Giá cả thị trường, Thị trường và giá cả, Thông tin
Thị trường ngày 4/4: Giá dầu tiếp tục leo dốc hơn 13%, đồng và nhôm thấp nhất 4 năm
Thị trường ngày 4/4: Giá dầu tiếp tục leo dốc hơn 13%, đồng và nhôm thấp nhất 4 năm
Minh Quân |
(Tổ Quốc) – Thị trường hàng hóa quốc tế phiên 3/4 chịu tác động chủ yếu từ 3 thông tin: OPEC+ có thể đi đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ cao kỷ lục và dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành khi thế giới đã có 1.087.810 người nhiễm virus corona trong đó 59.140 người đã tử vong (tính đến cuối ngày 3/4). Mức độ tác động nhiều/ít từ 3 yếu tố trên tới mỗi mặt hàng quyết định giá cả trong phiên này.
Dầu tăng hơn 13% do kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận
Giá dầu thô tiếp tục tăng phiên thứ 2 liên tiếp để kết thúc một tuần tăng mạnh nhất trong lịch sử bởi giới đầu tư kỳ vọng vào đầu tuần tới sẽ có một thỏa thuận khẩn cấp mang tính chất toàn cầu nhằm giảm nguồn cung trên thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 13,9% (4,17 USD) lên 31,11 USD/thùng. Phiên liền trước, dầu Brent có lúc tăng 47% – mức tăng trong ngày nhiều nhất từ trước tới nay – và kết thúc phiên vẫn tăng mạnh 21%. Tính chung cả tuần này, dầu Brent tăng 36,8%, tuần tăng mạnh chưa từng có.
Dầu Tây Texas (WTI) phiên vừa qua tăng 3,02 USD (11,93%) vào lúc đóng cửa, lên 28,31 USD/thùng. Tính chung cả tuần, WTI tăng 31,8% – cũng là tuần tăng nhiều nhất từ trước tới nay.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định Nga và Saudi Arabia sẽ đàm phán để kết thúc cuộc chiến giá dầu – điều đã khiến dầu mỏ lao dốc suốt mọt tháng qua, mất hơn một nửa giá trị.
OPEC đã lên lịch họp khẩn cấp vào ngày 6/4 để bàn bạc về việc cắt giảm sản lượng. Ngày 3/4, ông Trum và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều đã có cuộc họp riêng rẽ với các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Ông Trungp cho biết Mỹ vẫn chưa nhất trí cắt giảm sản lượng của mình. Luật pháp Mỹ cấm việc hợp tác cắt giảm sản lượng dầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế nhận định, kể cả việc cắt giảm mạnh sản lượng vào lúc này cũng không làm giảm nhiều tình trạng cung vượt cầu, do nhu cầu giảm mạnh bởi Covid-19 ngày càng diễn biến xấu. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Fatih Birol, cho biết, nếu OPEC giảm cung10 triệu thùng/ngày, các kho chứa dầu trên toàn cầu sẽ vẫn tăng 15 triệu thùng/ngày trong quý II/2020. Tuy nhiên, theo ông Per Magnus Nysveen của Rystad Energy thì ít ra thì việc giảm 10 triệu thùng/ngày trong sản lượng cũng sẽ giúp thế giới có thêm khoảng 3 tuần để chuẩn bị cho thời điểm cạn kiệt chỗ chứa dầu.
Tỉnh Alberta của Canada, nơi có kho chứa dầu lớn thứ 3 thế giới, đã sẵn sàng hợp tác với bất kỳ thỏa thuận nào có thể đạt được trên toàn cầu với mục tiêu giảm cung dầu thô. Trái lại, Mexic chưa có kế hoạch cắt giảm sản lượng ở công ty dầu mỏ quốc doanh Pemex, mặc dù việc khai thác dầu ở quốc gia này đắt đỏ nhất thế giới.
Vàng đi lên do số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ vẫn tăng
Giá vàng tăng trong phiên giao dịch vừa qua sau khi số người Mỹ trong lĩnh vực phi nông nghiệp xin trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh do Covid-19. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng bị kiềm chế với USD mạnh lên.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.619.4 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 6/2020 tăng 0,5% lên 1.645,7 USD/ounce.
Nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, Edward Moya, cho biết: “Nhà đầu tư vàng sẽ tiếp tục giữ thái độ chờ đợi và quan sát xem kinh tế toàn cầu sẽ diễn biến đến mức nào, và khi nào thì những điều kiện khó khăn hiện tại mới chấm dứt”. Thương nhân Michael Matousek thuộc U.S. Global Investors nhận định giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong 6 tháng tới.
Nền kinh tế Mỹ đã bị mất 701.000 việc làm trong tháng 3/2020, kết thúc chuỗi 113 tháng số việc làm liên tiếp tăng trưởng. Nguyên nhân bởi những biện pháp khắt khe nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và các nhà máy.
Đồng USD tăng 2% so với các đối thủ chủ chốt trong phiên vừa qua do lo sợ kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái.
Đồng, nhôm giảm vì số liệu thất nghiệp của Mỹ
Giá đồng và nhôm đều giảm trong phiên vừa qua do lo ngại nhu cầu sẽ giảm sút trên toàn cầu do đại dịch và số liệu về thị trường việc làm của Mỹ là một trong những bằng chứng về điều đó.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1% xuống 4.847 USD/tấn, không xa nhiều so với mức thấp nhất 4 năm cách đây 2 tuần (4.371 USD/tấn). Tính chung cả tuần, giá đồng đã tăng khoảng 1,2%, tuần tăng đầu tiên trong vòng 6 tuần, nhờ số liệu sản xuất của Trung Quốc tháng 3/2020 công bố vào đầu tuần tốt hơn dự đoán. Nhôm cũng giảm giá 0,4% trong phiên vừa qua, xuống 1.484,5 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016 là 1.479,50 USD/tấn.
Giá đồng thấp và việc các nhà cung cấp đồng chủ chốt ngừng hoạt động làm tăng lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung đồng. Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu kim loại công nghiệp vẫn ‘xám xịt’ do số người nhiễm và tử vong vì virus corona tiếp tục tăng nhanh trên toàn cầu.
Quặng sắt tăng sau khi Brazil đóng cửa 47 đập của mỏ quặng
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc đã tăng 3,5% trong phiên vừa qua sau khi Chính phủ Brazil quyết định cho tạm dừng hoạt động 47 đập của các mỏ khai thác quặng do những đập này chưa chứng minh được sự ổn định về độ an toàn. Trong số đó có ít nhất 25 đập thuộc hãng sản xuất quặng sắt lớn thứ 2 thế giới – Vale SA.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên giá tăng 2% lên 647 CNY (91,32 USD)/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 657 CNY lúc đầu phiên.
Thép cũng tăng theo giá quặng sắt sau thông tin tồn trữ các sản phẩm thép ở Trung Quốc giảm khi kinh tế nước này hồi phục dần sau dịch bệnh. Kết thúc phiên, giá thép cây tăng 1,1% lên 3.358 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 3.194 CNYt/tấn; thép không gỉ tăng 0,04% lên 11,915 CNY/tấn.
Lượng thép dự trữ của các thương gia Trung Quốc đã giảm 830.000 tấn xuống 23,5 triệu tấn tính tới ngày 2/4.
Lúa mì vững sau 4 phiên giảm, ngô thấp nhất 3,5 năm
Giá lúa mì đảo chiều tăng trong phiên vừa qua sau 4 phiên giảm trước đó do tình hình căng thẳng nguồn cung ở một số nước xuất khẩu do lo ngại virus corona có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Giá ngô tiếp tục giảm phiên thứ 6 liên tiếp, với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016. Giá đậu tương cũng đi xuống.
Kết thúc phiên giao dịch, lúa mì kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Chicago tăng 7-1/2 US cents lên 5,49-1/4 USD/bushel; ngô giao cùng kỳ hạn giảm 2-3/4 US cent xuống 3,30-3/4 USD/bushel sau khi có lúc xuống chỉ 3,28 USD; đậu tương cũng giao tháng 5 giảm 4-1/2 US cent xuống 8,54-1/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá lúa mì vẫn giảm gần 4%, là tuần giảm nhiều nhất kể từ cuối tháng 2.
