Nông - Lâm - Thủy sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chất lượng và thương hiệu chè Việt Nam trên thị trường thế giới
Đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chất lượng và thương hiệu chè Việt Nam trên thị trường thế giới
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý II/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 35,4 nghìn tấn, trị giá 62,7 triệu USD, tăng 31,1% về lượng và tăng 35,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; giá bình quân chè xuất khẩu trong quý II/2024 đạt 1.772,4 nghìn USD/tấn, tăng 3,2% so với quý II/2023.
Trong quý II/2024, xuất khẩu chè có xu hướng tăng mạnh nhờ nhu cầu tại nhiều thị trường đang có dấu hiệu phục hồi. Trong đó, chủng loại chè xanh xuất khẩu chiếm ưu thế với 61,6% tổng trị giá xuất khẩu; tiếp theo là chủng loại chè đen, chè ô long và chè ướp hoa. Hiện nay, Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 8 trên thế giới, nhưng tỷ trọng nhập khẩu chè Việt Nam từ những thị trường chính trên toàn cầu vẫn còn rất thấp.
Chè Việt Nam – Nguồn: Báo Công Thương
EU là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên toàn cầu. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu chè của thị trường EU đạt 401 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023, trị giá nhập khẩu chè của EU từ Việt Nam chỉ chiếm 0,19% tổng trị giá nhập khẩu. Điều này cho thấy dư địa thị trường vẫn còn rất lớn và có nhiều cơ hội để ngành chè Việt Nam mở rộng thị phần. Tuy nhiên, việc EU đang ngày càng đặt ra nhiều quy định hơn về kinh tế xanh, sạch cũngđòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải cập nhật thông tin để đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này.
Thị trường chè toàn cầu đạt 24,3 tỷ USD trong năm 2016, dự kiến sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025 (theo nghiên cứu từ Research and Markets). Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe. Đi cùng với nhu cầu tăng cao, sản phẩm chè cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Theo đó, chè cao cấp uống tại nhà, chè có lợi cho sức khoẻ, chè pha lạnh … được dự báo sẽ là những dòng sản phẩm dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tới.
Để mở rộng thị phần chè trên thị trường quốc tế, trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành chè Việt Nam đã tập trung hơn vào nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Việt Nam có lợi thế về sản xuất chè với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thuận lợi, vì vậy việc nâng cao năng suất và chất lượng chè là điều cần thiết. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn giúp hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược khai thác những rừng chè hàng ngàn năm tuổi, đây là một lợi thế lớn để phát triển hình ảnh, thương hiệu chè cao cấp của Việt Nam, dễ dàng tiếp cận hơn với người tiêu dùng tại những thị trường khó tính.
Ngoài ra, ngành chè cũng cần chú trọng sản xuất các sản phẩm chè hữu cơ, chè an toàn, lưu ý quy trình chế biến và đóng gói hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, tăng cường quảng bá thương hiệu chè Việt Nam ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm chè uy tín để giới thiệu sản phẩm và kết nối với đối tác tiềm năng.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/day-manh-che-bien-sau-nang-cao-chat-luong-va-thuong-hieu-che-viet-nam-tren-thi-truong-the-gioi/ |