Tiếp nối thành công của các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023, hướng tới việc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, hôm nay (ngày 15/3), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Công Thương và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 |
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay có chủ đề: “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”, nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Phía doanh nghiệp cũng cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn.
Theo kế hoạch, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng năm nay được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt năm 2024. Trong đó, tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết dương lịch, Tết âm lịch, các mùa mua sắm… Các hoạt động hưởng ứng được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài hết năm 2024, tùy theo tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương.
Tại Trung ương, một số hoạt động dự kiến sẽ được triển khai như: Tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024; tuyên truyền phổ biến; phát hành các tài liệu, ấn phẩm có liên quan; tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề; tri ân người tiêu dùng; tổ chức các sự kiện cộng hướng về người tiêu dùng hay các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam – đây cũng chính là sự kiện nổi bật hàng năm do Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện liên tục từ năm 2016 tới nay. |
Tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ trên tình hình thực tế để lập kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng trên địa bàn, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá.
Bộ Công Thương cũng khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.
Có thể nói, Việt Nam là một trong các quốc gia sớm thực hiện các hành động để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 1999, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành. Năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thông qua, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, năm 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, trong đó, nhiều quy định mang tính dấu ấn, lần đầu xuất hiện trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dung.
Tuy nhiên, bên cạnh chính sách đã được hoàn thiện, sửa đổi, thì muốn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần tập trung thống kê các vi phạm đối với quyền của người tiêu dùng ở doanh nghiệp, gây ảnh hưởng rộng trong xã hội và có mức xử lý mạnh để mang tính răn đe.
Bảo vệ người tiêu dùng cần chú ý bảo vệ cả những cái nhỏ nhất, hàng hóa phải được hình thành với giá cả và chất lượng tương ứng. Chống đầu cơ, nhập khẩu, sản xuất, buôn lậu hàng giả và kinh doanh trái phép. Đồng thời, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, trình độ quản lý của các lực lượng chuyên môn được phân công trong lĩnh vực này. Xây dựng đội ngũ thi hành công vụ trong sạch, vững mạnh.
Cần nâng cao kiến thức, kĩ năng tiêu dùng cho toàn xã hội, nhất là đối với các đối tượng yếu thế. Công khai minh bạch thông tin rộng rãi về giá cả, chất lượng hàng hóa và các nguy cơ mất an toàn khi tiêu dùng. Xây dựng đạo đức, kinh doanh và hành vi, văn hóa tiêu dùng, văn hóa phục vụ.
Công khai việc nhận những tố cáo, khiếu nại của người tiêu dùng với thủ tục đơn giản, thuận tiện, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo một cách thường xuyên liên tục và hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tạo niềm tin của các nước đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bảo vệ người tiêu dùng phải được thực hiện sớm ngay từ gốc, tức là phải quản lý chất lượng từ lúc nhập khẩu và quản lý quy trình sản xuất hàng hoá ở trong nước./.