“Đọc vị” các hình thức, đối tượng vi phạm
Theo Tổng cục Thuế, phần lớn người dân và người nộp thuế đã tuân thủ tốt việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) và pháp luật về thuế. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người nộp thuế có hành vi gian lận HĐĐT, nhằm trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), hợp pháp hóa các khoản chi phí để chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước (NSNN). Liên quan đến cách nhận diện các hình thức, đối tượng vi phạm, Tổng cục Thuế cho biết cụ thể như sau:
Về đối tượng bán hóa đơn không hợp pháp
Thành lập một hoặc chuỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thông qua việc sử dụng giấy chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân của một số người thiếu hiểu biết, hám lợi, bị mất cắp hoặc giả mạo, hoạt động trong một chu kỳ ngắn rồi bỏ trốn, mất tích. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này thường có cùng một địa chỉ hoặc văn phòng ảo, kinh doanh nhiều ngành hàng, nhưng không có cửa hàng, không có kho hàng, không có phương tiện vận chuyển và thường xuyên thay đổi địa điểm nhưng không thay đổi cơ quan quản lý thuế để tránh việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, cơ quan chức năng.
Mua lại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động yếu kém, sắp giải thể, phá sản, sau đó thay đổi người đại diện pháp luật với mục đích để bán hóa đơn không hợp pháp.
Thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các vùng, miền có sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thuỷ hải sản, nguyên nhiên vật liệu…, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc hàng ghi trên các hóa đơn không hợp pháp, tránh nghi ngờ, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực tế có hóa đơn đầu ra ít hơn hóa đơn đầu vào như: bán lẻ, kinh doanh ăn uống, xăng dầu; cơ sở dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ… và có nhu cầu bán hóa đơn khống theo yêu cầu không hợp pháp của khách hàng.
Tổng cục Thuế cảnh báo về tình trạng người nộp thuế có hành vi gian lận hóa đơn điện tử, nhằm trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng |
Về đối tượng mua, sử dụng hóa đơn không hợp pháp: (i) Là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai thuế GTGT đầu vào, hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước; hợp pháp hóa các khoản chi phí không có hóa đơn, chứng từ, các khoản chi khống làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác; hợp thức hóa các hàng hóa, dịch vụ không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hợp pháp hóa hàng nhập lậu, gian lận thương mại; hàng hóa khai thác trái phép… hoặc sử dụng cho mục đích khác; (ii) Một số đơn vị sử dụng vốn NSNN sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hợp thức hóa các khoản chi.
Về các hình thức mua bán hóa đơn không hợp pháp: (1) Công khai hoặc lập các hội, nhóm kín trên mạng xã hội để thông tin và giao dịch; (2) Trực tiếp giao dịch hoặc thông qua những đối tượng trung gian.
Hệ quả của sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn
Theo Tổng cục Thuế, việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, không chỉ gây thất thu cho NSNN, mà còn gây ra tình trạng thiếu công bằng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Mặt khác, hậu quả của việc mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn là không phản ánh đúng bản chất của nền kinh tế, mất công bằng trong kinh doanh, thất thu thuế, tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Người mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp sẽ bị xử lý hành chính về thuế, xử lý hình sự và bị xã hội lên án.
Biện pháp xử lý
Liên quan đến chế tài xử lý các hành vi vi phạm, Tổng cục Thuế cho hay, có đủ chế tài để xử lý đối với hành vi mua, bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp. Theo đó, tại Điều 142, Điều 143 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định về xử lý hành chính đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu và hành vi trốn thuế.
Trường hợp người phạm tội có hành vi cấu thành tội Trốn thuế, người phạm tội sẽ bị xét xử về tội trốn thuế theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Về phần mình, cơ quan Thuế đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xác định tổ chức, cá nhân có rủi ro cao trong việc mua bán hóa đơn để xử lý. Theo đó, trên cơ sở dữ liệu HĐĐT mua vào, bán ra và các thông tin về người nộp thuế đang được lưu trữ tại cơ quan Thuế, cơ quan này xây dựng các công cụ, ứng dụng phần mềm…, để thực hiện phân tích, rà soát, đối chiếu dữ liệu HĐĐT để: Xác định người nộp thuế có rủi ro cao trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra; xác định người nộp thuế có sai lệch thông tin dữ liệu giữa hồ sơ khai thuế GTGT và HĐĐT, yêu cầu người nộp thuế khai đúng, khai đủ, không trì hoãn thời gian nộp thuế; xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao do có giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra so với giá trị hàng hóa tồn kho và giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào vượt ngưỡng an toàn để cảnh báo và kiểm tra, xử lý.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổng hợp, phân tích dữ liệu lớn về HĐĐT để đánh giá, phân tích, rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao trong việc mua bán hóa đơn, để từ đó có các biện pháp quản lý phù hợp, kịp thời đấu tranh, phòng chống, ngăn chặn, phát hiện các hành vi mua bán hóa đơn, gian lận HĐĐT của người nộp thuế. Cơ quan thuế công khai danh sách doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và cơ quan Thuế các cấp, để người dân và người nộp thuế biết.
Mặt khác, cơ quan Thuế tiếp tục tăng cường công tác phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn với cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan (Hải quan, Ngân hàng…) để truy vết, xử lý người nộp thuế mua hóa đơn và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hóa đơn. Thời gian tới, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục phối hợp cung cấp danh sách người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn sang cơ quan công an để tiến hành rà soát, điều tra, xử lý nghiêm nếu có vi phạm theo quy định của pháp luật. Gia tăng phối hợp với cơ quan công an trao đổi, cung cấp thông tin khi ban hành các thông báo, các quyết định liên quan đến các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật cho cơ quan thuế. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế và hóa đơn giữa cơ quan thuế các cấp, cơ quan thuế quản lý các địa bàn khác nhau. Cảnh báo người nộp thuế chủ động rà soát, kiểm tra hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế và hóa đơn để thực hiện xác định nghĩa vụ thuế đúng quy định.
Ngoài ra, sắp tới cơ quan thuế sẽ hoàn thiện chính sách, quy định chặt chẽ hơn đối với tổ chức, cá nhân đăng ký mới thông tin sử dụng HĐĐT, đối chiếu các thông tin của người nộp thuế đăng ký sử dụng HĐĐT với thông tin định danh để xác định các trường hợp cần xác minh địa chỉ kinh doanh trước khi chấp thuận cho người nộp thuế sử dụng HĐĐT. Sẽ bổ sung một số trường hợp xem xét ngừng sử dụng HĐĐT, nhằm ngăn chặn kịp thời những người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật về thuế; hành vi mua bán, sử dụng không hợp pháp hóa đơn. Rà soát các vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện quy định về HĐĐT, để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tiễn…/.