Toàn cảnh khánh thành quốc môn, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai |
Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước trong khu kinh tế cửa khẩu và các KCN
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Gia Lai (Ban Quản lý) tập trung đẩy mạnh triển khai đồng bộ các hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực được phân cấp (như: đầu tư, môi trường, xây dựng, cải cách hành chính, quy hoạch, quản lý dự án…) và đã đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể:
Công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính được tăng cường. Ban Quản lý triển khai thực hiện nghiêm túc công tác cải cách hành chính theo các quyết định các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, HĐND và các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo – điều hành cụ thể của UBND tỉnh Gia Lai.
Nhìn chung, công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế 1 cửa và 1 cửa liên thông của Ban Quản lý tại Trung tâm hành chính công của Tỉnh được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, thời gian giải quyết được rút gọn, nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý đã thực hiện rà soát thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực lao động và cập nhật thông tin về việc công bố bãi bỏ Danh mục gồm 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý.
Công chức, viên chức trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của Tỉnh chấp hành nghiêm thời gian làm việc, thời gian tiếp nhận và thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm; Quản lý hồ sơ, tài liệu, cập nhật sổ sách theo dõi việc tiếp nhận và trả kết quả theo đúng quy định, quy chế về cơ chế một cửa, một cửa liên thông đảm bảo chính xác, khoa học. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý không nhận được phản ánh, kiến nghị nào của cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục hành chính đang thực hiện.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Tổ tư vấn Ban Quản lý chú trọng thực hiện thường xuyên trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, cũng như trong quá trình quản lý hoạt động dự án, hỗ trợ doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian tiếp cận thông tin và tạo niềm tin, sức hấp dẫn nhất định trong thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Cùng với đó, công tác quản lý môi trường tại các KCN tiếp tục được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Ban thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động bảo vệ môi trường trong các KCN, KKT nói chung và tại các doanh nghiệp KCN, KKT nói riêng. Trong 6 đầu năm 2024, Ban đã tham gia Hội đồng thẩm định cấp lại giấy phép môi trường của 3 dự án; làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo bệ môi trường, triển khai các hoạt động hưởng ứng về môi trường như: Ngày đất ngập nước Thế giới, Ngày nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ trái đất; Tháng hành động vì môi trường…
Hoạt động quản lý doanh nghiệp luôn được quan tâm chú trọng, đặc biệt công tác hậu kiểm đối với các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được tăng cường. Ban Quản lý thường xuyên rà soát hiện trạng triển khai thực hiện dự án và nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư/doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp KCN. Ban Quản lý đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp và phối hợp với các đơn vị có liên quan để tìm giải pháp tối ưu, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đối với các vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền quản lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp.
Mặt khác, công tác quản lý lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Ban quản lý thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền phố biến chính sách pháp luật về lao động, cùng với các đơn vị trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động; kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động như: tiền lương, chế độ đãi ngộ, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, môi trường làm việc, bảo hộ lao động, thực hiện các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Phối hợp các cơ quan liên quan hỗ trợ giải quyết các vụ việc đình công, lãn công xảy ra trong các KCN, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ và ổn định trong các doanh nghiệp KCN.
Một số hoạt động cụ thể được triển khai như: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024; thực hiện rà soát, thống kê các doanh nghiệp trong KCN, KKT có sử dụng lò hơi để đề xuất thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động năm 2024; phối hợp với Liên đoàn Lao động Tỉnh, Công đoàn KKT và các sở, ngành nắm bắt tình hình, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động và tổ chức đối thoại tại Chi nhánh Công ty TNHH Olam tại tỉnh Gia Lai về việc công nhân ngưng làm việc; thông báo việc khảo sát nhu cầu cần đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA); triển khai thông tin về Cuộc thi Vietnam Innovation Talent 2024; cung cấp các thông tin về lao động nước ngoài theo yêu cầu Cơ quan điều tra an ninh – Bộ Công an; triển khai đến doanh nghiệp thực hiện thông báo về việc cho thôi việc đối với người lao động; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Tỉnh; thông tin gửi Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê tham dự Đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại tại Nhật Bản; nhắc nhở các doanh nghiệp triển khai chủ động phòng ngừa trộm cắp, đảm bảo an ninh trật tự trong KCN, KKT; phối hợp thông tin tuyên truyền ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Ôxtrâylia trong ngành nông nghiệp.
Song song với đó, hoạt động cung ứng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật; tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước tiếp tục được triển khai và thực hiện tốt, cơ bản đáp ứng được tiến độ đề ra, góp phần giúp cho hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KKT của Tỉnh đi vào ổn định và phát triển.
