Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

(TCT online) – Bộ Tài chính vừa chính thức có công văn gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi. Một trong những nội dung tại dự thảo đó là việc Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

ảnh: Minh họa

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam. Mặt khác, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cụ thể, cơ quan soạn thảo cho hay, theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 12828:2019, nước giải khát bao gồm đồ uống hương liệu (kể cả nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải và các đồ uống đặc biệt khác), nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, đồ uống thảo mộc, nước giải khát có chứa nước trái cây và các loại đồ uống từ ngũ cốc và không áp dụng đối với các sản phẩm: sữa và sản phẩm từ sữa; thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau, quả nguyên chất và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao.

Bên cạnh đó, WHO cũng cho biết, nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì. Việc gia tăng sử dụng nước giải khát có đường khiến tình trạng các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua. WHO khuyến cáo lượng đường tự do trong khẩu phần ăn mỗi ngày chỉ nên chiếm dưới 25-50g/người lớn và 12-25g/trẻ em. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường. WHO chính thức khuyến nghị Chính phủ các nước cần tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào nước giải khát có đường để định hướng tiêu dùng.

Trong khi đó, với tư cách là cơ quan quản lý, Bộ Y tế cũng cũng nhiều lần đưa ra khuyến cáo, giảm tiêu thụ nước giải khát có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp. Đây cũng là yếu tố nguy cơ gây tử vong phổ biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.   

Theo thống kê trên thế giới, đến nay đã có khoảng 115 quốc gia áp dụng thuế với đồ uống có đường và mang lại hiệu quả cao cả về nhận thức và hành động từ phía người tiêu dùng, cũng như nhà sản xuất trong việc giảm lượng đường trong nước giải khát, giảm tiêu thụ nước giải khát có đường. Tại ASEAN, có 6/10 nước đã thu thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. Nhiều nước đánh thuế nước giải khát có đường theo tiêu chí hàm lượng đường là trên 5g/100ml.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm nêu rõ: tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến theo mẫu quy định, trong đó có tiêu chí về hàm lượng đường của sản phẩm phải được công bố. Sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn sản phẩm đó. Bộ Y tế đã có Thông tư số 29/2023/TT-BYT hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm, bao gồm cả tiêu chí về hàn lượng đường.

Thúy Nga

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tieu-diem/a7e820f1-77f4-4dc7-a75d-94fcff2ae1ee