Điều tra làm rõ vụ buôn bán 8.500 đôi dép giả mạo nhãn hiệu CROCS tại Hải Dương

Điều tra làm rõ vụ buôn bán 8.500 đôi dép giả mạo nhãn hiệu CROCS tại Hải Dương

(VietQ.vn) – Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa bàn giao vụ việc buôn bán dép giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá vi phạm có giá trị trên 900 triệu đồng cho cơ quan công an để điều tra làm rõ.

Trước đó, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát hoạt động bán hàng trên mạng xã hội Facebook kết hợp nắm tình hình kinh doanh trên địa bàn, Đội QLTT số 5 Cục QLTT tỉnh Hải Dương chủ trì phối hợp cùng Đội 3, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường – Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh dép do ông T.V.H làm chủ (địa chỉ xóm 14, thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).

Cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt cơ sở kinh doanh dép giả mạo nhãn hiệu. (Ảnh: Cục QLTT Hải Dương)

Qua kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đang buôn bán 8.500 đôi dép mang nhãn hiệu “CROCS” (gồm 8.100 đôi dép sục gắn quai hậu, 400 đôi dép xỏ ngón) không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp kèm theo, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “CROCS” đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam. Toàn bộ hàng hoá có dấu hiệu giả mạo bị tạm giữ để xác minh, làm rõ.

Qua xác minh, làm việc, lực lượng chức năng xác định 8.500 đôi dép mang nhãn hiệu “CROCS” đang tạm giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “CROCS” đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam với tổng trị giá hàng hoá vi phạm là 916.500.000 đồng (theo kết quả họp Hội đồng định giá).

Theo điều tra được biết toàn bộ số dép giả mạo nhãn hiệu trên sau khi mua về được để tại cơ sở kinh doanh để bán kiếm lời, đồng thời ông H. có lập tài khoản facebook cá nhân mang tên “CROCS Hiệu Trần” để đăng các hình ảnh sản phẩm dép mang nhãn hiệu “CROCS” lấy trên mạng internet để giới thiệu, chào bán cho khách hàng.

Trên cơ sở kết quả họp liên ngành đánh giá, phân loại đã xác định vụ việc có dấu hiệu tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự, Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã bàn giao vụ việc cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương tiếp nhận, thụ lý.

Liên quan tới hành vi kinh doanh giày, dép giả mạo nhãn hiệu trên nền tảng mạng xã hội, trước đó qua theo dõi các hoạt động bán hàng mạng xã hội (facebook, zalo) và nắm tình hình kinh doanh trên địa bàn, Đội QLTT số 5 Cục QLTT tỉnh Hải Dương cũng kiểm tra một hộ kinh doanh và phát hiện 790 đôi dép giả mạo các nhãn hiệu “BALENCIAGA” (260 đôi); nhãn hiệu “D&G” (200 đôi); nhãn hiệu “adidas và hình” (145 đôi); nhãn hiệu “GUCCI” (60 đôi) và 125 đôi dép không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bước đầu đấu tranh, bà Đặng Thị Nhung, đại diện hộ kinh doanh được kiểm tra, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; khai nhận mua số hàng hóa trên trôi nổi ở khu vực Chợ Ninh Hiệp – Hà Nội. Sau khi mua về, đăng lên tài khoản facebook cá nhân để chào bán cho khách hàng với mục đích kiếm lời.

Theo các chuyên gia, giày, dép giả mạo nhãn hiệu, giá rẻ thường sử dụng vật liệu phế thải được tái chế hoặc tận dụng lại nên có thể lẫn nhiều tạp chất bẩn và hóa chất độc hại, các thành phần kim loại nặng. Hóa chất tạo màu cũng được sử dụng để tạo màu sắc bắt mắt, tẩy trắng hoặc để làm tối màu vật liệu. Các hóa chất độc hại này không những bay mùi khó chịu, ảnh hưởng đến hô hấp mà còn có nguy cơ gây dị ứng, viêm da ở những người mẫn cảm.

Thực tế không ít người do sử dụng giày, dép không có chất lượng tốt thường gây bí, hôi chân, thậm chí nhiều trường hợp kích ứng nặng phải vào viện điều trị đôi chân viêm da, mẩn đỏ, rát ngứa, thậm chí nổi mụn, chảy nước và sưng phồng lên. Nguyên nhân của những biểu hiện kích ứng da này là do vật liệu, sản phẩm từ các vật liệu giả da, các chất hóa dẻo, keo dán, nhựa tái chế, hay màu tổng hợp…

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12736:2019- ISO 20876:2018 về giày dép- phương pháp thử đế trong – độ bền xé đường may

Tiêu chuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hướng dẫn phương pháp đánh giá khả năng giữ các đường may hoặc giữ chặt đinh gắn của đế trong, không tính đến vật liệu. Phương pháp thử trong tiêu chuẩn này được chấp nhận là tiêu chí chung về chất lượng cho các vật liệu làm để trong, khi liên kết bằng chất kết dính.

Theo đó, phương pháp thử đế trong của giày dép phải sử dụng thiết bị, dụng cụ và vật liệu gồm máy khoan, được lắp mũi khoan xoắn, có đường kính 1,60 mm ± 0,01 mm. Giá khoan để đảm bảo khoảng cách chính xác 8,0 mm ± 0,2 mm giữa các tâm của từng cặp lỗ trên mẫu thử.

Dây thép có chiều dài 150 mm, đường kính 0,90 mm ± 0,01 mm (20 SWG). Dây này tạo thành vòng trên một trục đường kính 7 mm với các đoạn dây song song có chiều dài bằng nhau bằng cách tác dụng một lực từ 1,5 kN đến 2 kN vào từng đầu của dây sao cho hình dáng của vòng tương ứng với trục. Thiết bị thử kéo phải tuân theo các yêu cầu trong TCVN 10600-1 (ISO 7500-1), có độ chính xác tương đương với loại 2, tốc độ kéo không đổi 100 mm/min ± 20 mm/min. Nên có bộ phận ghi lực tự động hoặc kim chỉ lực tối đa.