Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 8/2024 ước đạt 526,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.148,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,0%).
Còn trong những ngày đầu tháng 9/2024 (từ ngày 7-12/9/2024), trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương phía Bắc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương đã khẩn trương nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm Cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân. Do vậy, người dân đã chủ động mua sắm, hàng hóa dự trữ trước khi Bão đổ bộ.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các siêu thị đã đẩy mạnh nhập rau, củ, quả từ Nam ra Bắc |
Ngay trong ngày 07/9/2024, Bộ Công Thương đã có Công văn hỏa tốc số 6813/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương tại 35 tỉnh/thành phố để chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu để kịp thời cung ứng, đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân.
Ngày 09/9/2024, Bộ Công Thương gửi Công văn hỏa tốc số 6883/BCT-TTTN đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường sau bão và Công văn hỏa tốc số 6915/BCT-TTTN ngày 10/9/2024 gửi các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho các vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ.
Trong các ngày 10-11/9/2024, Bộ Công Thương thường xuyên, liên tục chỉ đạo và hướng dẫn Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, đơn vị cung cấp hàng hóa quy mô lớn, các thương nhân đầu mối và kinh doanh xăng dầu cập nhật diễn biến thị trường hàng hóa tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng mưa lũ và một số tỉnh thành khác bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra để tập trung hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo người dân bình tĩnh, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên cho các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ gây ra. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn như yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ gây ra.
Trên thực tế, tính đến trưa ngày 11/9, nhiều tỉnh thành phía Bắc vẫn đang phải chống đỡ khắc phục hậu quả cơn bão số 3, trong khi đó, mưa lũ đang diễn ra không ngớt làm cho tình hình cứu trợ thêm khó khăn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng cơn bão số 3. Theo đó, 124.593 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, tập trung nhiều tại Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên. Ngoài ra, có 22.047 ha hoa màu và 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại.
Điều này đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung rau, củ, quả cho người dân tại nhiều nơi. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các siêu thị đã đẩy mạnh nhập rau, củ, quả từ Nam ra Bắc. Còn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho các tỉnh phía Bắc xảy ra lũ lụt, tại các doanh nghiệp sản xuất và phân phối lương thực, thực phẩm đã tăng cường sản xuất, nhằm tăng nguồn hàng cung ứng ra thị trường.
Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, qua báo cáo tình hình từ các Sở Công Thương, nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, trừ một số loại rau xanh có tăng giá nhẹ do khó bảo quản./.