Một góc KKT cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh , huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai |
Các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hoạt động đầu tư, kinh doanh hiệu quả
6 tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn KCN, KKT tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023; trong đó nhóm doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng như: cà phê, hạt điều, sữa, bao bì có sự tăng trưởng ổn định. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn KCN, KKT được đảm bảo.
Khu công nghiệp Trà Đa tăng trưởng mạnh mẽ
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý KKT tỉnh Gia Lai đã cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án trong KCN Trà Đa, trong đó có 2 dự án tăng vốn đầu tư là 107,782 tỷ đồng; cấp 1 Giấy phép xây dựng cho dự án “Nhà máy chế biến điều” tại KCN Trà Đa; thẩm định 1 Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án Nhà máy cà phê Laman’t.
Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Quicornac, KCN Trà Đa |
KCN Trà Đa hiện có 63 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.684,3 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 2.824,3 tỷ đồng, đạt 76,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; trong đó có 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (chiếm 7,94% tổng dự án đầu tư vào KCN), vốn đầu tư đăng ký là 493,825 tỷ đồng (chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư đăng ký tại KCN) và vốn đầu tư thực hiện là 491,825tỷ đồng (chiếm 17,41% tổng vốn đầu tư thực hiện tại KCN).
Trong tổng số 63 dự án đầu tư tại KCN Trà Đa, có: 46 dự án đã đi vào hoạt động; 7 dự án cơ bản đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng (trong đó có 3 dự án đã báo cáo số liệu sản xuất kinh doanh); 5 dự án đang xây dựng; 1 dự án đang làm thủ tục sau cấp Quyết định chủ trương đầu tư và 4 dự án quá hạn điều chỉnh, thông báo quy định chấm dứt hoạt động dự án.
Nhà đầu tư vào KCN Trà Đa chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh các ngành, nghề có lợi thế về nguồn nguyên liệu của địa phương như: Sản xuất đá granite, nông sản, gỗ.
Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp KCN Trà Đa đạt được các kết quả chủ yếu sau: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.863,9 tỷ đồng (tăng 50,5% so với cùng kỳ năm 2023); tổng doanh thu thuần đạt 3.292,7 tỷ đồng (tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2023); doanh thu công nghiệp đạt 3.015,5 tỷ đồng (tăng 77% so với cùng kỳ năm 2023); nộp ngân sách nhà nước đạt 189,76 tỷ đồng (tăng 70,2% so với cùng kỳ năm 2023); kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 548,86 triệu USD (tăng 350% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 451,07 triệu USD, (tăng 378% so với cùng kỳ năm 2023), kim ngạch nhập khẩu đạt 97,79 triệu USD, (tăng 253% so với cùng kỳ năm 2023).
Khu công nghiệp Trà Đa hiện có 1.808 người lao động (giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó lao động nữ là 878 người, chiếm 48,6% trong tổng số lao động KCN và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2023; lao động nước ngoài có 2 người; lao động là người dân tộc thiểu số 349 người (chiếm 19,3% trong tổng số lao động KCN và giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2023). Số lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội là 1.444 người (chiếm 79,9% trong tổng số lao động KCN và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2023). Thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng.
Công nhân đang làm việc tại Nhà máy sản xuất kính cường lực Phúc Thịnh Hoàng, KCN Trà Đa |
Đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Nam Pleiku
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Pleiku, tỉnh Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1118/QĐ-TTg ngày 03/9/2019, Ban Quản lý Khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 517,5 tỷ đồng trên diện tích 191,55 ha, tiến độ thực hiện dự án đến tháng 11/2024. Ngày 8/6/2023, Ban Quản lý Khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần thứ nhất đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Pleiku. Trong đó, đã điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư đến tháng 10/2025, cụ thể: giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 83,19 ha, thời gian từ tháng 10/2020 – tháng 12/2023; giai đoạn 2 đầu tư xây dựng 108,36 ha, thời gian từ tháng 1/2024 – tháng 5/2025; từ tháng 6/2025 – tháng 10/2025 hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan, vận hành thử nghiệm, nghiệm thu hoàn thành dự án và đưa dự án vào khai thác kinh doanh đảm bảo theo quy định hiện hành.
Toàn cảnh KCN Nam Pleiku |
Hiện nay Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê đang thi công xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 của dự án với tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 78.496.018.592 đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý KKT tỉnh Gia Lai đã cấp Giấy phép xây dựng cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê đối với công trình hệ thống giao thông, thoát nước tuyến đường D4 thuộc dự án hạ tầng KCN Nam Pleiku; kiểm tra hiện trạng theo Giấy phép Xây dựng đã được cấp đối với công trình nhà máy xử lý nước thải.
