Năm 2023: Hàng trăm nghìn cơ sở vi phạm ATTP bị phạt gần 130 tỷ đồng
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP), trong năm 2023, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vi phạm.
Theo đó, ngành Y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó xử lý 14.100 cơ sở, số tiền phạt khoảng 44,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hơn 1.600 cơ sở với số tiền 14,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngành Công thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, phạt 36,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu là 31,6 tỷ đồng. Còn lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, xử lý hơn 7.100 vụ, tổng số tiền phạt là hơn 31 tỷ đồng.
Có được kết quả nói trên là nhờ công tác bảo đảm an ninh, ATTP đã có những kết quả đáng khích lệ.
Theo đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với vấn đề đảm bảo an ninh, ATTP không ngừng nâng cao, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP; công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an ninh, ATTP được tập trung đẩy mạnh và có hiệu quả.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đã được các cấp, các ngành nói chung và Bộ Y tế nói riêng quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam được đánh giá là đã tiếp cận với phương thức quản lý tiên tiến của thế giới. Đặc biệt, bước đầu đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về ATTP từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; nhiều hàng hóa thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về ATTP…
Bước đầu đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về ATTP từ Trung ương đến địa phương |
Bên cạnh đó, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP cũng được đánh giá tích cực, tăng cường liên tục về số lượng, đa dạng hóa các hình thức. Ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh được nâng lên. Việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc giảm so với trước.
Gần đây, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP cũng vừa ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024. Tháng hành động năm nay có chủ đề là “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”. Thời gian triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5/2024 trên phạm vi toàn quốc.
Kế hoạch được ban hành nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Kế hoạch nêu rõ, trước 10/4/2024, ở cấp trung ương sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành do 3 Bộ chủ trì (Bộ Y tế chủ trì đoàn số 1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đoàn số 2 và 3, Bộ Công Thương chủ trì đoàn số 4 và 5), phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Bên cạnh 5 đoàn liên ngành Trung ương, các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể vẫn cao
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về ATTP còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất, đồng bộ; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao; việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội; việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu ng quả cao…
Nhiều hình thức sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, quảng cáo thực phẩm mới xuất hiện rất phức tạp, đa dạng, đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý ATTP của các bộ, ngành, địa phương.
Về chính sách, sau 13 năm thực hiện, nhiều nội dung quy định của Luật ATTP không còn phù hợp, một số quy định còn nhiều điều bất cập về kiểm soát thực phẩm xuất khẩu, đăng ký bản công bố, điều kiện về ATTP tại các chợ và làng nghề. Việc quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP trên môi trường internet, thương mại điện tử còn khó khăn.
Hiện nay, mô hình quản lý ATTP không thống nhất, đa phần địa phương có Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, 3 tỉnh, thành có Ban Quản lý ATTP, cũng có tỉnh thì cơ quan quản lý ATTP là một phòng thuộc Sở Y tế…
Cần quản lý thống nhất về ATTP từ Trung ương đến địa phương
Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới đặt ra yêu cầu rất quan trọng là phải xây dựng được một cơ quan quản lý thống nhất chỉ một đầu mối về ATTP từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, ATTP.
Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy mới mới về quản lý ATTP, theo hướng tập trung các lực lượng chuyên môn về y tế, công thương, nông nghiệp.
Theo đó, ở mô hình tổ chức bộ máy mới sẽ được xây dựng theo hướng tập trung các lực lượng chuyên môn về y tế, công thương, nông nghiệp trong một cơ quan chung, giống như mô hình Ban Quản lý ATTP hiện đang được thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh, thành (TP. HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh). Lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức là từ năm 2023-2025. Hiện mô hình tổ chức mới về quản lý ATTP vẫn chưa được hình thành, chưa rõ tên gọi.
Tuy nhiên, cơ quan tổ chức mới về quản lý ATTP sẽ phải tập trung đủ cả 3 lực lượng y tế, nông nghiệp, công thương.
Cùng với việc kiện toàn bộ máy nói trên, mỗi bộ, ngành cần tăng cường quản lý ATTP theo chuỗi giá trị, phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm; tập trung thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực gây ảnh hưởng tác động lớn đến sức khoẻ; chủ động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn tiếp cận, hài hoà với quốc tế.
Đồng thời, các bộ, ngành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đăng ký công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, cũng như tiếp nhận thông tin phản ánh từ sự giám sát của các tổ chức và người dân đối với việc tuân thủ quy định về ATTP.
Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, tổng kết việc thực hiện Luật ATTP năm 2010, các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động về ATTP; cập nhật thực tiễn, phương pháp, mô hình quản lý ATTP hiện đại, thống nhất.
Tăng cường xử lý đối với các vi phạm ATTP trên các nền tảng thương mại xuyên biên giới, các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước; xây dựng, ban hành quy định về ATTP, môi trường đối với chợ truyền thống, siêu thị./.