Quản lý thuế hộ kinh doanh: kinh nghiệm quốc tế và một số giải pháp cho Việt Nam

Quản lý thuế hộ kinh doanh: kinh nghiệm quốc tế và một số giải pháp cho Việt Nam

(TCT online) – Với khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh (HKD) đang hoạt động trong nền kinh tế, công tác quản lý thuế nhóm đối tượng này luôn chiếm nhiều thời gian, nguồn lực của cơ quan thuế, song kết quả thu được lại chưa tương xứng. Nhằm tìm ra “kế sách” để cải thiện tình hình, thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với HKD. Góp phần vào nỗ lực này, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới và đánh giá thực tế áp dụng tại Việt Nam, chuyên đề “Quản lý thuế hộ kinh doanh: kinh nghiệm quốc tế và một số giải pháp cho Việt Nam” của Tạp chí Thuế sẽ gợi mở, đề xuất một số giải pháp với cơ quan quản lý.

Bài 1. Kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, HKD là một trong những mô hình kinh doanh phổ biến bởi sự đơn giản trong thủ tục thành lập và chi phí gia nhập thị trường thấp. Tuy nhiên, khi hoạt động dưới hình thức HKD, chủ hộ chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ, cũng như gặp khó khăn trong việc huy động vốn, bao gồm cả vốn vay từ ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã xây dựng các chính sách hỗ trợ với nhiều ưu đãi dành cho HKD.

Áp dụng chính sách thuế đơn giản đối với HKD

Theo nghiên cứu của Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa và hộ, cá nhân kinh doanh (Tổng cục Thuế), thực tế không có nhiều dữ liệu, thông tin về chính sách thuế hay quản lý thuế áp dụng cho các HKD ở các nước để so sánh. Ngay cả khái niệm về “HKD” cũng là tương đối đặc biệt có riêng của Việt Nam. Ở hầu hết các nước, người nộp thuế  (NNT) nói chung ngoài các công ty, DN, tổ chức… thì chỉ có cá nhân kinh doanh. Xu hướng chung của cơ quan thuế các nước là phân loại NNT theo quy mô (chứ không phải dựa theo địa vị pháp lý). Cơ quan thuế các nước cũng tiến hành đơn giản hóa chính sách, thủ tục đối với các DN, cá nhân nộp thuế nhỏ, siêu nhỏ để tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí tuân thủ. Đồng thời, khuyến khích thực hiện ghi chép, hạch toán kế toán, hạn chế những hoạt động phi chính thức. Về cơ chế quản lý thuế, thông lệ quốc tế ghi nhận được cũng là sự pha trộn, một vài quốc gia giới hạn chỉ áp dụng chế độ thuế khoán đối với các hoạt động không chính thức; một số nước khác thì bắt buộc NNT phải kê khai, tính thuế đối với tất cả các hoạt động phát sinh. Kể cả ở các nước có áp dụng chế độ thuế khoán thì cũng ban hành chế độ đơn giản nhất, tính thuế phải nộp theo một mức tỷ lệ trên doanh thu của cá nhân, HKD.

Ví dụ, tại Bolivia, thuế GTGT, thuế giao dịch và thuế đánh vào lợi nhuận DN được thống nhất thành một loại thuế. NNT muốn áp dụng cơ chế quản lý đơn giản phải thực hiện đăng ký trên cơ sở phù hợp và lưu giữ hóa đơn mua hàng cũng như các tài liệu chứng minh cho việc thanh toán thông thường của họ.

