Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp Nhà nước yêu cầu cơ quan thuế phải thực hiện
Tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp Nhà nước yêu cầu cơ quan thuế phải thực hiện
Cân nhắc mức ưu đãi phù hợp đối với báo chí
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định của Luật Thuế TNDN hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo Luật Báo chí, được hưởng mức thuế TNDN ưu đãi 10%. Còn các cơ quan báo chí thuộc các loại hình khác, như báo điện tử, truyền hình, phát thanh chưa có quy định riêng. Thực tiễn thời gian qua, hoạt động của các cơ quan báo chí gặp khá nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm. Trên cơ sở ý kiến các bộ ngành và một số cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ phương án bổ sung thêm chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động báo chí tại dự thảo Luật Thuế TNDN. Theo đó, ngày 6/9/2024, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội về dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi, trong đó đề xuất cơ quan báo chí không phải loại hình báo in (điện tử, truyền hình, phát thanh) có thể được hưởng thuế ưu đãi 15%, giảm 5% so với hiện nay. Riêng báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện hành; mức thuế ưu đãi được áp dụng cả với thu nhập từ hoạt động quảng cáo trên báo. Dự thảo Luật Thuế TNDN đã cân nhắc các yếu tố liên quan và mức ưu đãi đối với hoạt động báo chí đã được tính toán dựa trên nhiều phương diện, đảm bảo tương quan với các lĩnh vực, ngành nghề khác mà Nhà nước cần khuyến khích thúc đẩy phát triển.
Đối với đề xuất cho phép thực hiện bù trừ lỗ/lãi giữa hoạt động báo in với các hoạt động tài chính khác trong cùng một cơ quan báo chí, ông Trương Bá Tuấn khẳng định không thể thực hiện. Mọi hoạt động phải tuân thủ thống nhất một nguyên tắc về ưu đãi thuế áp dụng theo theo địa bàn, lĩnh vực hoạt động. Do đó, chỉ những lĩnh vực hay địa bàn được ưu đãi thì mới được ưu đãi về thuế. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong thực hiện chính sách ưu đãi về thuế quy định tại Luật Thuế TNDN.
Trao đổi thêm về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, về nguyên tắc không thể thực hiện bù trừ giữa hoạt động lỗ và hoạt động lãi trong cùng một cơ quan báo chí. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ xem xét, cân nhắc đưa ra một mức ưu đãi phù hợp nhất, hài hòa nhất trên cơ sở đánh giá, cân nhắc các vấn đề để đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ cơ quan báo chí truyền thông.
Trách nhiệm của đại diện pháp nhân DN là phải hoàn thành nghĩa vụ với NSNN
Về một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí đó là ngưỡng không chịu thuế đối với hộ kinh doanh tại dự thảo Luật Thuế GTGT, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế GTGT, dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 này. Tại dự thảo Luật Thuế GTGT, Chính phủ đang trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế ban hành mức không chịu thuế phù hợp. Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đang dự kiến phương án trình Quốc hội đưa một mức cụ thể, trong đó có phương án hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm, hoặc là dưới 300 triệu đồng/năm không phải đóng thuế GTGT. Tất cả các ý kiến đưa ra sẽ được cân nhắc và phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội. “Trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan thuế là phải đưa ra đánh giá tác động dựa trên nguyên tác đảm bảo công bằng giữa thuế GTGT và thuế TNCN; giữa đối tượng kinh doanh và người làm công ăn lương, để Quốc hội cân nhắc và quyết định” – lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi liên quan đến trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh thông tin, theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Xuất nhập cảnh, thì tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp mà Nhà nước trang bị và yêu cầu cơ quan thuế phải thực hiện để đảm bảo thu được các khoản nợ, cũng như lợi ích của NSNN. Việc áp dụng tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp trong rất nhiều hệ quả mà các DN hay cá nhân thuộc diện bị cưỡng chế hành chính của cơ quan thuế. Trách nhiệm của đại diện pháp nhân DN là phải hoàn thành nghĩa vụ với NSNN. Trước khi đưa ra biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, người bị tạm hoãn phải thuộc đối tượng đang bị cưỡng chế. Đi vào từng trường hợp cụ thể, cơ quan thuế sẽ cân nhắc giải pháp phù hợp nhất với nguyên tắc và để tạo điều kiện cho DN tuân thủ pháp luật.
Một nội dung khác cũng được lãnh đạo Tổng cục Thuế giải đáp đó là tại dự thảo 1 luật sửa 7 luật trong đó có Luật Quản lý thuế, đã đề xuất trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ logistic và sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong việc kê khai thuế và nộp thuế thay cho người kinh doanh. Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, đây là một trong những giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ quan thuế trong bối cảnh kinh tế số, nhất là khi hoạt động kinh doanh TMĐT diễn ra mạnh mẽ. Trước đó, thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, ngành Tài chính đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường quản lý TMĐT. Luật Quản lý thuế cũng đã đưa ra quy định trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc phối hợp thực hiện; Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế cũng yêu cầu các sàn phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế vì lợi ích của NSNN. Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, không chỉ DN, mà các cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng, Công an, Công thương… đều hỗ trợ cơ quan thuế khai thác thông tin, đảm bảo việc quản lý thuế hiệu quả nhất. Việc các sàn TMĐT cung cấp thông tin của người kinh doanh đã có quy định và hiện nay đưa vào Luật Quản lý thuế sửa đổi chỉ là thêm một bước kê khai thay, nộp thay.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh dẫn chứng, các nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện thương mại tại Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm kê khai thay, nộp thay thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Đến nay, đã có 108 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook… thực hiện việc kê khai và nộp thuế thay. “Do vậy, việc yêu cầu các sàn TMĐT trong nước thực hiện việc kê khai, nộp thuế thay cũng là để đảm bảo công bằng với các nhà cung cấp nước ngoài. Hơn nữa, bản thân các nhà cung nước ngoài đã làm được, thì không có lý gì các sàn TMĐT trong nước lại không làm được” – Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nêu quan điểm. Hơn nữa, về kỹ thuật, khi người dân, DN tham gia giao dịch, thì các sàn TMĐT đều đã quản lý chặt chẽ được doanh thu, số lượng giao dịch thanh toán, do lợi ích của họ gắn chặt ở trên đó. Vì vậy, việc các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay là hoàn toàn thực hiện được.
Liên quan đến dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh thông tin, dự thảo đang trong quá trình tổng hợp ý kiến các bên liên quan, nhất là cộng đồng DN. Mục tiêu trong quý IV/2024 dự thảo sẽ trình lên Chính phủ để ban hành.
Về đề xuất đánh thuế đối với bất động sản để kiểm soát tình trạng đầu cơ, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, chỉ riêng chính sách thuế thì không thể giải quyết được…, mà còn các chính sách khác như đất đai, quy hoạch. Bộ Tài chính ghi nhận và tiếp thu đề xuất của Bộ Xây dựng và sẽ nghiên cứu các chính sách tài chính nói chung về thị trường bất động sản, đất đai góp phần đưa thị trường bất động sản minh bạch, ổn định và phát triển… Nếu chính sách không toàn diện thì đạt mục tiêu này mà ảnh hưởng mục tiêu khác, kết quả mục tiêu cuối cùng sẽ không đạt.
Bài, ảnh: Thúy Nga
Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/34fe9e8b-dc89-4220-bfed-b26d32d9162d |