Vì sao phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

Vì sao phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

(TCT online) – Cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí chăm sóc y tế với các bệnh liên quan trong khi lại tăng thu cho ngân sách nhà nước là 3 lợi ích thiết thực nhất từ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có đường đang được nhiều quốc gia triển khai thực hiện.

ảnh: Việc áp thuế với đồ uống có đường sẽ mang lai 3 lợi ích thiết thực

Giảm tiêu thụ và giảm gánh nặng bệnh tật

Không giống như đường ở dạng rắn có trong bánh, kẹo, socola… đường dạng lỏng trong nước giải khát, đồ uống có đường có hại nhiều hơn cho cơ thể. Đường dạng lỏng được dung nạp một cách nhanh chóng khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách mà cơ thể phản ứng với lượng calo từ thức ăn dạng đặc. Vì vậy, cơ thể sẽ tiếp tục nạp năng lượng vào một cách không kiểm soát dẫn tới dư thừa năng lượng.

Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, sâu răng, hội chứng chuyển hóa, bệnh gan, các bệnh không lây nhiễm khác, tiêu thụ đồ uống có đường còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới chế độ ăn, gây mất năng suất và tạo gánh nặng tài chính lên hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia. Tuy nhiên, theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là dưới 25g/ngày.

Theo thông tin ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm-chuyên gia của WHO, Văn phòng Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo về luật TTĐB sửa đổi do Bộ Y tế tổ chức ngày 20/9/2024 tại Hà Nội, giai đoạn từ 2009-2023, tổng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng từ 1,59 tỷ lít lên 6,67 tỷ lít, đạt tỷ lệ tăng 420%; tiêu thụ bình quân đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ 18,5 lít/người lên 66,5 lít/người, tăng 350%. Để thay đổi hành vi tiêu dùng với đồ uống có đường và giảm nguy cơ bệnh không lây nhiễm do chế độ ăn uống, WHO khuyến cáo, Việt Nam cần áp dụng đồng bộ các giải pháp bao gồm: áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, giới hạn thời điểm quảng cáo, cấm các hình thức tài trợ, khuyến mại bằng các sản phẩm đồ uống có đường; thực hiện chính sách nhãn dinh dưỡng thực phẩm bắt buộc; tăng cường các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức; hạn chế bán các sản phẩm này tại máy bán hàng tự động; không bày bán trong căng tin hay trong các bữa ăn học đường…

Trong đó, WHO khẳng định, chính sách quan trọng nhất và mang lại hiệu quả nhất là áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường. Việc áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có đường giúp mang lại 3 lợi ích quan trọng đó là cải thiện sức khỏe cộng đồng; giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh liên quan, giảm tổn thất năng suất lao động về dài hạn; tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Chính vì vậy, ngày càng có nhiều nước áp thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, tính đến tháng 8/2023, toàn cầu đã có 117 quốc gia áp thuế đối với đồ uống có đường, trong đó 104 quốc gia áp thuế TTĐB. Bằng chứng từ các nước sau khi thực hiện chính sách này cho thấy, mức tiêu thụ đồ uống có đường đã giảm đáng kể. Tại Thái Lan, sau 2 năm thực hiện, mức tiêu thụ đồ uống có đường hàng ngày đã giảm trung bình 2,8%; mức tiêu thụ nước có ga giảm tới 17,7%. Tương tự, tại Mexico đã giảm 6% trong năm đầu tiên (2014) và giảm 10% ở năm tiếp theo…

Nhờ giảm tiêu thụ nên tỷ lệ mắc bệnh béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến thừa cân béo phì cũng giảm theo. Thái Lan đã giảm tỷ lệ thừa cân và béo phì với các mức 1,7%, 3,8% và 4,9% trong 3 năm, tương ứng với việc thực hiện các mức thuế 11%, 20% và 25%; giảm tỷ lệ mắc bệnh sâu răng 1% vào năm 2040, thậm chí xuống tới 21% nếu tích cực thực hiện. Ước tính tại Mexico đã giúp ngăn ngừa được 239.900 trường hợp béo phì (trong đó 39%  là trẻ em) sau 2 năm thực hiện; 61.340 trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu ở Anh cũng cho thấy, áp thuế với đồ uống có đường giúp phòng tránh hơn 19.000 ca mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mỗi năm và giảm gần 270.000 ca sâu răng…

Tại Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường từ 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế, với mức thuế 10%. Nếu Luật được ban hành, thì lần đầu tiên tại Việt Nam có chính sách bắt buộc về thuế đối với mặt hàng này.

Còn tại Việt Nam, nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng đã chỉ ra rằng, nếu áp thuế TTĐB 20% trên giá bán lẻ đối với đồ uống có đường thì tỷ lệ thừa cân và béo phì có thể giảm lần lượt là 2,1% và 1,5%.

Bên cạnh đó, việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường cũng giúp giảm gánh nặng bệnh tật và chi phí chăm sóc sức khỏe. Với mức thuế 20% đã giúp Chính phủ Australia tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe lên tới 1.733 triệu đô la Australia, đồng thời chi phí thu được nhờ tăng năng suất lao động trong khu vực trả lương là 581 triệu USD và trong khu vực không trả lương là 906 triệu USD. Tương tự, Nam Phi cũng áp thuế TTĐB với đồ uống có đường 20% nên có thể giúp ngăn chặn 72.000 ca tử vong sớm, tiết kiệm hơn 330 triệu USD về chi phí chăm sóc sức khỏe trong 20 năm.