Trong khi đó, Mexico áp dụng cơ chế quản lý thuế đối với NNT nhỏ, trong đó kết hợp thuế thu nhập và thuế GTGT, dưới sự quản lý của cơ quan thuế liên bang. Các cá nhân có hoạt động kinh doanh liên quan có thể lựa chọn áp dụng cơ chế này nếu họ bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ cho các đơn vị công và khoản thu nhập của họ cộng với khoản lợi nhuận từ năm trước không vượt quá 2 triệu đô la Mexico. Cơ chế quản lý thuế đối với NNT nhỏ (REPECOS) quy định số thuế phải nộp là một khoản duy nhất bao gồm tổng thuế GTGT cố định là 100 đô la 

Mexico hàng tháng, cộng với một khoản thuế bằng 2% thuế suất trên tổng doanh thu hàng năm của NNT. NNT thuộc đối tượng áp dụng cơ chế REPECOS không cần phải lưu giữ sổ sách kế toán về doanh thu hàng ngày; họ cũng không có nghĩa vụ phải kê khai doanh thu hay xuất hóa đơn cho khách hàng hay lưu giữ hoá đơn gốc khi giá trị giao dịch ít hơn 100 đô la Mexico.

Đối với Nhật Bản, thuế từ kinh doanh của cá nhân được cộng với các khoản thu nhập khác như tiền lương, thu nhập từ cổ tức, thu nhập từ chuyển nhượng (trừ bất động sản và cổ tức) để tính thuế tổng hợp theo biểu thuế suất lũy tiến.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ HKD tăng sự tuân thủ tự nguyện

Thực tế cho thấy, các chủ HKD thường có rất ít thông tin về chi phí và lợi ích thực tế nếu chính thức hóa mô hình kinh doanh. Vì thế, tư duy của đa phần HKD là chi phí chính thức hóa cao hơn lợi ích họ được hưởng, kể cả trong trường hợp rủi ro bị phạt nếu không tuân thủ. Điều này làm trì hoãn việc chính thức hóa của các HKD. Xác định rõ “điểm nghẽn” này, Chính phủ các nước đang nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức cho chủ HKD về lợi ích trực tiếp, gián tiếp của việc chính thức hóa.

Theo đó, đối với tất cả các cơ quan thuế và đặc biệt là ở các nước đang phát triển, mục tiêu quản lý thuế thành công không đơn thuần chỉ là tăng số thu, mà còn là tăng sự tuân thủ tự nguyện. Chính vì vậy, đối với nhóm NNT nhỏ, cơ quan thuế tiến hành các cải cách để giảm các chi phí tuân thủ và chi phí hành chính theo hướng quan tâm đến việc đơn giản hóa chính sách và thủ tục; khuyến khích việc tính thuế trên hệ thống chứng từ kế toán đơn giản; tăng cường cung cấp các dịch vụ phù hợp cho NNT để thu hẹp mức độ phổ biến của tình trạng lao động và kinh tế ngầm. Đối với các nước có nền kinh tế phát triển và một số nước chuyển đổi tiên tiến (như Chính phủ điện tử), thì áp dụng cung cấp các dịch vụ qua mạng internet và khuyến khích NNT tự tìm kiếm, tra cứu, sử dụng các dịch vụ thuế điện tử để tiết kiệm chi phí.

Cụ thể, do HKD là tổ chức không có tư cách pháp nhân, nghĩa vụ cũng là nghĩa vụ cá nhân của chủ sở hữu, nên các quốc gia thường khuyến khích các chủ HKD mua bảo hiểm trách nhiệm pháp lý để hạn chế rủi ro đối với tài sản cá nhân nếu hoạt động kinh doanh gặp thất bại; đồng thời khuyến khích lập tài khoản ngân hàng riêng cho HKD để dễ dàng theo dõi các luồng tiền kinh doanh tách biệt với các luồng tiền của cá nhân chủ sở hữu, thuận tiện cho việc báo cáo thu – chi hàng năm để làm căn cứ tính thuế TNCN của chủ sở hữu. Ở một số quốc gia (Mỹ, Canada), nếu HKD thua lỗ thì không phải đóng thuế; nhưng nếu báo cáo thua lỗ liên tục thì Sở Thuế vụ có thể coi hoạt động kinh doanh của HKD như là “sở thích” của chủ sở hữu, nhưng cấm không được khấu trừ lỗ trong những năm tiếp theo.

