Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Rolex, Gucci nhái tại Saigon Square: Chuyện không mới
Rolex, Gucci nhái tại Saigon Square: Chuyện không mới
(Thị trường) – Nếu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm như vụ khẩu trang thì những cửa hàng bán đồ nhái thương hiệu cao cấp không có đất sống.
Ngày 12/3/2020, cơ quan chức năng TP. HCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số gian hàng tại trung tâm thương mại Sài Gòn Square và chợ Bến Thành, phát hiện nhiều sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ theo quy định của pháp luật, với tổng trị giá khoảng 146.195.000 đồng.
Cụ thể, tại Trung tâm thương mại Saigon Square, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 10 kiot. Sau khi phát hiện hành vi vi phạm, đoàn đã tạm giữ 224 đơn vị sản phẩm.
Trong đó, gồm 63 chiếc đồng hồ nhái các nhãn hiệu như Montblanc, Rolex, Bvlgari, Cartier, G-Shock. 48 chiếc túi xách, túi đeo các loại mang nhãn hiệu: Prada, Adidas, Gucci và hơn 100 ba lô, ví,… các loại.
Tại chợ Bến Thành, đoàn đã kiểm tra 10 kiot, tổng số lượng hàng hóa tạm giữ là 1.276 đơn vị sản phẩm. Trong đó, đồng hồ đeo tay, mắt kính các loại gồm 642 đơn vị sản phẩm mang nhãn hiệu Rolex, Longines, Gucci, Montblanc, Chanel, Rayban, Burberry, Dior, Cartier, Omega… Túi xách, túi đeo, thắt lưng, ví (bóp) các loại: 634 đơn vị sản phẩm, nhãn hiệu: Montblanc, Prada, Gucci, Yves Saint Laurent, MCM, Dior, Hermes, Goyard, Chanel.
Nhiều mặt hàng làm nhái thương hiệu cao cấp được phát hiện tại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành – TP. HCM.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Thành – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều mặt hàng làm nhái tại Sài Gòn Square và chợ Bến Thành. Trước đó vào các năm 2019, 2018, 2017… những trường hợp tương tự cũng liên tiếp được phát hiện tại 2 địa điểm này.
“Điều đó cho thấy vấn đề bán hàng nhái, hàng giả tại những nơi này có hành vi cố tình, thực hiện theo phương thức có hệ thống, đường dây. Việc cơ quan chức năng thu giữ, xử phạt chủ cơ sở bày bán chỉ là xử lý phần ngọn nên không thể giải quyết được vấn đề, xử phạt, thu giữ hôm nay thì ngày mai chủ những cơ sở này lại tiếp tục có hàng giả, hàng nhái bày bán” – ông Thành nói.
Theo ông Thành, trách nhiệm của việc này trước tiên thuộc về đơn vị quản lý trực tiếp là Cục Quản lý thị trường ở các tỉnh, cùng với đó là Ban Quản lý trung tâm thương mại, chợ đã buông lỏng để các tiểu thương bàn hàng giả, hàng nhái mà không có biện pháp ngăn chặn triệt để.
“Những mặt hàng giả cao cấp thường đem về số tiền thu lợi bất chính rất lớn, có thể họ chỉ cần bán vài cái túi xách là đủ số tiền nộp phạt nên các tiểu thương mới bất chấp quy định. Trong khi đó, Ban Quản lý trung tâm thương mại, chợ… vẫn để cho những tiểu thương có hành vi gian dối đó tiếp tục được hoạt động trong phạm vi mình quản lý nên mới có hiện tượng nhờn luật” – vị luật sư cho biết.
Còn theo ông Phạm Văn Hướng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, để lần ra đường dây làm hàng giả, hàng nhái không khó. Bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình, cơ quan chức năng có thể dựa vào lời khai của những chủ cửa hàng sai phạm để là có thể xác định được đầu mối làm giả hàng hóa để xử lý.
“Một bài học rất lớn trong thời gian qua về việc làm giả, làm nhái sản phẩm là mặt hàng khẩu trang y tế, khi cơ quan chức năng vào cuộc nghiêm túc thì nhanh chóng các cơ sở sản xuất khẩu trang giả, kém chất lượng bị phát hiện, xử lý, bình ổn lại thị trường. Với các mặt hàng khác, nếu cũng làm tương tự thì việc làm giả, làm nhái khó mà thực hiện được” – ông Hướng bày tỏ.
Ngọc Thanh
Theo Baodatviet.vn