Bản đồ quy hoạch dự án và các hạng mục công trình đã đầu tư tại KCN Nam Pleiku |
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tăng trưởng và phát triển
Tính đến nay, tại KKTCK có 36 nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 643,9 tỷ đồng (tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023); vốn đầu tư thực hiện ước đạt 319,1 tỷ đồng (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2023), đạt 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong tổng số 40 dự án đầu tư có: 28 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 7 dự án đang xây dựng, 5 dự án chưa triển khai xây dựng. Các dự án chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với khu vực cửa khẩu.
Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp tại Khu trung tâm KKTCK đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: Doanh thu thuần ước đạt 272,240 tỷ đồng; kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến ngày 15/5/2024 đạt 132,85 triệu USD, tăng 96,6% so với cùng kỳ năm 2023 (67,55 triệu USD). Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 21,35 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023 (19,82 triệu USD), kim ngạch nhập khẩu đạt 111,50 triệu USD, tăng 133,6% so với cùng kỳ năm 2023 (47,73 triệu USD); thu ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp tại Khu trung tâm KKTCK quốc tế Lệ Thanh 1,923 tỷ đồng (giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2023); tổng số thu thuế và thu khác thông qua hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến ngày 15/5/2024 đạt 2,67 tỷ đồng.
Tổng số lao động của các doanh nghiệp tại Khu trung tâm KKTCK quốc tế Lệ Thanh là 99 lao động, thành phần lao động chủ yếu là bộ khung quản lý, còn lại các doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ để duy trì hoạt động.
Lưu thông hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh |
Tiếp tục triển khai toàn diện và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và phát triển KKT cửa khẩu và các KCN
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Gia Lai cho biết, hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KKT của Tỉnh của Ban Quản lý đã đi qua được nửa chặng đường dài trong năm 2024; trên cơ sở những kết quả đã đạt được và nhiệm vụ cần hoàn thành trong năm 2024, Ban Quản lý đã nhìn nhận, đánh giá khách quan những thuận lợi, khó khăn, thách thức thời gian qua để từ đó đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trong tâm trong 6 tháng cuối năm 2024, cụ thể là:
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng và môi trường. Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, chấp hành các quy định của pháp luật.
Triển khai các hoạt động Ngày pháp luật năm 2024. Tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp KCN, KKT năm 2024.
Đề xuất xử lý các dự án ngừng hoạt động, hoạt động không đúng mục tiêu, không thực hiện báo cáo đúng quy định.
Xây dựng chương trình, kế hoạch về xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT năm 2025.
Rà soát theo Quyết định số 33/2023/QĐ-UBND ngày 19/9/2023 của UBND Tỉnh; tiến hành thu hồi đối với trường hợp thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai, nhằm tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
Phối hợp với UBND huyện Đức Cơ triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Khu trung tâm, KKTCK quốc tế Lệ Thanh.
Tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN, KKT thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Chủ trì phối hợp với UBND huyện Đức Cơ, UBND xã Ia Dom tổ chức bàn giao đất ngoài thực địa cho các cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu trung tâm, KKTCK quốc tế Lệ Thanh.
Ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện quản lý trật tự xây dựng Dự án Lập quy hoạch chung xây dựng KKTCK quốc tế Lệ Thanh tỉnh Gia Lai đến năm 2045: hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch trình UBND Tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng KKTCK quốc tế Lệ Thanh tỉnh Gia Lai đến năm 2045 trong tháng 8/2024.
Dự án Hạ tầng KKTCK quốc tế Lệ Thanh (giai đoạn 2022-2025): Soạn thảo Tờ trình gửi UBND Tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng các hạng mục năm 2024. Ngay khi có Quyết định phê duyệt của UBND Tỉnh sẽ triển khai công tác lựa chọn nhà thầu xây dựng theo đúng quy định pháp luật và tổ chức thi công, hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đã được bố trí, tối thiểu đạt 95% kế hoạch được giao.
Đối với nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu mở rộng KCN Trà Đa, TP. Pleiku (Điều chỉnh Khu dịch vụ phụ trợ KCN Trà Đa): Tiếp tục theo dõi tiến độ phê duyệt Nhiệm vụ của UBND TP. Pleiku. Dự kiến trình phê duyệt dự toán lập Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu mở rộng KCN Trà Đa, TP. Pleiku (Điều chỉnh Khu dịch vụ phụ trợ Khu công nghiệp Trà Đa) trong tháng 6/2024. Các mốc thời gian dự kiến: Tháng 7 lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch; tháng 8, tháng 9 và tháng 10 tổ chức khảo sát lập quy hoạch, lấy ý kiến hồ sơ quy hoạch; tháng 11 trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch./.
Một góc KCN Trà Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai |