Giảm mạnh
Vừa thu hoạch đợt tôm sú vào con nước cuối tháng 2 (âm lịch) vừa qua, bà Phạm Thị Loan (xã An Trạch A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) nhẩm tính bị “mất” gần 800.000 đồng so với đợt bắt tôm vào con nước giữa tháng. Bà Loan nói: “Con nước vừa rồi, tôi xổ vuông hơn 30kg tôm sú, loại từ 30-40 con/kg, bán được gần 3,8 triệu đồng. Trong khi đó, con nước trước, tôi xổ chỉ 28kg mà bán hơn 4,5 triệu đồng. Hiện tôm nuôi đang vào chính vụ nhưng với giá tôm giảm như vậy, người nông dân còn đâu nữa mà ăn”.
Theo người nuôi tôm ven biển các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…, chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà giá tôm giảm mạnh như hiện nay, mà giảm mạnh nhất là tôm sú. Chỉ hơn một tuần, giá tôm giảm kỷ lục khoảng 70.000 đồng/kg, còn so với cùng kỳ năm trước thì giá tôm sú (tùy loại) giảm từ 100.000 – 140.000 đồng.
Theo thống kê, giá tôm trong tuần thứ 3 (trong tháng 3-2020), tôm sú loại 20 con/kg giá 170.000 – 200.000 đồng/kg (giảm 60.000 đồng/kg so với tuần trước); tôm sú loại 30 con/kg giá 130.000 – 170.000 đồng/kg (giảm khoảng 70.000 đồng/kg); tôm sú loại 40 con/kg có giá khoảng 90.000 – 130.000 đồng/kg (giảm 40.000 đồng/kg). Riêng loại tôm thẻ chân trắng giảm nhẹ hơn, đối với loại 100 con/kg tôm thẻ chân trắng nuôi ao phủ bạt giá từ 72.000 – 78.000 đồng (giảm 20.000 đồng/kg), nuôi ao đất giá hiện còn 65.000 – 75.000 đồng/kg (giảm 16.000 đồng/kg).
Theo người dân, với giá như hiện nay, nhất là tôm thẻ chân trắng, người nuôi đối diện rủi ro rất cao. Ông Trần Văn Việt (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Tùy theo kinh nghiệm và am hiểu kỹ thuật mà nuôi trúng nhiều hay ít. Nhưng với cách nuôi ao đất hiện nay thì giá tôm từ 80.000 đồng/kg (loại 100 con) trở lên mới có lời. Với giá tôm như hiện nay, dân nuôi tôm treo ao đầy”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp và tình hình nuôi tôm trên địa bàn. Một số doanh nghiệp, thương lái ngừng mua hoặc mua hạn chế với giá thấp, làm cho giá tôm giảm bất thường. Người nuôi tôm hoang mang, lo không bán được tôm trong thời gian tới, không xác định được giá tôm trên thị trường, nên một số đã bán tôm khi chưa đến lứa thu hoạch với giá rất thấp.
Hàng tồn kho tăng
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại ĐBSCL, dù các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc thông quan trở lại, nhưng lượng hàng chỉ nhỏ giọt, khi hàng vào nội địa cũng bị hạn chế việc di chuyển, mặt hàng tôm tiêu thụ được rất ít. Còn thị trường EU, do diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, hiện các đơn hàng nhập khẩu tôm đã ký hầu hết đều bị tạm hoãn ít nhất đến hết tháng 4-2020 và không ký đơn hàng mới. Thị trường Mỹ hiện chưa biến động nhiều, vẫn còn duy trì nhập tôm Việt Nam nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại, các thị trường còn lại đều khó do dịch bệnh.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết do dịch Covid-19 nên tất cả các thị trường xuất khẩu tôm đều ảnh hưởng. Về phía tỉnh, hội, ngành thủy sản dù đã phản ứng nhanh và chủ động, nhưng do tình hình khách quan nên các chính sách ban hành chưa đủ, việc cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn chậm.
Trước thực tế như vậy, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các đơn vị có liên quan thiết kế mẫu để thu thập thông tin từ các doanh nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh: về công suất thiết kế, công suất đang chế biến, hàng tồn kho theo hợp đồng, số lượng công nhân, năng lực chế biến, thị trường, số lượng và sản lượng chế biến, khả năng lưu kho đăng ký trữ. Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan nắm tình hình đang thả nuôi, dự báo thu hoạch, giá cả thu mua tôm nguyên liệu tại các đại lý… để có giải pháp phù hợp, đồng thời kiến nghị Trung ương có những chính sách phù hợp đối với các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu.
Theo sggp.org.vn