Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ, kể từ ngày 1/1/2024, các sản phẩm công nghiệp chính thức được miễn thuế nhập khẩu vào Thụy Sỹ, cho dù có nguồn gốc xuất xứ từ bất kỳ nước nào. Đây là một chính sách thương mại quan trọng, được nước này triển khai sau nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị.
Tại Thụy Sỹ, các sản phẩm công nghiệp bao gồm các sản phẩm trung gian đầu vào cho quá trình sản xuất như: hàng hóa vốn, nguyên vật liệu, bán thành phẩm, máy móc thiết bị, muối và muối công nghiệp, cũng như hàng tiêu dùng như xe các loại, đồ gia dụng, quần áo, giày dép… Các sản phẩm này nằm trong các chương từ 25-97 của biểu mã HS (ngoại trừ một số sản phẩm thuộc chương 35 và 38 cũng được coi là hàng nông sản).
Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm động thực vật sống, thực phẩm, nông sản chế biến, hạt giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản… không được coi là sản phẩm công nghiệp. Do đó, thuế nhập khẩu vẫn được áp dụng cho những sản phẩm này.
Bên cạnh việc bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp, một số thay đổi cũng được thực hiện để đơn giản hóa biểu thuế hải quan và các quy định về chứng minh xuất xứ. Đối với nhiều loại sản phẩm, việc phân chia mã HS chi tiết do mức thuế khác nhau không còn cần thiết. Do đó, từ ngày 1/1/2024, số lượng dòng thuế HS của Thụy Sỹ sẽ giảm từ 9114 xuống 7511.
Chẳng hạn, trước đây, giày da cho trẻ em có mã HS 6403.5910 và chịu mức thuế nhập khẩu thông thường 173 CHF trên 100 kg. Từ giờ mức thuế là 0 và chúng sẽ được nhóm cùng với các loại khác trong nhóm HS 6403.5900.
Việc loại bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp không làm thay đổi quy trình thông quan. Nhà nhập khẩu vẫn phải khai báo nhập khẩu và thanh toán các khoản phí, lệ phí khác phát sinh khi nhập khẩu, bao gồm cả VAT.
Quyết định bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp được Quốc hội Thụy Sỹ đưa ra tháng 10/2021 bằng cách sửa đổi Luật Thuế hải quan. Tại cuộc họp Chính phủ tháng 2/2022, Chính phủ Thụy Sỹ quyết định biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2024.
Đối với Việt Nam, theo số liệu của Hải quan Thụy Sỹ, hàng công nghiệp bình quân chiếm khoảng 90-93% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm của nước này từ Việt Nam |
Với biện pháp này, Thụy Sỹ, với tư cách là một nền kinh tế có độ mở cao, đang gửi một thông điệp rõ ràng cho việc ủng hộ và thúc đẩy trao đổi thương mại thông thoáng, trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu ngày càng mang tính bảo hộ. Chính phủ Thụy Sỹ sẽ xem xét tác động của chính sách này lên giá trong nước của các sản phẩm liên quan thông qua một chương trình giám sát.
Trong quá trình chuẩn bị, Chính phủ Thụy Sỹ đã thực hiện các nghiên cứu về tác động của việc bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp. Lợi ích đem lại cho nền kinh tế ước tính vào khoảng 860 triệu CHF (khoảng 1 tỷ USD) dựa trên số liệu thương mại của năm 2016.
Con số này bao gồm khoảng 490 triệu CHF tiết kiệm thuế trực tiếp cho các doanh nghiệp và khoảng 100 triệu CHF tiết kiệm từ giảm chi phí hành chính. Thêm vào đó là những tác động gián tiếp, chẳng hạn như tăng năng suất cho các doanh nghiệp, ước tính trị giá khoảng 270 triệu CHF.
Dựa trên số liệu cập nhật năm 2022 đối với hàng nhập khẩu của Thụy Sỹ, mức tiết kiệm thuế trực tiếp cho doanh nghiệp có thể lên tới khoảng 600 triệu CHF (680 triệu USD).
Chính phủ Thụy Sỹ không đưa ra các biện pháp trực tiếp nào để bù đắp cho việc thất thu thuế hải quan sau khi bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp. Theo các nghiên cứu sơ bộ, việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp dự kiến sẽ làm tăng sản lượng kinh tế và do đó gián tiếp làm tăng các khoản thu khác từ thuế, bù đắp khoảng 30% tổn thất về thu thuế hải quan trong những năm tới.
Nhìn tổng thể nền kinh tế Thụy Sỹ, những tác động tích cực sẽ lớn hơn đáng kể so với mức thất thu thuế dự kiến.
Theo các chuyên gia, chính sách mới này góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính và hành chính cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Thụy Sỹ, qua đó cải thiện vị thế của Thụy Sỹ như một trung tâm kinh tế, thương mại và công nghiệp. Nó giúp ngành công nghiệp Thụy Sỹ tiếp cận dễ dàng hơn nguồn nguyên vật liệu và sản phẩm đầu vào, với khả năng cạnh tranh và đa dạng hóa cao hơn. Từ đó góp phần giúp nâng cao năng suất và hiệu quả cạnh tranh của các công ty Thụy Sỹ cả trong và ngoài nước.
Trên thực tế, Thụy Sỹ vẫn luôn chủ trương mở cửa cho các sản phẩm công nghiệp ngay cả trước khi chính thức bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp. Thuế nhập khẩu phần lớn hàng công nghiệp vốn dĩ đã ở mức thấp, hoặc bằng 0, đặc biệt là đối với các nước được hưởng ưu đãi thuế GSP (trong đó có Việt Nam) và các nước chậm phát triển (less developed country – LDC). Chỉ có một số sản phẩm, đặc biệt trong nhóm hàng dệt may, có thuế nhập khẩu khá cao.
Tuy nhiên, về tổng thể, thuế nhập khẩu từ hàng công nghiệp chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong kim ngạch nhập khẩu hàng công nghiệp, vốn chiếm từ 90-95% tổng kim ngạch nhập khẩu của Thụy Sỹ mỗi năm. Có thể thấy điều này qua mức thu thuế nhập khẩu hàng công nghiệp năm 2022, ước tính khoảng 600 triệu CHF, trên tổng kim ngạch nhập khẩu hàng công nghiệp là 280,1 tỷ CHF.
Như vậy thuế nhập khẩu hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 0,21% kim ngạch nhập khẩu hàng công nghiệp của Thụy Sỹ.
Đối với Việt Nam, theo số liệu của Hải quan Thụy Sỹ, hàng công nghiệp bình quân chiếm khoảng 90-93% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm của nước này từ Việt Nam. Nhiều mặt hàng trong số này được hưởng ưu đãi thuế GSP của Thụy Sỹ.
Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp của Thụy Sỹ sẽ làm cho sản phẩm của Việt Nam bình đẳng với tất cả các nước khác, không còn lợi thế (chẳng hạn so với các nước không được hưởng GSP) hoặc bất lợi (chẳng hạn so với các nước LCD) về thuế. Còn đối với một số sản phẩm như dệt may, da giày…, hàng Việt Nam sẽ được hưởng lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh thuộc nhóm nước LCD.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ nhìn chung tăng trưởng khá tốt. Theo số liệu của Hải quan Thụy Sỹ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng từ 1,53 tỷ USD năm 2015 lên 2,407 tỷ USD năm 2021. Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang thị trường Thụy Sỹ. Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sỹ đạt 1,878 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Sỹ là: máy móc thiết bị điện và linh kiện (chủ yếu điện thoại di động) đạt 485,9 triệu USD; giày dép đạt 427,4 triệu USD; dệt may đạt 413,2 triệu USD; nông sản, thực phẩm đạt 143,2 triệu USD; máy móc và thiết bị cơ khí đạt 78,7 triệu USD…/.