Theo người dân địa phương, tùy theo khoảng cách từ điểm bán lúa đến điểm thu mua mà mỗi tấn lúa người dân phải tốn chi phí vận chuyển bằng xe máy từ 200.000- 500.000 đông/tấn. Thậm chí, những hộ nằm xa trục giao thông chính, đường sá bị sụp lún thì thu hoạch xong thương lái không vào mua. Vì vậy, phải trữ lại đợi mưa xuống mới bán được.
Đối với vụ lúa đông xuân (chủ yếu nằm phía bắc quốc lộ 1A) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay đang thu hoạch rộ, năng suất khá cao. Còn đối với những diện tích chưa thu hoạch thì tình hình nước tưới tiêu không căng thẳng nhiều so với mọi năm. Nguyên nhân, vì năm nay công trình cống Âu thuyền Ninh Quới đưa vào vận hành, việc điều tiết nước được đảm bảo hơn. Dù vậy, những khu vực xa nguồn nước ngọt hiện đang thiếu nước, còn những nơi ven theo các cống thủy lợi thuộc tiểu vùng giữ ngọt vẫn có nguy cơ bị thiệt hại do nước bị nhiễm mặn.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, hiện độ mặn trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp (tại ngã tư Ninh Quới) là 2,9 ‰; tuyến Ninh Quới – Ngan Dừa độ mặn trên kênh Đầu Sấu 5,3 ‰…
Trước dự báo xâm nhập mặn tăng cao vào những ngày tới và có khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các cơ quan chuyên môn, giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng. Đồng thời, tranh thủ tích trữ nước ngọt để cấp cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao.
Theo sggp.org.vn