Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2024 (từ ngày 1/7 đến ngày 15/7/2024) đạt 32,69 tỷ USD, giảm 0,3% (tương ứng giảm 108 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6/2024. Tuy nhiên, nhờ kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm nay, nên tính đến hết ngày 15/7/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 402,62 tỷ USD, tăng 16,4%, tương ứng tăng 56,63 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 272,87 tỷ USD, tăng 14,8% (tương ứng tăng 35,27 tỷ USD).
Bất chấp trong kỳ 1 tháng 7/2024, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 170 triệu USD, nhưng lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2024, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước vẫn thặng dư 11,87 tỷ USD. Đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những tác động bất lợi từ các thị trường trên thế giới.
Về bức tranh xuất khẩu, theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2024 đạt 16,26 tỷ USD, giảm 9,4% (tương ứng giảm 1,68 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 6/2024. Nguyên nhân của tình trạng này là do trị giá xuất khẩu ở một số nhóm hàng giảm, như: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,05 tỷ USD, tương ứng giảm 28,4%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 268 triệu USD, tương ứng giảm 9,9%; sắt thép các loại giảm 135 triệu USD, tương ứng giảm 29,8%… Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2024, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt 207,25 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 27,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,19 tỷ USD (tương ứng tăng 29,1%); máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 4,06 tỷ USD (tương ứng tăng 19,1%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,48 tỷ USD (tương ứng tăng 13,3%); gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,53 tỷ USD (tương ứng tăng 23,2%)… so với cùng kỳ năm 2023.
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ ngày 01/01/2024 đến ngày 15/7/2024 so với cùng kỳ năm 2023 Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 7/2024 đạt 11,8 tỷ USD, giảm 11,2% (tương ứng giảm 1,49 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 6/2024. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm nay đến hết ngày 15/7/2024, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm doanh nghiệp này vẫn tích cực, khi đạt 148,71 tỷ USD, tăng 13,7%, tương ứng tăng 17,92 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 72% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của của cả nước. Điều này cho thấy, khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục khẳng định là trụ cột xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Liên quan đến bức tranh nhập khẩu hàng hóa, cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2024 đạt 16,43 tỷ USD, tăng 10,6% (tương ứng tăng 1,57 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6/2024. Nguyên nhân trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng chủ yếu do một số nhóm hàng tăng, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 688 triệu USD, tương ứng tăng 16,1%; dầu thô tăng 170 triệu USD, tương ứng tăng 98,9%. Như vậy, lũy kế từ đầu năm nay đến hết ngày 15/7/2024, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 195,37 tỷ USD, tăng 17,6% (tương ứng tăng 29,31 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 12,01 tỷ USD (tương ứng tăng 28,4%); máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 3,27 tỷ USD (tương ứng tăng 15,4%); sắt thép các loại tăng 1,27 tỷ USD (tương ứng tăng 24,7%) so với cùng kỳ năm 2023.
Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ ngày 01/01/2024 đến ngày 15/7/2024 so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 10,81 tỷ USD, tăng 15% (tương ứng tăng 1,41 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 6/2024. Tính đến hết ngày 15/7/2024, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 124,15 tỷ USD, tăng 16,2% (tương ứng tăng 17,35 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 63,5% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước./.