IIP tháng 5/2024 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 năm 2024 của Bộ Công Thương cho biết, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 5/2024 đạt 50,3 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành đã cải thiện nhẹ tháng thứ hai liên tiếp, trong đó nổi bật là sản lượng ngành sản xuất tăng tháng thứ hai liên tiếp.
Hoạt động mua hàng tiếp tục tăng trong tháng 5/2024 nhờ nhu cầu hàng hóa tăng mạnh, các công ty thu hút được khách hàng và các đơn đặt hàng mới, số lượng đơn đặt hàng mới tại các doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh.
Do vậy, IIP tháng 5/2024 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,4%.
Một số địa phương, trong đó có các địa phương có quy mô công nghiệp lớn có IIP tháng 5/2024 tăng cao so với tháng trước như: Quảng Ngãi tăng 86,3%; Bắc Ninh tăng 13,1%; Cần Thơ tăng 7,5%; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 6,6%; Thanh Hóa tăng 5,1%; Bắc Giang tăng 4,3%; Đà Nẵng tăng 4,1%…
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 6,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,2%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm…
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng với 55 địa phương có IIP tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 8 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá do: (i) Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước (như Phú Thọ tăng 31,2%; Bắc Giang tăng 24,9%; Bình Phước tăng 14,8%; Hà Nam tăng 14,5%; Hải Phòng tăng 14,4%); (ii) Ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao so với cùng kỳ năm trước (như Khánh Hòa gấp 5,4 lần; Trà Vinh tăng 95,9%; Thanh Hóa tăng 33,3%; Hải Dương tăng 21,1%; Hải Phòng tăng 17,2%; Phú Thọ tăng 15,0%; Bắc Giang tăng 14,6%).
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 5/2024 đạt 50,3 điểm |
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do: (i) Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước (như Hà Tĩnh giảm 9,0%; Quảng Ngãi giảm 8,2%; Cà Mau giảm 2,5%); (ii) Ngành sản xuất, phân phối điện giảm so với cùng kỳ năm trước (Sơn La giảm 40,1%; Hòa Bình giảm 27,7%; Quảng Ngãi giảm 19,9%; Lâm Đồng giảm 9,3%; Gia Lai giảm 4,1%).
Chỉ số sản xuất năm tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,0%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 20,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,6%; sản xuất kim loại tăng 13,2%; ngành dệt và ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cùng tăng 12,7%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hơn mức bình quân chung hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 5,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 11,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,0%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,7%; khai thác than cứng và than non giảm 1,3%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 33,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 20,2%; đồng hồ thông minh tăng 19,7%; thép cán tăng 18,0%; phân u rê tăng 14,6%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 12,6%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí hoá lỏng (LPG) giảm 21,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 15,6%; ti vi giảm 10,4%; dầu mỏ thô khai thác giảm 5,6%; sắt, thép thô giảm 5,2%.
Theo Bộ Công Thương, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2024 tăng 1,0% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.
Chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đánh giá, sản xuất công nghiệp của nước ta cũng còn tiềm ẩn những vấn đề cần theo dõi sát, để kịp thời xử lý bởi bối cảnh trong nước còn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức.
Theo đó, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện (trong 5 tháng đầu năm 2024, còn 08/63 địa phương có IIP giảm).
Theo Cục Công nghiệp, trong năm 2024, ngành công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm – nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả từ phía cung, cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực – trong đó có Việt Nam.
Trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục; việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản suy giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.
Trong bối cảnh đó, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các mặt công tác sau đây để góp phần, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu năm 2024 của ngành Công Thương với 3 giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp – đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Thứ hai, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Đặc biệt là các chính sách như: Sớm trình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn khoáng sản có giá trị lớn, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có, nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm./.