Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XIX, diễn ra tháng 12/2023 tại tỉnh Bắc Giang |
Nỗ lực đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế
Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương về khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao làm đầu mối, tham mưu về quản lý nhà nước đối với KCN, KKT. Thời gian qua, Vụ Quản lý các khu kinh tế đã luôn tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng và đồng hành, sát cánh cùng các địa phương, đặc biệt là các Ban Quản lý KCN, KKT trong cả nước để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong các KCN, KKT.
Về nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các KCN, KKT, năm 2023, Vụ Quản lý các khu kinh tế được giao chủ trì, thực hiện nhiệm vụ đề nghị xây dựng dự án Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. Thực hiện nhiệm vụ này, Vụ Quản lý các khu kinh tế đã nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia và kết quả tổng kết tình hình phát triển KCN, KKT. Sau khi kiến nghị điều chỉnh nhiệm vụ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu hồ sơ đề nghị xây dựng Luật trong quý IV/2023 (đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chấp thuận tại công văn số 60/VPCP-PL ngày 04/01/2023 của Văn phòng Chính phủ). Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, Bộ đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và gửi Bộ Tư pháp để thẩm định.
Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực tham gia các chương trình, sự kiện do các Ban Quản lý KCN, KKT cả nước tổ chức để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo và hỗ trợ các Ban Quản lý KCN, KKT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động phát triển KCN, KKT |
Năm 2023 các KCN, KKT Việt Nam tiếp tục phát triển tăng tốc
Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, về tình hình phát triển các KCN, trong năm 2023 cả nước có thêm 13 dự án đầu tư hạ tầng KCN đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh/chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đạt khoảng 3.858 ha.
Đến nay, cả nước đã có 416 KCN đã thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các KKT, 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.
Toàn cảnh Công ty Kortek trong KCN Đồng Văn 4, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam |
Trong số các KCN đã được thành lập, có 296 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động, thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.
Một góc KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang |
Trong số 296 KCN đã đi vào hoạt động, đã có 271 KCN đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt tỷ lệ khoảng 91,6%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.
Nhà máy xử lý nước thải trong KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc |
Về tình hình phát triển của các KKT ven biển, trong năm 2023, có 3 KKT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng.
Theo đó, đến nay cả nước có 18 KKT ven biển đã thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha, trong đó diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn ha (chiếm 1,68% tổng diện tích cả nước).
Lũy kế đến cuối năm 2023, có khoảng 64,4 nghìn ha đất khu chức năng, đất nông lâm ngư nghiệp, đất hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất đạt khoảng 21,3 nghìn ha.
Cảng Hòn La nằm trong khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình |
Các KCN, KKT tạo nhiều việc làm cho người lao động. Tính đến cuối năm 2023, các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng trên 4,15 triệu lao động trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, chiếm lần lượt 41,3% và 30,3% số lao động làm việc trong KCN trên cả nước. Trung bình 1 ha đất công nghiệp đã cho thuê trong KCN tạo việc làm cho khoảng 82 lao động.
Công nhân Công ty Gold Sun làm việc trong KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
Đến nay, các KCN, KKT Việt Nam đã thu hút khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào đầu tư. Dòng vốn ngoại đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước, với những dự án được đầu tư quy mô lớn đến từ những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, có hàm lượng công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao như: Samsung, Panasonic, Microsoft, Foxconn, Sanyo, Sony, Fujitsu, Toshiba, Intel, LEGO, LG, Kyocera, Doosan, Bosch Pengatron, Nokia, Canon … |
Được biết đến nay các KCN, KKT tại Việt Nam đã thu hút được nhiều các dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước, trong đó số dự án có tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD là khoảng hơn 500 dự án, trong đó có một số dự án có quy mô trên 1 tỷ USD như: Dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư là 14,3 tỷ USD; Dự án sản xuất thép của Tập đoàn Formosa tại KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh với quy mô 10 tỷ USD… Đặc biệt, có 3 dự án sản xuất linh kiện điện tử của của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư vào KCN Tràng Duệ, Hải Phòng (nằm trong KKT Đình Vũ – Cát Hải), gồm có LG Display, LG Electronics, LG Innotek với tổng vốn đăng ký 7,24 tỷ USD.
Báo cáo về tình hình phát triển các KCN, KKT của các Ban Quản lý KCN, KKT tại các địa phương trên cả nước cho thấy, các KCN, KKT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đóng góp vào tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Một góc KCN Nam Đình Vũ, TP. Hải Phòng |
Những minh chứng trên đã được khẳng định thông qua những đóng góp thiết thực của các KCN, KKT vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong cả nước. Qua đó, đã góp phần quan trọng tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương về vai trò hết sức quan trọng quan trọng của các KCN, KKT nói chung và vai trò quản lý nhà nước của các Ban Quản lý KCN, KKT nói riêng; từ đó đã tạo được sự tin tưởng và đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trên cả nước về xác định nhiệm vụ then chốt là phát triển KCN, KKT chính là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; đồng thời tạo động lực quan trọng để các KCN, KKT Việt Nam có thêm nhiều cơ hội phát triển nhanh, mạnh và hiệu quả hơn trong thời gian tới, trở thành trụ cột vững chắc “không thể thiếu” của nền kinh tế Việt Nam./.
Cổng ngoài KCN Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh |