Đây là những điểm rất đáng chú ý trong báo cáo kết quả nghiên cứu “Tác động của thuế thuốc lá đến phúc lợi đa chiều của hộ gia đình: bằng chứng từ Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) thực hiện
Bức tranh thị trường tiêu thụ và ngành công nghiệp thuốc lá ở Việt Nam
Tại buổi chia sẻ với các chuyên gia kinh tế do VESS vừa tổ chức, đại diện cho nhóm nghiên cứu, ThS. Phạm Văn Long, Giám đốc VESS cho biết, thuốc lá là một mặt hàng phổ biến và không khó để bắt gặp người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam do giá thuốc lá quá thấp so với thu nhập. Những nỗ lực vận động chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá tại Việt Nam đã và đang vấp phải những cản trở từ phía ngành công nghiệp thuốc lá.
Ông Phạm Văn Long, Giám đốc VESS chia sẻ về báo cáo nghiên cứu |
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới được nghiên cứu của VESS trích dẫn, mức chi tiêu hằng năm cho thuốc lá ở Việt Nam vào khoảng 31.000 tỷ đồng. Số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam là hơn 30.000 người vào năm 2002, được chuyên gia quốc tế dự báo sẽ lên đến 70.000 người vào năm 2030 nếu Chính phủ không đưa ra các biện pháp cứng rắn để giảm tiêu thụ thuốc lá. Đáng chú ý, số liệu được nghiên cứu trích dẫn đưa ra cũng cho thấy, một thực tế đáng lo ngại khi con số chi phí liên quan đến các bệnh do thuốc lá (bao gồm chi phí trực tiếp khám và điều trị, chi phí gián tiếp do mất khả năng lao động do bị bệnh và tử vong sớm) là hơn 24.000 tỷ đồng, chiếm 0,97% GDP năm 2011.
Một điểm đáng chú ý được báo cáo nghiên cứu đưa ra là mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá chung ở Việt Nam đã xuống dưới mức trung bình của thế giới và khu vực, song tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử lại có chiều hướng tăng lên với mức tăng từ 0,2% lên 3,6%, tập trung ở nhóm tuổi 15-24. Lý do là vì ngành công nghiệp thuốc lá đang mở rộng tệp khách hàng nhằm đến giới trẻ, tung ra các sản phẩm hợp thị hiếu với các chiêu thức quảng cáo tinh vi. Bên cạnh đó, số liệu được đưa ra cho thấy, nếu phân theo nhóm thu nhập thì tỷ lệ hút thuốc có xu hướng cao hơn ở nhóm thu nhập thấp, 25,5% người thuộc nhóm 20% nghèo nhất hút thuốc; con số đối với nhóm 20% giàu nhất chỉ 17,9%.
Về sự phát triển của ngành công nghiệp thuốc lá tại Việt Nam, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, diện tích trồng thuốc lá tại Việt Nam đang có xu hướng giảm với tốc độ nhanh hơn tốc độ tăng năng suất nên sản lượng thuốc lá giảm mạnh. Do đó, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng về thuốc lá nguyên liệu với cán cân thương mại mặt hàng này thâm hụt ngày càng lớn trong những năm gần đây (232 triệu USD năm 2021) để bù đắp cho việc giảm sản lượng sản xuất thuốc lá nguyên liệu trong nước. Sản xuất thuốc lá ở Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ bởi Nhà nước. Hiện nay, trong số các công ty sản xuất thuốc lá ở Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) là doanh nghiệp lớn nhất với xấp xỉ 67% thị phần trong nước và 75% thị phần xuất khẩu (2022). Vinataba cũng dẫn dầu về mức đóng góp ngân sách nhà nước và liên tục tăng kể từ năm 2014 đến nay; tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào tổng thu ngân sách lại có xu hướng giảm.
Trong bối cảnh giá thuốc lá tăng do tăng thuế đánh vào thuốc lá, trong nước lại giảm sản xuất khiến khiến một bộ phận người tiêu dùng chuyển sang dùng thuốc lá lậu, từ đó dẫn tới hoạt động buôn lậu thuốc lá tăng mạnh. Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, nguyên nhân sâu xa của buôn lậu là do Nhà nước hạn chế nhập khẩu thuốc lá để bảo vệ các công ty trong nước (mang lại nguồn thu cho Nhà nước). Từ đây mới làm cho cầu trong nước lớn hơn cung, khiến việc buôn lậu đem lại lợi nhuận cao. Việc Nhà nước vừa cố gắng bảo vệ người tiêu dùng, vừa bảo vệ các công ty thuốc lá trong nước gây khó khăn trong đổi mới chính sách phòng chống buôn lậu và chính sách thuế thuốc lá do có sự xung đột lợi ích giữa các bên.
