Với Quyết định này, Bình Phước là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch.
Ảnh minh họa |
Quy hoạch điều chỉnh là cơ sở, căn cứ để lập các quy định khác theo quy định
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 và được điều chỉnh tại Quyết định này là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Quyết định số 1259/QĐ-TTg nêu rõ: Vị trí, phạm vi ranh giới, hướng tuyến chính xác trong Quy hoạch tỉnh được cụ thể hóa trong Quy hoạch đô thị, Quy hoạch nông thôn, Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, Quy hoạch xây dựng hoặc trong giai đoạn lập, thẩm định, chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định đầu tư của các chương trình, dự án.
Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện ban hành kèm theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg phải phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định số 1489/QĐ-TTg và Điều 1 Quyết định số 1259/QĐ-TTg; đồng thời, phải phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch khác có liên quan (nếu có), bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan; đồng thời, người quyết định chủ trương đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình.
Các dự án, công trình đang được rà soát, xử lý theo các Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án (nếu có) chỉ được triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án (nếu có) và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành.
Đối với các dự án được phân kỳ đầu tư theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg và các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và huy động, bố trí được đầy đủ các nguồn lực thực hiện, cơ quan được giao chủ trì thực hiện dự án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
Phấn đấu đến năm 2030, quy mô phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105 ha
Cụ thể, về phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp: Huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận gồm: Thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản.
Đồng thời, mở rộng và thành lập mới các khu công nghiệp khi được cấp có thẩm quyền giao bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105ha.
Quy hoạch điều chỉnh cũng nêu rõ nhiệm vụ tập trung khai thác, chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản có tiềm năng.
Về phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên: Khoanh định 89 khu vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Tập trung khai thác, chế biến sâu các sản phẩm mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Đối với nhu cầu sử dụng đất công trình phụ trợ mỏ, quy mô mỏ thực hiện điều chỉnh để cấp phép theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; cấp phép khai thác, quản lý khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu địa phương và quy định của pháp luật hiện hành.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản bô-xít 04 khu vực mỏ với diện tích khoảng 76.000ha và 04 khu vực dự trữ khoáng sản bô-xít với diện tích khoảng 14.000ha theo quy định của pháp luật về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Khi có nhu cầu thực tế, UBND tỉnh Bình Phước báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
UBND tỉnh Bình Phước công khai điều chỉnh Quy hoạch và chịu trách nhiệm toàn diện quản lý Quy hoạch tỉnh
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước tổ chức công bố, công khai điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; chịu trách nhiệm toàn diện quản lý Quy hoạch tỉnh; hướng dẫn, phân công, phân cấp, điều phối, kiểm soát và bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, quy định trong quá trình thực hiện Quy hoạch; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý và thực hiện Quy hoạch.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 và Quyết định này; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bình Phước.
Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch tỉnh;
Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh
UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật…/.