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng diễn ra thường xuyên, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp. Các tỉnh vùng ĐBSCL đang là những địa phương bị tổn thương nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, người dân nơi đây đang đối mặt với nỗi lo sụt lún và sạt lở mỗi ngày.

Hiện nay, bên cạnh hạn mặn, sạt lở và sụt lún đất đang là nỗi lo của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sạt lở ở ĐBSCL ngày càng mở rộng, từ bờ biển kéo vào bờ sông và xâm phá đến cả vùng nội đồng, đẩy người dân vào cảnh đất mất, nhà tan, nhiều địa phương căng mình ứng phó.

Điểm nóng Cà Mau: 1.000 điểm sụt lún, sạt lở

Cà Mau là tỉnh duy nhất trong vùng ĐBSCL và cả nước có ba mặt giáp biển, kéo dài từ biển Đông sang biển Tây với bờ biển dài 254 km, phần lớn diện tích của tỉnh thuộc vùng đất ngập nước ven biển và có đến 87 cửa sông thông ra biển. Đầu mùa khô 2020, hàng loạt vụ sạt lở, sụt lún xảy ra trên địa bàn Cà Mau đến nay chưa khắc phục hết hậu quả.

Bắt đầu từ vụ sụt lún xảy ra rạng sáng mùng 6 tết Nguyên đán 2020. Ông Lý Văn Trí ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời kể: “Khuya mùng 5 tết, tôi đi dạo trên con lộ trước nhà bình thường nhưng sáng hôm sau gần nửa con lộ nhựa bị sụt mất tiêu”. Hiện trường cho thấy sụt lún diễn ra tức thời, chiều sâu sụt lún đến 2 m, chiều ngang gần nửa lộ nhựa, dài 18 m. Gần một tuần sau, cách điểm sụt lún trên gần 1 km lại xảy ra một vụ sụt lún sâu tới 2,5 m, dài gần 30 m và chiều ngang hơn nửa lộ nhựa.

Tiếp đó, ngày 18-2, đoạn đường bê tông kiên cố trên đê biển Tây, cũng thuộc huyện Trần Văn Thời bị sụt lún tương tự, sâu xuống lòng đất, dài trên 100 m. Gần đây nhất là vụ sụt lún lúc 2 giờ ngày 15-3 khiến 35 m chiều dài lộ nhựa, ngang gần hết lộ tụt sâu 2 m.

Ba vụ sụt lún trên đã cắt đứt hoàn toàn đường ô tô về khu du lịch, khu di tích quốc gia Hòn Đá Bạc – khu du lịch nổi tiếng thứ nhì tỉnh Cà Mau, sau mũi Cà Mau. Tổng hợp từ tỉnh Cà Mau, từ đầu mùa khô đến nay, tỉnh đã có gần 1.000 điểm sụt lún, sạt lở, tổng chiều dài hơn 21 km.

Trong khi đó, đánh giá sơ bộ trong kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 về sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau do Viện Địa kỹ thuật Na Uy thực hiện cho thấy sụt lún đất ở Cà Mau trong vòng 15 năm ở nhiều nơi có thể từ 30 cm đến 70 cm, bình quân khoảng 1,9-2,8 cm/năm. Nếu tiếp tục gia tăng khai thác nước ngầm thì trong vòng 25 năm tới, dự báo sụt lún sẽ lên đến 90 cm. Do vậy, cùng với nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì tỉ lệ diện tích bị ngập của tỉnh Cà Mau càng lớn hơn.

Hiện Cà Mau đã áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống sạt lở, cả giải pháp công trình và phi công trình như xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài gần 29.000 m; các đoạn kè gây bồi tạo bãi đã tạo được bãi bồi ven biển phía bên trong kè, khôi phục hàng trăm hecta rừng phòng hộ ven biển.

Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân, cơ chế gây ra sạt lở để có biện pháp xử lý chưa được làm rõ; một số giải pháp công trình gây bồi tạo bãi có hiệu quả nhưng suất đầu tư còn rất cao, bình quân 20 tỉ đồng/km, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.


Hiện trường vụ sụt lún đường bê tông trên đê biển Tây Cà Mau tháng 2-2020. Ảnh: TRẦN VŨ

Đồng Tháp: Nhà xây chưa kịp ở đã bị hà bá nuốt

Tại Đồng Tháp, tình trạng sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu đã xảy ra tại 18 xã, phường, thị trấn của bảy huyện, thị xã, TP với tổng chiều dài sạt lở 28,3 km, diện tích sạt lở 6,41 ha. Không chỉ bờ sông, sạt lở nội đồng cũng đang diễn ra ngày càng nhiều. Năm 2019, sạt lở nội đồng xảy ra tại 21 xã, phường, thị trấn thuộc bốn huyện của Đồng Tháp.