Chính sách thuế phù hợp, công cụ hữu hiệu hạn chế thuốc lá
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu VESS, thuế thuốc lá luôn đươc coi là công cụ hiệu quả nhất trong việc giảm tỷ lệ người hút thuốc, bởi trong số các biện pháp mà chính phủ tác động vào giá thành sản phẩm để điều tiết tiêu dùng, thì đánh thuế là biện pháp nhanh và dễ thực hiện nhất. Tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá có thể chịu tới 3 loại thuế: thuế nhập khẩu (nếu là hàng nhập khẩu, trị giá tính thuế là giá CIF), thuế tiêu thụ đặc biệt (trị giá tính thuế là giá xuất xưởng) và thuế giá trị gia tăng (trị giá tính thuế là giá bán trước thuế, luôn ở mức 10% kể từ năm 1999). Với cách đánh thuế này, thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thuốc lá vào Việt Nam vẫn luôn ở mức cao, kể từ khi việc nhập khẩu thuốc lá được cho phép trở lại vào năm 2007, dù đã giảm liên tục.
Chính sách thuế phù hợp là công cụ hữu hiệu hạn chế thuốc lá |
Tuy nhiên, theo phân tích của nhóm nghiên cứu, trong các loại thuế đánh vào thuốc lá, thì TTĐB đối với thuốc lá ở Việt Nam có tăng qua các năm nhưng tăng rất ít và cách nhau xa. Trong khi đó, thu nhập của người dân ngày càng tăng; mức tăng thuế không đủ lớn, không theo kịp mức tăng thu nhập, không làm tăng đáng kể mức giá của sản phẩm. Thuế TTĐB thuốc lá ở Việt Nam hiện chỉ gồm thuế tỷ lệ tính trên giá xuất xưởng, có nhược điểm là tăng thuế ít ảnh hưởng đến các sản phẩm giá rẻ, người tiêu dùng có thể phản ứng bằng cách chuyển sang các thương hiệu rẻ hơn, làm giảm hiệu quả của thuế. Do đó, để tăng hiệu quả của công cụ này, nghiên cứu của VESS đề xuất cân nhắc bổ sung thuế tuyệt đối vào thuế tỷ lệ hiện hành.
Theo ThS. Đào Thế Sơn, cố vấn về thuế và kinh tế thuốc lá của Vital Strategies, hiện nay có một thực trạng là tỷ lệ đóng góp của chính sách thuế của Việt Nam cho hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá còn rất thấp. Các mức tăng thuế cũng không đủ lớn, tỷ lệ tính trên giá xuất xưởng có nhiều yếu điểm, dễ gây chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu phân phối. “Tỷ lệ thuế TTĐB trên giá xuất xưởng là 75%, tổng thuế trên giá bán lẻ chỉ đạt khoảng 36-38%. Trong khi đó, giá thuốc lá hiện nay rất thấp, với các tỷ lệ thuế như vậy giá cuối cùng của thuốc lá vẫn thấp, chi phí/chi trả trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm. Như vậy, giá sản phẩm thuốc lá tăng chậm hơn mức tăng thu nhập khiến khả năng mua thuốc lá của người tiêu dùng ngày càng tăng. Nếu tăng thuế thì vẫn tạo nhiều cơ hội cho người tiêu dùng chuyển từ dòng đắt tiền sang rẻ tiền”, ông Sơn phân tích. Trên cơ sở phân tích này, ông Sơn cho rằng thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất đối với thay đổi về giá, nếu giá tăng, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ giảm. Do đó, một chính sách thuế phù hợp sẽ là công cụ hiệu quả nhất để giảm số người hút thuốc,
Nhìn từ kinh nghiệm của thế giới, ông Sơn cho biết, ngày càng có nhiều nước áp dụng thuế hỗn hợp. Với kinh nghiệm quốc tế về áp dụng cơ sở tính thuế trên giá bán lẻ, trong 105 nước hiện còn áp dụng thuế tỷ lệ, có 47 nước đã áp dụng giá bán lẻ là cơ sở tính thuế. Phương pháp tính thuế này có thể giúp quản lý thuế dễ hơn thông qua theo dõi (giá cả) thị trường. Số liệu toàn cầu cho thấy, các quốc gia áp dụng cơ sở tính thuế này có giá bán lẻ trung bình cao hơn, từ đó có tác động giảm tiêu dùng tốt hơn.
