Nông - Lâm - Thủy sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khắc phục khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU
Doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khắc phục khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU
Liên minh châu Âu (EU) hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực này đạt 2,55 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang EU chiếm 13,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Điển hình như, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU sau 2 tháng giảm sâu đã phục hồi tăng trưởng trở lại trong tháng 4/2024. EU là thị trường nhập khẩu chính ghi nhận tăng trưởng tốt nhất trong tháng 4 năm 2024, đạt 38 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu tôm sang EU đạt 119 triệu USD, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đều tăng trưởng 2 con số; như Đức, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch tăng lần lượt 29%, 37%, 39% và 88%.
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet
Đối với mặt hàng cà-phê, theo thống kê từ Liên đoàn Cà-phê châu Âu, EU có mức tiêu thụ cà-phê bình quân đầu người cao nhất thế giới. Trong quý I/2024, trị giá xuất khẩu cà-phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống đều tăng mạnh; cụ thể, xuất khẩu cà-phê sang Italia và Tây Ban Nha tăng lần lượt 10,18% và 7,81%.
Mặc dù là một thị trường nhiều tiềm năng và cơ hội, tuy nhiên doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và trở ngại, trong đó có những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm cũng như sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ lớn.
Tại EU, tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với tôm Ecuador, với lợi thế giá rẻ, đáp ứng xu thế người tiêu dùng EU, lại có chi phí vận chuyển thấp hơn. Thị trường EU đòi hỏi tôm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn ASC; bên cung ứng có giải pháp giảm phát thải (nuôi, chế biến); truy xuất nguồn gốc tận gốc (thành phần thức ăn tôm, tôm bố mẹ…); phúc lợi động vật (tôm bố mẹ không cắt mắt khi sinh sản nhân tạo, nuôi mật độ vừa phải). Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào EU cần có chiến lược tiếp cận thị trường bài bản hơn, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá tiếp thị hình ảnh sản phẩm của mình.
Đáng chú ý, hiện nay các thị trường như Đức, Hà Lan, Bỉ … đang có xu hướng chuyển đổi sang các dạng sản phẩm tôm tiện lợi hơn, sản phẩm tôm giá trị gia tăng; còn các thị trường như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Pháp … giá cả đóng vai trò quan trọng trong việc xác định động lực thị trường nên các sản phẩm tôm chân trắng có giá phải chăng sẽ được ưa chuộng nhiều hơn.
Đối với mặt hàng rau củ quả, nhiều thách thức đang đặt ra đối với ngành hàng này khi EU là thị trường đòi hỏi chất lượng khắt khe hàng đầu thế giới. Người tiêu dùng EU chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đầu tư thêm về công nghệ, kỹ thuật bảo quản nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt hơn thì mới có cơ hội tăng thị phần tại thị trường EU. Mặt khác, khi xuất khẩu được vào thị trường này, các sản phẩm rau quả Việt Nam cũng sẽ có thêm lợi thế vì dễ dàng xuất khẩu được sang nhiều thị trường khác nhờ tiêu chí chất lượng, an toàn.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-khac-phuc-kho-khan-day-manh-xuat-khau-vao-thi-truong-eu/ |