Sửa Luật Thuế TNDN: Đảm bảo hệ thống thuế phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường toàn cầu

Sửa Luật Thuế TNDN: Đảm bảo hệ thống thuế phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường toàn cầu

(TCT online) – Sáng nay (6/9) tại TP Cần Thơ, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến tham gia đối với Luật thuế TNDN sửa đổi”. Tại hội thảo các đại biểu đều nhất trí cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế TNDN nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển bền vững, đảm bảo hệ thống thuế phù hợp với thực tiễn kinh tế hiện đại và yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu.   

ảnh: Thu Hằng

Khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Luật thuế TNDN hiện hành được Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009 (thay thế cho Luật thuế TNDN năm 2003) và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần vào năm 2013, năm 2014 và năm 2020.

Qua hơn 15 năm thực hiện, Luật thuế TNDN đã đi vào cuộc sống và đạt được các kết quả quan trọng. Luật  đã được hoàn thiện, bám sát các mục tiêu, định hướng xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2011-2020, góp phần quan trọng trong việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

“Luật thuế TNDN đã thực hiện xóa bỏ triệt để sự đối xử phân biệt về chính sách thuế TNDN giữa các thành phần kinh tế, loại hình DN; thực hiện giảm nghĩa vụ thuế cho DN thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN phổ thông. Cùng với đó, Luật đã điều tiết được hầu hết các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế”, ông Trương Bá Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Trương Bá Tuấn, quá trình cải cách chính sách thuế TNDN trong giai đoạn vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển theo các định hướng ưu tiên đặc biệt là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo đó, Luật thuế TNDN đã tiếp tục thực hiện giảm mức thuế suất phổ thông thuế TNDN từ 25% xuống 22% từ 1/1/2014, riêng các DN quy mô nhỏ được áp dụng mức 20% ngay từ 1/7/2013. Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông áp dụng cho mọi loại hình DN là 20%. Việc quy định các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo nguyên tắc loại trừ, cho phép DN trừ các khoản chỉ thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có kèm theo các hoá đơn, chứng từ đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch của chính sách, phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật thuế TNDN hiện hành đã thực hiện chuyển đối tượng hưởng ưu đãi thuế theo diện đầu tư mới từ pháp nhân (DN thành lập mới từ dự án đầu tư).

ảnh: Thu Hằng.

Tuy nhiên, thực tiễn đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội trong và ngoài nước. Dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi đã được xây dựng theo đúng quy trình, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi lấy ý kiến rộng rãi. Mục tiêu nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phát triển mới của nền kinh tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; đáp ứng yêu cầu hội nhập và tăng cường hợp tác quốc tế về thuế.

Cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật, ông Nguyễn Trinh, đại diện Dự án tăng cường quản lý tài chính công Việt Nam (Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức – GIZ) – đơn vị hỗ trợ Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện và hỗ trợ xây dựng các dự thảo luật thuế, nhấn mạnh, việc hoàn thiện dự thảo Luật Thuế TNDN sẽ hướng tới một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, khuyến khích sự đầu tư và phát triển bền vững cũng như đáp ứng được các mục tiêu đề ra đối với Cải cách thuế TNDN thể hiện trong Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2021-2030. Do vậy, với tư cách là nhà tài trợ cho dự án, ông Nguyễn Trinh bày tỏ hy vọng, sự đóng góp ý kiến của các đại biểu tại hội thảo sẽ góp phần vào việc hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội thảo luận tại kỳ hợp tháng 10/2024.

 “Những thay đổi này trong Luật Thuế TNDN sửa đổi sẽ giúp đảm bảo rằng hệ thống thuế phù hợp với thực tiễn kinh tế hiện đại và đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường toàn cầu”, ông Nguyễn Trinh cho hay.   

Nhiều quy định tạo cơ sở pháp lý để thực hiện

Thông tin về những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi, đại diện Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết, dự thảo bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi đã được Quốc hội đồng ý, đồng thời luật hóa một số nội dung đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. Theo đó, dự thảo luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến người nộp thuế; thu nhập chịu thuế; kỳ tính thuế và phương pháp tính thuế; thu nhập được miễn thuế; các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN; mức thuế suất; nơi nộp thuế; ưu đãi thuế…

Cụ thể, dự thảo quy định chi tiết đối tượng nộp thuế là DN, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở luật hóa quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật. Quy định rõ thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam đối với DN nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh; bổ sung quy định tuân thủ điều ước quốc tế trong trường hợp điều  ước  quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác về cơ sở thường trú nhằm phù hợp với Luật điều ước quốc tế cũng như việc thực hiện cam kết của Việt Nam.

Về thu nhập chịu thuế, ông Lê Minh Khiêm, Trưởng phòng thuế TNDN (Cục Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí) thông tin, dự thảo quy định chi tiết các khoản thu nhập khác để bao quát các trường hợp đã được quy định cụ thể tại Luật Thuế TNDN hiện hành và các văn bản dưới luật; bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của DN nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam và của DN nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là thu nhập có nguồn gốc từ Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh và chi tiết cụ thể các nguồn thu nhập của nhóm đối tượng này để đảm bảo tính minh bạch, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Cũng liên quan đến thu nhập chịu thuế, dự thảo sẽ sửa đổi quy định về việc nộp thuế đối với khoản thu nhập của DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài theo hướng: DN thực hiện nộp thuế ngay trong kỳ tính thuế phát sinh khoản thu nhập này thay cho việc nộp thuế tại thời điểm chuyển khoản thu nhập về Việt Nam. Đồng thời luật hóa quy định về việc áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, về xác định số thuế đã nộp ở nước ngoài được trừ và mức thuế suất áp dụng đối với khoản thu nhập này đã được hướng dẫn tại các văn bản dưới luật.

Ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Luật Thuế TNDN sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo đó là sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến mức thuế suất ưu đãi và thời gian áp dụng ưu đãi. Theo đó, dự thảo đề xuất áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm đối với dự án đầu tư mới tại khu kinh tế nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Giao Chính phủ xác định ưu đãi thuế cho từng trường hợp vị trí thực hiện dự án nằm trên cả địa bàn được áp dụng ưu đãi thuế và địa bàn không thuộc ưu đãi thuế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn. Bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in vẫn áp dụng mức thuế TNDN ưu đãi 10% như hiện hành.

Đặc biệt, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất ưu đãi 17% trong 10 đối với các dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo DN nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Dự thảo cũng bổ sung quy định về thời gian áp dụng thuế ưu đãi đối với một số trường hợp cho phù hợp thực tiễn, bao gồm DN công nghệ cao, Dn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Dn khoa học và công nghệ…

Đối với thuế suất TNDN, Bộ Tài chính-cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định về mức thuế suất đối với DN thuộc nhóm DN có quy mô nhỏ và tiêu chí áp dụng để thúc đẩy sự phát triển của các loại hình DN này. Đồng thời, sửa đổi mức thuế suất tối thiểu của khung thuế suất đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và kkhai thác dầu khí từ “32% đến 50% thành từ 25% đến 50% và do Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể phù hợp với từng hợp đồng dầu khí để thống nhất với Luật Dầu khí. Dự thảo cũng bổ sung quy định chi tiết về mức thuế suất đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản quý hiếm trên cơ sở luật hóa quy định tại các văn bản dưới luật đang thực hiện ổn định, không vướng mắc để đảm bảo sự minh bạch, ổn định của chính sách.

Thúy Nga

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/tai-chinh-tien-te/76f0d2f6-2d29-426a-83ae-447ee71b143b