Bà Đỗ Thị Tư ngụ Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành khi nhắc tới vụ sạt lở ở kinh Nha Mân rạng sáng 15-7-2019 khiến năm căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông vẫn còn thảng thốt. Bà Tư cho biết vụ sạt lở làm ngôi nhà con gái bà (chị Trương Thị Mộng Thu – PV) bị hà bá “nuốt chửng”, còn ngôi nhà bà đang ở giờ nằm trong nguy cơ sạt lở cao và không biết sẽ trôi sông lúc nào.

Theo bà Tư, con gái bà đi làm thuê ở TP.HCM dành dụm được số tiền về mua lại căn nhà cũ ở vị trí sạt lở và đầu tư sửa chữa lại hơn 80 triệu đồng để sống gần cha mẹ già. Nhưng tất cả dự định của chị Thu đã vỡ tan khi thiên tai bất ngờ ập đến. “Nhà mới sửa xong, chưa kịp dọn vào ở thì đêm đó bị sụp xuống sông mất. Tôi nhớ hôm đó tôi không ngủ được, nằm thao thức thì nghe tiếng răng rắc, đùng đùng. Chạy ra thì thấy một dãy năm căn nhà, trong đó có nhà con Thu đã chùi đầu xuống sông. Cảnh tượng kinh hoàng không diễn tả được. Tội nghiệp con nhỏ, nay phải tiếp tục còng lưng đi làm kiếm tiền” – bà Tư tâm sự.

Tại khu vực bà Tư đang ở, đất đã lở ăn vào sát thềm nhà dân đang sinh sống, nền đất, tường nhà xuất hiện nhiều vết rạn nứt khiến người dân thấp thỏm lo âu, mất ăn mất ngủ. “Từ lúc sạt lở tới giờ, tối tôi ngủ có được đâu, ám ảnh luôn, cứ nghe tiếng rắc rắc là hoảng hồn. Lần trước là cái nhà kho sụp mất rồi, bây giờ sân, rào, nhà gì cũng đầy vết nứt rồi, không biết nó sụp lúc nào nữa. Mong chính quyền sớm gia cố làm kè lại chứ để kiểu này mùa nước tới thì cả dãy nhà này cũng đi trôi sông nữa” – bà Võ Thị Huệ, ở chung xóm với bà Tư, lo lắng nói.


Vụ sạt lở ở Nha Mân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp đã ăn mất đường giao thông, người dân phải dựng cầu tạm và gia cố tạm bợ mong giữ lại được nhà. Ảnh: HẢI DƯƠNG


Sau nhiều lần sạt lở, gần như toàn bộ mặt QL91 đã sụp xuống sông Hậu. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Sạt lở, sụt lún bất tuân quy luật

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, sạt lở theo quy luật thường xảy ra ở các đoạn sông cong, cửa phân lưu, nhập lưu, các cửa sông phân lạch là nơi dòng chảy không ổn định, vận tốc dòng chảy lớn hơn sức chịu của bùn cát lòng sông.

Các nguyên nhân sạt lở được xác định gồm: Suy giảm bùn cát do tác động của hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát quá mức trên các triền sông; gia tải lên bờ sông, bờ biển do xây dựng và nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, trên sông và ven biển. Cùng đó là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng (trung bình 2-3 mm/năm); suy giảm diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và ngập mặn ven biển; gia tăng hoạt động của tàu, thuyền gây tác động lên bờ sông và nền địa chất yếu của ĐBSCL.

564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km là số liệu thống kê khu vực ĐBSCL cho hay. Trong đó, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566 km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch) và sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268 km.

Trong số các điểm sạt lở nêu trên, hiện có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm trực tiếp đến khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng, tổng chiều dài 170 km, bao gồm bờ sông 39 điểm với tổng chiều dài 85 km, bờ biển 18 điểm với tổng chiều dài 85 km. 

ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cho rằng sạt lở hiện nay dường như không tuân theo quy luật tự nhiên, bất kể mùa mưa, mùa khô và địa phương nào cũng có thể xảy ra sạt lở. Ông Vinh dẫn chứng vụ sụt lún đường nhựa Tắc Thủ – Đá Bạc và đường bê tông kiên cố trên đê biển Tây Cà Mau.