Cũng theo khuyến nghị của chuyên gia này, để đạt mục tiêu quốc gia trong Chương trình sức khoẻ Việt Nam với tỷ lệ hút thuốc nam giới trưởng thành giảm từ 42,3% hiện tại xuống 37% vào năm 2025, 32,5% vào năm 2030. Có thể có lựa chọn các giải pháp sau: Bên cạnh thuế tỷ lệ 75%, bổ sung mức thuế tuyệt đối ở mức 5.000/bao vào năm 2023, và cứ mỗi hai năm lại tăng thêm 5.000. Hoặc áp dụng thuế tỷ lệ trên giá bán lẻ ở mức tương đương – hoặc vừa tăng thuế tỷ lệ, vừa bổ sung thuế tuyệt đối ở mức tương đương, Bên cạnh thuế tỷ lệ 75%, bổ sung lộ trình thuế tuyệt đối ở mức 2.500/bao từ 2023, và cứ mỗi hai năm lại tăng thêm 2.500/bao. Với lựa chọn này, cần bổ sung các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá khác như tăng cường quản lý hệ thống bán lẻ, áp dụng bao tiêu chuẩn…
Chính sách thuế tác động tích cực tới cải thiện phúc lợi gia đình tại Việt Nam
Theo ThS. Phạm Văn Long, để đảm bảo tính toàn diện của nghiên cứu, phương pháp đo lường chỉ số phúc lợi đa chiều được nhóm nghiên cứu VESS sử dụng thay thế cho cách tiếp cận thông thường (chỉ quan tâm đến khía cạnh kinh tế, không bao gồm các khía cạnh khác như giáo dục, y tế…). Chỉ số phúc lợi đa chiều được nhóm tác giả đo lường dựa trên 4 khía cạnh chính là tài sản, giáo dục, y tế và nhà ở. Kết quả tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy, chỉ số phúc lợi đa chiều của hộ gia đình tại Việt Nam có xu hướng tăng trong giai đoạn 2012-2018. Phúc lợi đa chiều bình quân đầu người của hộ có chi tiêu cho thuốc lá được ghi nhận luôn luôn thấp hơn so với hộ không chi tiêu cho thuốc lá. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ chi tiêu cho thuốc lá trong tổng chi tiêu cao hơn có ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợi đa chiều của hộ gia đình, đặc biệt là nhóm hộ nghèo.
Cụ thể, đối với nhóm 20% số hộ nghèo nhất, thì tăng giá thuốc lá sẽ làm phúc lợi bình quân đầu người tăng cao hơn so với phúc lợi bình quân đầu người của nhóm 20% hộ giàu nhất với cùng kịch bản. Kết quả ước lượng cho thấy đối với 20% nhóm hộ nghèo nhất và 20% nhóm hộ giàu nhất, thì hệ số của biến tỉ lệ chi tiêu cho thuốc lá đều mang dấu âm và có ý nghĩa thống kê lần lượt ở các mức 0,1% và 5%. Như vậy, khi tỷ lệ chi tiêu cho thuốc lá trên tổng chi tiêu của hộ nghèo giảm xuống 1%, thì phúc lợi đa chiều bình quân đầu người của hộ gia đình sẽ có khuynh hướng tăng lên 3,15 điểm, tương đương với 22,5%, và tỷ lệ chi tiêu cho thuốc lá trên tổng chi tiêu của hộ giàu giảm xuống 1%, thì phúc lợi đa chiều bình quân đầu người của hộ gia đình sẽ có khuynh hướng tăng lên 0,78 điểm, tương đương với 3,4%. Điều này hàm ý rằng, việc tăng giá thuốc lá, cắt giảm chi tiêu cho thuốc lá có khả năng giúp cải thiện chỉ số phúc lợi đa chiều bình quân đầu người của nhóm hộ nghèo tốt hơn so với nhóm hộ giàu.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, hiện này do giá thuốc lá trên thị trường Việt Nam còn quá thấp so với thu nhập khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thuốc lá. Nhà nước vẫn đang theo đuổi đồng thời hai mục tiêu: bảo vệ người tiêu dùng (ban hành Luật phòng chống tác hại thuốc lá, các nghị định xử phạt…), vừa cố gắng bảo vệ các công ty thuốc lá (thuế nhập khẩu cao, hạn ngạch nhập khẩu, quy định công ty được nhập khẩu, đánh thuế trên giá xuất xưởng…).
Để khắc phục tình trạng này, nhóm nghiên cứu VESS khuyến nghị, Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên của mình là bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo và các nhóm yếu thế. Như vậy, có thể làm giảm chi tiêu cho thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá với mức thuế đủ cao, dùng giá bán thuốc lá để làm căn cứ tính thuế thay vì giá xuất xưởng, có lộ trình tăng thuế thuốc lá nhanh, đẩy mạnh việc làm cho gánh nặng thuế thuốc lá tại Việt Nam tiệm cận với mức trung bình của thế giới (56%) và mức do WHO khuyến nghị (70%).
Bên cạnh đó, cần có biện pháp nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt là những người có thu nhập thấp về các tác hại của tiêu dùng thuốc lá tới việc giảm phúc lợi hộ gia đình – chỉ báo về sức khỏe và hạnh phúc của con người. Khi nhận thức được ảnh hưởng bất lợi của tiêu dùng thuốc lá tới phúc lợi của hộ gia đình mình, người tiêu dùng thuốc lá sẽ dễ chấp nhận hơn, qua đó giảm hành vi tiêu dùng thuốc lá. Về phía cơ quan quản lý, trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế, cần thực hiện nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách và hướng tới theo kịp với chuẩn mực quốc tế. Đối với ngành công nghiệp thuốc lá, cần nêu rõ ràng quan điểm bảo vệ phúc lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thu nhập thấp để không đồng nhất với những lập luận về tính lũy thoái của thuế thuốc lá./.