Mặt hàng phân bón chịu thuế GTGT 5% từ 1/7/2025

Mặt hàng phân bón chịu thuế GTGT 5% từ 1/7/2025

(TCT online) – Chiều 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thuế GTGT (sửa đổi) với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Phân bón chịu thuế GTGT 5%

Một trong những điểm mới của luật là quy định thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản. 

Về vấn đề này, trong quá trình Quốc hội thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%. Có ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì lo ngại khi đánh thuế 5% sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường và người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Giải trình về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế.

Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu.

Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ 2015 đến trước thời điểm dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất.

Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào. Chính vì vậy, trong suốt thời gian vừa qua, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn đại biểu Quốc hội, Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Kiến nghị này cũng đã được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với ý kiến lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế GTGT phải nộp làm tăng mặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp, Uỷ ban cho rằng, phân bón nhập khẩu khi bán ra có thể bị tăng giá tương ứng với chi phí thuế GTGT phải nộp, song tỷ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước nên giá bán của phân bón nhập khẩu cũng phải điều chỉnh theo mặt bằng của thị trường khi phân bón sản xuất trong nước có xu thế và dư địa giảm giá, do được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất.

Ngoài ra, mặt bằng giá còn đặt trong xu thế giảm giá chung của thị trường phân bón thế giới sau khi hết dịch Covid-19. Đồng thời, phân bón hiện là mặt hàng được nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành, cấu kết với tư thương để có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.

Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, UBTVQH giữ nội dung này như dự thảo luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Như vậy, mặt hàng phân bón được đưa vào diện chịu thuế GTGT 5%.

Ngưỡng doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm

Theo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), ngưỡng doanh thu không chịu thuế được nâng lên mức 200 triệu đồng/năm.

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị xem xét, nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT lên trên mức 200 triệu. Theo UBTVQH, Luật Thuế GTGT hiện hành đang quy định mức doanh thu không chịu thuế GTGT là 100 triệu đồng/năm. Số liệu tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, nếu mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số thu NSNN sẽ giảm khoảng 2.630 tỷ đồng. Nếu mức doanh thu không chịu thuế là 300 triệu đồng/năm thì số thu NSNN sẽ giảm khoảng 6.383 tỷ đồng.

Do đó, để bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế, tương đối phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, dự thảo luật quy định mức ngưỡng doanh thu 200 triệu đồng/năm.

Liên quan đến các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, theo UBTVQH, dù chính sách này đã phát huy hiệu quả phòng tránh gian lận, hoàn thuế GTGT trong xuất khẩu sản phẩm nông sản chưa chế biến, đặc biệt trong giai đoạn cách đây hơn 10 năm, khi các doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang áp dụng chế độ hoá đơn giấy tự tạo, nhưng hiện nay, chế độ hoá đơn giấy tự tạo đã được xoá bỏ, các doanh nghiệp đã chuyển sang áp dụng hoá đơn điện tử, có kết nối mạng trực tiếp. Cơ quan thuế có thể liên tục cập nhật các hoá đơn được phát hành, kịp thời theo dõi tình hình thu, nộp ngân sách, nâng cao chất lượng kiểm soát và khắc phục tình trạng gian lận hoá đơn.

Do vậy, dự thảo luật đã bổ sung quy định về điều kiện để được hoàn thuế tại khoản 9 Điều 15“trường hợp hàng hoá chưa được người bán kê khai nộp thuế GTGT thì cơ sở kinh doanh không được hoàn”, để bảo đảm không xảy ra gian lận hoàn thuế GTGT khi thuế đầu vào chưa được nộp vào NSNN. Trong điều kiện quản lý mới này, chính sách cho phép các doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là không còn cần thiết và phù hợp.

Bên cạnh đó, nếu bỏ quy định này cũng sẽ tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất nông sản lớn như các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tăng thêm nguồn thu ngân sách. Vì vậy, UBTVQH chỉnh lý dự thảo luật theo hướng bỏ quy định này tại khoản 1 Điều 5. 

Ngoài ra, Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã được bỏ các nội dung quy định về trách nhiệm người nộp thuế, cán bộ thuế tại điểm b khoản 10 Điều 15 để chuyển sang quy định tại dự thảo Luật Quản lý thuế đang được trình Quốc hội trong Dự án một luật sửa 7 luật.

Luật Thuế GTGT (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2025. Luật này thay thế Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12, Luật số 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và Điều 1 Luật số 106/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế (khoản 3 Điều 17-PV).

Quy định về mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế tại khoản 25 Điều 5 luật này và khoản 3 Điều 17 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

HH

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/87ec7101-a28f-4687-bd98-c52a0a5c832c