Thị trường lúa mì đã yên tĩnh trở lại sau khi tăng mạnh vào tháng 3 khi nhiều nước gia tăng nhập khẩu và một số nước hạn chế xuất khẩu để đối phó với Covid-19. Đồng USD mạnh cũng cản trở giá ngũ cốc tăng. Thị trường ngô bị tác động tiêu cực vì nhu cầu ethanol yếu đi khi giá dầu thô tuần này giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm do người dân giảm đi lại và bất đồng giữa Nga và Saudi Arabia về sản lượng. Đậu tương chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi sản lượng của Nam Mỹ dự báo sẽ bội thu trong khi nhu cầu xuất khẩu thấp mặc dù Trung Quốc cam kết mua nông sản Mỹ.
Cà phê arabica giảm vì quán xá đóng cửa
Giá cà phê arabic giảm mạnh trong phiên vừa qua khi người tiêu dùng trên toàn cầu tiếp tục phải ở nhà để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, hầu hết các quán xá và nhà hàng phải đóng cửa.
Kết thúc phiên giao dịch, cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 4,45 US cent, hay 3,7%, xuống 1,1490 USD/lb. Robusta giao cùng kỳ hạn giá cũng giảm 18 USD (1,5%) xuống 1.191 USD/tấn.
Hiện gần 4 tỷ người trên khắp thế giới, tương đương 50% dân số toàn cầu, đang thực hiện yêu cầu “ở nhà” nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Đã có trên 90 quốc gia và cùng lãnh thổ bắt buộc hoặc khuyến cáo người dân ở nhà, ra lệnh giới nghiêm hoặc cách ly xã hội.
Nhu cầu cà phê ở các siêu thị trong những ngày đầu bị cách ly vẫn được duy trì, thậm chí tăng lên, nhưng các cửa hàng ăn uống đều ngừng trệ.
Cao su thoát khỏi mức thấp nhất 11 năm
Giá cao su trên sàn Tokyo đảo chiều tăng trong phiên vừa qua từ mức thấp nhất 11 năm ở phiên liền trước. Lý do bởi giá dầu tăng ở phiên 2/4. Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá cao su vẫn giảm tuần thứ 6 liên tiếp do lo ngại dịch virus corona khiến nhu cầu cao su trên toàn cầu sụt giảm.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn TOCOM tăng 3,7 JPY, tương đương 2,6%, lên 144,3 JPY (1,33 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá giảm 3,5% và là chuỗi tuần giảm giá dài nhất kể từ tháng 6/2016.
Tại các sàn giao dịch khác, giá cao su cũng tăng. Cụ thể, hợp đồng kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải tăng 80 CNY lên 9.670 CNY (1.362,49 USD)/tấn. Hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn Singapore tăng 0,2% lên 106,1 US cent/kg.
Lượng cao su lưu kho trên sàn Thượng Hải hiện giảm 1,1% so với cách đây một tuần.
Nước cam tăng giá mạnh trong những ngày qua
Nước cam là một trong những mặt hàng hiếm hoi tăng giá mạnh trong quý 1 năm nay khi dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người tin rằng tăng cường uống nước cam với hy vọng điều đó có thể giúp chống lại Virus corona.
Trong quý I/2020, giá nước cam kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn New York tăng 20,5% lên 1,2 USD/lb vào cuối quý. Riêng trong tháng 3, giá đã tăng 25%.
Theo một số nhà đầu tư mặt hàng này, khi mọi người bị cúm, họ uống nhiều nước cam hơn vì cam có nhiều vitamin C, mặc dù hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy điều đó có thể chống lại virus corona. Bên cạnh đó, thời tiết xấu ở Brazil – nước xuất khẩu nước cam lớn nhất thế giới – cũng gây lo ngại sản lượng vụ 2020/2021 sụt giảm. Một số người bắt đầu kỳ vọng giá có thể tăng tiếp lên 1,5 USD/lb.
Mặc dù vậy, mặt hàng này cũng có thể giảm giá nhanh, xuống dưới 1 USD sau khủng hoảng, vì chưa biết trước sản lượng vụ 2020/21 sẽ ra sao.
Hiện đang ở mức gần cao nhất 1 năm, song giá mặt hàng này vẫn thấp hơn so với mức cao của năm 2017 và 2018, và thấp hơn gần 50% so với năm 2016.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 4/4
Theo ttvn.toquoc.vn