Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Bến Tre: Cảnh báo rủi ro khi chơi hụi
Bến Tre: Cảnh báo rủi ro khi chơi hụi
Vỡ hụi là câu chuyện không mới nhưng đã và đang làm cho nhiều gia đình rơi vào cảnh “lao đao”. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2019, toàn tỉnh Bến Tre xảy ra 19 vụ vỡ hụi với tổng số tiền thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về rủi ro đối với hình thức huy động vốn này.
Cơ quan Công an tống đạt các quyết định khởi tố bà Trần Thị Thúy Oanh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhiều vụ vỡ hụi hàng chục tỷ đồng
Nghị định số 19 năm 2019 của Chính phủ quy định nguyên tắc về tổ chức hụi, văn bản thỏa thuận về hụi, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của hụi viên và chủ hụi như khi góp hụi, lãnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan thì hụi viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây hụi trở lên…
Tuy nhiên, trên thực tế, sự hiểu biết và chấp hành quy định của các chủ hụi và hụi viên còn nhiều hạn chế. Các chủ hụi tổ chức chơi nhiều dây hụi cùng một lúc, số tiền lớn nhưng không báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi. Phần lớn việc thỏa thuận mở hụi, kêu hụi, giao nhận tiền hụi giữa chủ hụi và các hụi viên thường là thỏa thuận miệng dựa trên uy tín, sự tin tưởng lẫn nhau; không lập hợp đồng, sổ sách, chứng từ, ghi chép, theo dõi rõ ràng. Mặt khác, khi chơi hụi các hụi viên đa phần không muốn hốt hụi sớm, mong muốn nhận lãi suất trong suốt các kỳ mở hụi cho đến kỳ hụi kết thúc. Hoạt động tổ chức hụi có lãi theo hình thức như trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ vỡ hụi. Nếu chủ hụi có sự gian dối ngay từ đầu, lập chân hụi khống hay còn gọi là “hụi ma” để lừa các hụi viên thì nguy cơ vỡ hụi là chuyện sớm muộn.
Điển hình như vụ vỡ hụi hơn 3 tỷ đồng, do bà Trần Thị Thúy Oanh, sinh năm 1978, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành làm chủ. Từ năm 2006, bà Oanh lập ra và làm chủ hụi để những người dân trên địa bàn huyện tham gia chơi hụi. Đến tháng 9-2018, bà Oanh tuyên bố vỡ hụi. Quá trình làm chủ hụi, bà Oanh đã thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của các hụi viên. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Oanh để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hay như vụ vỡ hụi 2,3 tỷ đồng, do Nguyễn Thị Kim Thoa, sinh năm 1979, nghề nghiệp kinh doanh mua bán vật liệu xây dựng và chăn nuôi, ngụ xã An Hóa, huyện Châu Thành làm chủ hụi. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, vào năm 2010, Nguyễn Thị Kim Thoa bắt đầu làm chủ hụi, tổ chức nhiều dây hụi để nhiều hụi viên trên địa bàn huyện Châu Thành và Bình Đại tham gia. Quá trình làm chủ hụi, Thoa đã nhiều lần tự ý hốt tiền hụi của các hụi viên để trả nợ và tiêu xài cá nhân rồi tuyên bố vỡ hụi. Cơ quan chức năng xác định tổng số tiền Thoa phải trả cho 35 hụi viên là hơn 2,3 tỷ đồng.
Bà N.T.T, 67 tuổi, ngụ ấp An Hòa, xã An Hóa, huyện Châu Thành tham gia chơi hụi của bà Thoa đã nhiều năm, hàng tháng tiền đóng hụi của bà từ 7 – 8 triệu đồng. Bà T cho biết: “Có bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng tôi đều dồn vào chơi hụi để mong tích lũy được số tiền lớn, nhưng không ngờ lại xảy ra bể hụi”.
Là một trong những nạn nhân của vỡ hụi nêu trên, ông L.V.T, 71 tuổi, ngụ ấp An Hòa, xã An Hóa, bức xúc cho biết: “Cô Thoa làm chủ hụi được nhiều năm, hàng tháng đều giao tiền hụi đầy đủ, gia đình bề thế, cũng là người có uy tín ở địa phương nên tui và bà con ở nơi đây tin tưởng chơi, xảy ra bể hụi tui rất bất ngờ…”.
Cần thực hiện đúng quy định pháp luật
Thực tế hiện nay, nhiều hụi viên vì tin tưởng vào sự quen biết, uy tín, bề thế của chủ hụi và bị hấp dẫn bởi tiền lời lớn nên tham gia chơi hụi. Đồng thời, khi chơi hụi, các hụi viên chỉ nhớ các lần đóng hụi và bao nhiêu chân hụi để quy ra tiền chứ không có chứng từ ghi nợ rõ ràng. Khi hụi viên hốt hụi mà chủ hụi có dấu hiệu hẹn lần hẹn lựa, đến nhà tìm không gặp, điện thoại không bắt máy hoặc không liên lạc được nghĩa là có nguy cơ bể hụi. Thông thường, khi sự việc được tố cáo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng thì chủ hụi đã không còn tài sản hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú, nên khi vỡ hụi các hụi viên thường lâm vào cảnh trắng tay, không nhận lại được hoặc chỉ nhận phần ít số tiền mà hụi viên đã góp.
Những vụ vỡ hụi gây xôn xao dư luận thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh thực sự là lời cảnh báo đối với những ai đã và đang tham gia hình thức huy động vốn có lãi này. Nhưng hậu quả ấy sẽ được ngăn chặn nếu chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa trước những biểu hiện bất thường xảy ra trong đời sống nhân dân liên quan đến hoạt động chơi hụi tại địa phương. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi xảy ra tranh chấp khi chơi hụi, luật sư Trần Nhật Long Huy – Đoàn Luật sư tỉnh khuyến cáo: “Khi chơi hụi, mọi người nên có sổ sách ghi chép theo dõi quá trình chơi và yêu cầu chủ hụi cung cấp các chứng từ có liên quan như ghi biên nhận có ký tên giao nhận tiền, ngày tháng giao nhận tiền, số tiền giao nhận… Ngoài ra, nên lập hợp đồng chơi hụi có xác nhận của chính quyền địa phương. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền lợi của người chơi khi xảy ra vỡ hụi. Đối với việc chiếm đoạt tiền của hụi viên, các chủ hụi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Có thể thấy, việc chơi hụi có tính rủi ro rất cao, vì vậy, khi người dân muốn tích lũy, sinh lợi tiền từ chơi hụi cần phải tìm hiểu và thực hiện đúng những quy định của pháp luật để bảo vệ tài sản của mình, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
Theo HẢI ĐĂNG (Báo Đồng Khởi)