Theo ông Vinh, lớp đất dưới của Cà Mau có nhiều chất hữu cơ, ngày xưa nước đầy đủ nên các lỗ bọc được lấp đầy. Nhưng năm nay tình trạng hạn hán nặng, nước rút ra hết, chất hữu cơ co lại, đất không chịu được tải trọng quá nặng phía trên, cùng với tình trạng lún do khai thác nước ngầm quá mức nên dẫn đến sụt lún.

Ông Vinh cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra sạt lở như khai thác cát quá mức, phương tiện lưu thông tốc độ cao, xây nhà ven sông… Mỗi địa phương có nguyên nhân sạt lở riêng nhưng nguyên nhân chung là chúng ta khai thác nước ngầm quá mức. Khi nước ngầm bị lấy quá mức sẽ tạo thành những vết nứt gãy, nước chèn vào thì gây sạt lở, sụt lún. “Thiết nghĩ sắp tới Chính phủ cần phải tìm ra lộ trình giảm dần và tiến tới cấm hẳn việc sử dụng nước ngầm. Muốn vậy thì phải tăng cường bảo vệ môi trường nước mặt, cạnh đó ngành chức năng đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt phục vụ người dân. Các địa phương cũng cần bắt đúng bệnh của mình để có giải pháp khắc phục hiệu quả, nếu không chỉ lãng phí tiền” – ông Vinh nêu giải pháp.

Sạt lở, sụt lún – SOS

Sạt lở không còn mang tính cá biệt mà diễn ra hàng loạt, tiếp nối kéo dài từ thượng, trung đến hạ nguồn sông Tiền, sông Hậu.

Vụ sạt lở nghiêm trọng gần đây là ở quốc lộ (QL) 91, vào tối 31-7 và rạng sáng 1-8-2019 (đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, An Giang). khu vực này đã liên tục xảy ra sạt lở đất khiến nửa mặt đường nhựa (khoảng 85 m) trôi xuống sông Hậu. Vụ sạt lở khiến 26 hộ dân phải di dời khẩn cấp, QL91 bị chia cắt. Tại vị trí sạt lở, dù được ngành chức năng tiến hành gia cố, chi phí hàng tỉ đồng nhưng đất, mặt đường vẫn tiếp tục sụt lún ra sông, tạo thành hàm ếch khổng lồ.

Nằm dọc sông Hậu, TP Cần Thơ cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sạt lở. Năm 2019, trên địa bàn TP xảy ra 25 điểm sạt lở, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà, 25 căn nhà bị sạt một phần và bị ảnh hưởng, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở 618 m với tổng thiệt hại ước tính trên 14 tỉ đồng. Riêng trong tháng 1-2020, trên địa bàn xảy ra năm vụ sạt lở làm sạt hoàn toàn một căn nhà và bốn căn nhà khác bị ảnh hưởng, hư hại đường giao thông. Ngày 7-3, vụ sạt lở ven cạnh chợ nổi Cái Răng làm năm căn nhà bị ảnh hưởng, nhiều hộ phải di dời khẩn cấp.

Tại Sóc Trăng (địa phương nằm hạ nguồn sông Hậu) cũng là một trong những điểm nóng về sạt lở bờ sông, tần suất sạt lở bờ biển xuất hiện ngày càng nhiều và không theo quy luật tự nhiên. Trước diễn biến sạt lở phức tạp, tỉnh Sóc Trăng đã công bố sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm đoạn từ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4 thuộc xã Lai Hòa và Vĩnh Tân (thị xã  Vĩnh Châu). Đồng thời, tỉnh yêu cầu đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất, triển khai khẩn cấp kè ngầm giảm sóng đánh vào thân đê; có biện pháp bảo vệ đai rừng phòng hộ hiện chỉ còn 10-20 m và tạo bãi bồi, trồng tái tạo rừng phòng hộ, hạn chế sạt lở.

Còn tại Bến Tre hiện có 112 điểm sạt lở, trong đó sạt lở bờ biển có tám điểm tại các huyện ven biển (Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú) với chiều dài 19 km. Theo ngành chức năng, sạt lở đã lấn sâu vào đất liền trung bình hằng năm khoảng 10-15 m, làm mất trên 120 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ ven biển. Dự báo các khu vực trên sẽ tiếp tục sạt lở, xâm thực sâu vào khu vực dân đang sinh sống. 

HẢI DƯƠNG – TRẦN VŨ
THEO PLO.VN

Trả lời