Nông - Lâm - Thủy sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Thúc đẩy xuất khẩu gạo
Thúc đẩy xuất khẩu gạo
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2024 xuất khẩu gạo đạt gần 3,85 tỉ USD, tăng 21,7%; sản lượng xuất khẩu đạt 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%. Ðể nắm cơ hội này, TP Cần Thơ thực hiện các giải pháp tích cực để hướng đến mục tiêu xuất khẩu lúa gạo bền vững.
Vận chuyển gạo đi xuất khẩu tại một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Trợ lực
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, rất nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD như nhóm hàng rau quả, gạo, tôm…, phần lớn đến từ ÐBSCL. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng ÐBSCL 7,6 triệu tấn. Tính chung đến nay, vùng ÐBSCL đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành Nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại…
TP Cần Thơ mặc dù có diện tích trồng lúa không lớn, với khoảng 77.000ha. Trong đó, có 36.000ha thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và có hơn 1.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Tổng sản lượng lúa trên địa bàn chỉ hơn 1,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, Cần Thơ là nơi tập trung các cơ sở chế biến, xuất khẩu lúa gạo lớn nhất vùng ÐBSCL. Thành phố hiện có 35/158 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp, chiếm tỷ lệ 22% doanh nghiệp xuất khẩu gạo của cả nước.
Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, sản lượng gạo xuất khẩu của TP Cần Thơ không ngừng tăng trưởng qua các năm. Năm 2023 xuất khẩu gạo của thành phố đạt 976.000 tấn, đạt 520 triệu USD; 8 tháng năm 2024, sản lượng xuất khẩu gạo của thành phố đạt trên 580.000 tấn, đạt 330 triệu USD; chiếm tỷ lệ 32% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố.
TP Cần Thơ thực hiện các giải pháp tích cực như tổ chức triển khai kịp thời các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững; đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại. Ðồng thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu gạo. Từ những nỗ lực trên, thành phố đã đem lại kết quả khả quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, trong hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu gạo nói riêng, vẫn còn không ít những khó khăn như tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ÐBSCL nói chung. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chịu rủi ro từ việc giá thu mua lúa từ nông dân tăng trong khi giá ký các hợp đồng xuất khẩu đã được thỏa thuận trước đó, làm cho chi phí sản xuất tăng cao, khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp đều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng nên không chủ động trong việc thu mua lúa dự trữ phục vụ xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng, làm giảm giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Với vai trò là cơ quan xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia, thời gian qua, Cục XTTM (Bộ Công Thương) đã trực tiếp chủ trì tổ chức và phối hợp với các cơ quan XTTM của vùng ÐBSCL tổ chức đa dạng các hoạt động XTTM nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp của vùng nói riêng tiếp cận, phát triển thị trường nước ngoài. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho rằng, để không lỡ nhịp các cơ hội thị trường quốc tế mới, doanh nghiệp của vùng rất cần sự hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động XTTM, phát triển thị trường một cách chuyên nghiệp, hiệu quả từ các cơ quan, tổ chức XTTM địa phương trong vùng nói riêng và các tổ chức hỗ trợ kinh doanh bên ngoài vùng.
Nâng chất
Trong phát triển thương hiệu gạo Cần Thơ theo Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ được UBND TP Cần Thơ phê duyệt đến năm 2030. Hằng năm, Viện Lúa ÐBSCL đã nghiên cứu, sản xuất hàng chục giống lúa mới có năng suất cao và chất lượng tốt phục vụ cho xuất khẩu.
Ông Hà Vũ Sơn cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương thành phố sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thông tin tình huống phát sinh tại địa phương, đề xuất giải pháp để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do nhằm củng cố và mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho gạo xuất khẩu. Tiếp tục kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, lãi suất ưu đãi, đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua lúa, gạo, đáp ứng xuất khẩu. Ðồng thời kêu gọi đầu tư hạ tầng logistics nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu, kết nối chuỗi sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm. Ðẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Cần Thơ. Triển khai có hiệu quả Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL, tập trung vào chế biến chuyên sâu, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực chế biến nông sản, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị. Triển khai xây dựng hoàn chỉnh chợ gạo thương mại điện tử cấp vùng.
Tuy có nhiều thế mạnh, song kinh tế vùng ÐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng được nhìn nhận là phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Ngoài ra, việc phát triển này còn đứng trước những thách thức như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, xâm nhập mặn… Ðể ÐBSCL phát triển xứng tầm thì một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong XTTM và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo đang rất lớn. Năm 2024, Chính phủ Indonesia dự kiến phải nhập khẩu đến 4,3 triệu tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong bối cảnh dự báo sản lượng sẽ giảm và việc gieo trồng lúa bị trì hoãn, công ty thu mua lương thực của Indonesia (Bulog) cho biết, từ nay đến cuối năm Indonesia muốn nhập khẩu thêm 900.000 tấn gạo. Trong đợt mở thầu tháng 7 vừa qua của Bulog, các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu nhiều nhất với 7/12 lô, đạt 185.000 tấn, mức giá trúng thầu là 563 USD/tấn. Ngoài Indonesia, nhu cầu gạo ở nhiều thị trường chính của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc… cũng đang ổn định. Với diễn biến như vậy, dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ tiếp tục khởi sắc và có thể đạt 5 tỉ USD do nguồn cung trên thị trường thế giới hạn chế, trong khi nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng tăng. |
Bài, ảnh: KHÁNH NAM
Nguồn: https://baocantho.com.vn/thuc-day-xuat-khau-gao-a178186.html |