Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Xử lý 21 cơ sở vi phạm về sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế phòng dịch Covid-19
Xử lý 21 cơ sở vi phạm về sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế phòng dịch Covid-19
Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, trong kỳ báo cáo ngày 10/3/2020, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra, giám sát 93 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, xử lý 21 cơ sở, phạt tiền 35.950.000 đồng.
Như vậy, theo thống kê của Tổng Cục Quản lý thị trường, lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 10/03/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 6.011 cơ sở. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 1.881.080.000 đồng.
Lực lượng quản lý thị trường các tỉnh xử lý 21 vụ vi phạm về kinh doanh thiết bị y tế. Ảnh: Tổng Cục QLLT
Điển hình tại tỉnh Đắk Lắk, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 31/01 đến ngày 10/03/2020, Cục QLTT Đắk Lắk đã giám sát, kiểm tra 476 cơ sở, xử lý 40 cơ sở, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 271.000.000 đồng.
Theo nhận định của lực lượng chức năng, các hành vi vi phạm chủ yếu không niêm yết giá hàng hóa là khẩu trang y tế tại địa điểm phải niêm yết giá hàng hóa theo quy định; lợi dụng dịch bệnh và điều kiện bất thường khác để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa.
Ngoài ra, Cục QLTT Đắk Lắk đã tổ chức ký cam kết với 517 cơ sở kinh doanh về việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh các sản phẩm dùng cho việc phòng, chữa bệnh do dịch bệnh của vi rút Corona gây ra.
Trước dự báo trong thời gian tới tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế, mặt hàng khẩu trang để phòng bệnh dịch, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, Tổng Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ địa bàn.
Xử lý quyết liệt, kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu.
Nghiêm cấm đầu cơ, găm hàng, tự tăng giá bất hợp pháp để thu lợi nhuận cao và thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân chấp hành quy định pháp luật. Đồng thời, nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới tình hình dịch Covid-19, theo Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên thế giới hiện là 118.873, trong đó 4.259 tử vong, 65.110 ca bình phục, lan ra 104 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Tại Việt Nam hiện nay cũng đã xuất hiện 34 trường hợp mắc bệnh, trong đó đã điều trị khỏi 16 trường hợp.
An Dương/Theo Vietq.vn