Riêng Việt Nam, WHO cho biết, áp thuế TTĐB với đồ uống có đường để tăng giá bán lẻ lên 20% có thể phòng tránh được 320.000 – 360.000 ca đái tháo đường tuýp 2 và giúp tiết kiệm hơn 2.500 tỷ đồng chi phí y tế.

Tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Cùng với việc chăm sóc sức khỏe, việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường còn giúp Chính phủ các nước tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN). Ở Indonesia, việc áp mức thuế 30 xu Rp/lít đồ uống có đường giúp NSNN tăng thêm 920 triệu USD trong năm đầu tiên và dự kiến tăng thu 27,3 tỷ USD trong 25 năm. Còn Philippines đã áp mức thuế 6 peso/lít đồ uống có đường (khoảng 13%), dự đoán NSNN sẽ tăng khoảng 813 triệu USD/năm.

Một phần đáng kể trong số tiền thu được từ thuế rượu, đồ uống có đường và thuốc lá đã được Philippines hỗ trợ Quỹ Bảo hiểm Y tế Quốc gia và nâng cấp cơ sở y tế. Tại Nam Phi, năm đầu tiên sau khi áp thuế, Chính phủ đã tăng thu thêm được 140 triệu USD (tương đương 0,15% tổng doanh thu thuế cho năm tài chính 2018/2019).

Tại Việt Nam, việc áp thuế với đồ uống có đường là phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc áp thuế đối với đồ uống có đường giúp bảo vệ sức khỏe người dân, giảm bệnh tật, giảm chi phí y tế, đảm bảo nguồn lực lao động cho nền kinh tế, từ đó tác động tốt lên nền kinh tế. Hơn nữa, áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường còn có thể tăng thu cho NSNN khoảng 5.300 – 17.350 tỷ đồng tùy theo cơ chế thuế và mức thuế suất.

Nguồn thu này có thể được tái đầu tư vào các chương trình cải thiện sức khỏe cộng đồng như xây dựng cơ sở hạ tầng, nước uống, hỗ trợ các bữa ăn lành mạnh tại trường học hoặc cung cấp quỹ tài chính cho các chiến dịch truyền thông sức khỏe. Đồng thời, nguồn thu này cũng giúp tăng chi cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, các chương trình xã hội và thực hiện các đề án phục hồi kinh tế hậu Covid-19.  

Không làm giảm việc làm

Trước lo ngại việc áp thuế với đồ uống có đường làm ảnh hưởng tới việc làm trong ngành công nghiệp nước giải khát, WHO khẳng định, chính sách thuế với đồ uống có đường không làm giảm việc làm, thậm chí ngược lại.

Báo cáo “Các công cụ tài chính nhằm giảm tiêu dùng đồ uống có đường tại Việt Nam” do WHO công bố năm 2018 nhấn mạnh, không có bằng chứng nào về mối liên hệ với mất việc làm trong ngành đồ uống do áp thuế. Giảm việc làm trong ngành đồ uống thường đến từ việc các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền sản xuất, trang thiết bị hiện đại để tăng năng suất, sản lượng. Mặt khác, việc áp thuế làm giảm sức mua các nhóm đồ uống có đường thuộc diện chịu thuế, nhưng sẽ lại tăng nhu cầu tiêu dùng các loại đồ uống không thuộc đối tượng chịu thuế.

Thực tế tại các nước đã thực hiện đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy việc áp thuế làm giảm doanh thu của ngành công nghiệp đồ uống, ngược lại còn làm tăng sức mua các loại đồ uống lành mạnh. Thậm chí, việc áp thuế sẽ tạo động lực cho nhà sản xuất điều chỉnh lại công thức sản phẩm, giảm hàm lượng đường… Một nghiên cứu mô hình tác động của thuế đồ uống có đường từ 20% đến 50% ở Brazil chỉ ra rằng, mức thuế này làm tăng GDP từ 460 đến 736 triệu USD, và tạo ra 69.000 đến 200.000 việc làm, tùy thuộc vào mức thuế suất.

Nói ngắn gọn, áp thuế đối với đồ uống có đường sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực hiện tại và tương lai cho các hộ gia đình, xã hội, đồng thời có nhiều khả năng tạo ra công ăn việc làm mới.

Hương Quỳnh

Đồ uống có đường đóng góp 25% đường tự do tiêu thụ ở người lớn và 40% lượng đường tự do tiêu thụ ở thanh thiếu niên.. So với mức khuyến cáo của WHO tiêu thụ dưới 25g đường/ngày để có lợi cho sức khỏe, thì 1 lon nước ngọt có ga 330ml cung cấp khoảng 35g đường, cao hơn 10g so với mức khuyến nghị; 1 chai nước cam ép 455ml cung cấp lượng đường cao gấp 2,5 lần, tương đương 61,42g so với mức khuyến nghị. Như vậy, chỉ với 1 chai (hoặc 1 lon) đồ uống có đường được tiêu thụ trong 1 ngày đã là quá mức tiêu thụ khuyến nghị chưa kể lượng đường tiêu thụ từ các loại thực phẩm khác có chứa đường.
Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/tai-chinh-tien-te/a07d5633-4b86-4325-a443-56c7412ad771