Để thúc đẩy HKD đăng ký hoạt động chính thức, các nước đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm tối đa chi phí, thủ tục gia nhập thị trường. Đơn cử như tại Canada, từ năm 2003 đã triển khai cấp giấy phép kinh doanh trực tuyến thông qua hệ thống BizPaL cho HKD ở cả ba cấp liên bang, tỉnh, TP. Qua đó, đảm bảo liên thông giữa các cơ quan Chính phủ vừa như “bộ phận 1 cửa” cung cấp đầy đủ toàn bộ các thông tin cần thiết phục vụ cho việc thành lập, hoạt động của HKD.

Tương tự, ở Trung Quốc, để đẩy nhanh quá trình đăng ký và hỗ trợ các HKD, TP Thượng Hải đã thành lập cơ quan dịch vụ việc làm (SCESO) cung cấp con dấu khi thành lập, đăng ký lao động của HKD; hỗ trợ thiết lập tài khoản ngân hàng; hỗ trợ các vấn đề liên quan đến hoá đơn, đào tạo, tư vấn về luật pháp liên quan đến hoạt động kinh doanh… SCESO cũng cung cấp bảo lãnh cho các tổ chức lao động phi chính thức nộp đơn cho ngân hàng để có được các khoản vay; đồng thời, còn là đại diện của các tổ chức này trong quá trình thảo luận với chính quyền. Với vai trò này, SCESO tương tự như một “hiệp hội kinh doanh” dành cho HKD và các DN phi chính thức.

Còn ở Malaysia, HKD được hỗ trợ một số vốn lưu động và dài hạn khi mới thành lập; được tư vấn kinh doanh nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường và tiếp cận vốn; được hỗ trợ marketing. Từ tháng 5/2020, thông qua Ủy ban doanh thu nội địa Malaysia (The Malaysia Inland Revenue Board) tất cả các DN siêu nhỏ và HKD đã đăng ký với Uỷ ban sẽ được hưởng khoản tài trợ đặc biệt trị giá 3.000 Ringgit Malaysia (RM) dựa trên gói kích thích kinh tế Prihatin Rakyat. Theo thống kê, đã có khoảng 700.000 DN siêu nhỏ, HKD trên toàn quốc được hưởng lợi.

Có một điểm dễ nhận thấy là, các quốc gia đều ưu tiên cung cấp các công cụ trực tuyến miễn phí, hoặc với chi phí rất thấp để giúp HKD số hóa hoạt động, cải thiện điều kiện kinh doanh và tăng năng suất, như công cụ hỗ trợ xác minh danh tính; các khóa đào tạo trực tuyến; các ứng dụng kinh doanh trực tuyến; các công cụ kế toán và hệ thống quản lý liên kết với hệ thống thanh toán và bảng lương… Rõ nét nhất là Thái Lan, năm 2017, Cơ quan Xúc tiến kinh tế kỹ thuật số (Digital Economy 

Promotion Agency- DEPA) được thành lập để giúp các DN siêu nhỏ và HKD tiếp cận tốt hơn với các công nghệ mới của nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh liên quan đến kỹ thuật số và đổi mới.

Tại Indonesia từ tháng 11/2017, Chương trình “MSME Go Online” được triển khai để hỗ trợ DN siêu nhỏ và HKD có thể cạnh tranh trong các thị trường lớn hơn thông qua việc tổ chức nhiều hội thảo, các khóa đào tạo về số hóa cũng như cung cấp một triệu ID tại các nền tảng trực tuyến; kết nối hỗ trợ DN nhỏ và HKD quảng bá, bán các sản phẩm trên 6 thị trường trực tuyến lớn nhất quốc gia. Ngoài ra, các cơ quan Chính phủ còn cung cấp các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực tham gia thị trường trực tuyến khác cho DN nhỏ và HKD, như đào tạo về tài chính, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, marketing…               (Còn tiếp)  

Trung Kiên

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/dien-dan/00933b3c-b3c9-458c-adb6-78c7ca4e81e6