Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
TP HCM: đối thoại với hơn 500 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng
TP HCM: đối thoại với hơn 500 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng
Tại phiên đối thoại, đại diện Cục Thuế TP HCM đã phổ biến thông tin và giải đáp thỏa đáng các vướng mắc của DN kinh doanh trong lĩnh vực này. Cụ thể, liên quan đến sử dụng HĐĐT trong hoạt động kinh doanh vàng, cơ quan thuế nêu rõ, về nguyên tắc khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ quy định tại Khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế; Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Đại diện Cục Thuế TP HCM cho biết, thời điểm lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì công ty thực hiện theo Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Trường hợp bán hàng có chính sách đổi trả hàng có thời hạn theo quy định thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa. Việc thanh toán không dùng tiền mặt để khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC); chi phí thanh toán bằng hình thức bù trừ công nợ sẽ được khấu trừ thuế GTGT và là chi phí hợp lý khi DN đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Cục Thuế TP HCM cũng lưu ý về quản lý rủi ro trong quá trình sử dụng HĐĐT, cơ quan thuế căn cứ trên dữ liệu từ các ứng dụng quản lý, hệ thống và lọc danh sách DN thuộc diện giám sát theo ngành nghề trọng điểm, diện cảnh báo và trích xuất danh sách DN nhận email cảnh báo. Trường hợp DN mua nguyên liệu (vàng, bạc, đá quý) từ cá nhân không kinh doanh và không có hóa đơn đầu vào hợp lệ thì hệ thống ghi nhận dữ liệu hàng tồn kho căn cứ trên dữ liệu tại Báo cáo tài chính. Khi DN bán hàng với số lượng hàng bán ra nhiều hơn số liệu trên Báo cáo tài chính và số liệu hàng hóa mua vào theo HĐĐT đầu vào, thì sẽ nhận được email thông báo “Giá trị hàng hóa, dịch vụ vượt quá giá trị hàng tồn kho” thuộc diện cảnh báo rủi ro. Khi đó, DN phải căn cứ trên hồ sơ cụ thể để giải trình với cơ quan thuế quản lý, như bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào theo Mẫu số 01/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
Ngoài ra, đối với hoạt động gia công vàng trang sức, Cục Thuế TP HCM cho hay, khi DN thuê gia công chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu (vàng) cho đối tác nhận gia công, về nguyên tắc hàng hóa, nguyên vật liệu này vẫn thuộc quyền sở hữu của bên thuê gia công, do đó DN không lập hóa đơn đối với hàng hóa, nguyên vật liệu gửi gia công. Với hàng hóa, nguyên vật liệu đi đường cần có hợp đồng gia công và phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ để thuận lợi cho quá trình lưu thông. Bên nhận gia công thực hiện lập hóa đơn đối với dịch vụ gia công (tiền công) khi hoàn thành việc gia công hàng hóa hoặc thời điểm thu tiền dịch vụ gia công theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Tại hội nghị, các cơ quan chức năng cũng cho rằng, kinh doanh vàng, đá quý là lĩnh vực đặc thù, do đó các DN, cơ sở kinh trong lĩnh vực này cần nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng, hạn chế các rủi ro và góp phần đảm nguồn thu cho NSNN.
Đức Mỹ
Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/kinh-te-xa-hoi/a8ac0fc2-1d63-44a8-8fa8-c3da0e04b9f4 |