Tập trung khai thác, chế biến, sử dụng đất hiếm…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn trả lời nhiều nội dung “nóng”, mà đại biểu Quốc hội quan tâm, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, diễn ra sáng nay (ngày 6/11).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời nhiều nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Xuân liên quan đến đất hiếm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là khoáng sản quan trọng, cần tập trung kêu gọi đầu tư đối với các nước có công nghệ cao như Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách chế biến sâu để phải phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có của Việt Nam. Đồng thời, tập trung vào nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực này để khai thác, chế biến và sử dụng, cũng như đào tạo nguồn nhân lực.
Theo Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn đến năm 2030, đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm tại các mỏ đã cấp phép khai thác như: Đông Pao-Lai Châu, Yên Phú-Yên Bái. Dự kiến đầu tư mới dự án khai thác mỏ tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, với tổng sản lượng khai thác đạt hơn 2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm…
2 chính sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp
Trả lời về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã ban hành 2 chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, gồm: Nghị quyết số 58/NQ-CP, ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương
“Đây là 2 chính sách rất quan trọng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng phát triển kinh tế chung…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đã hoàn thành thẩm định, trình thẩm định và đã phê duyệt tổng số 106/111 quy hoạch
Về câu hỏi của đại biểu liên quan đến công tác quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Quốc hội Nghị quyết số 61/2022/QH15, ngày 16/6/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, các vướng mắc cơ bản được tháo gỡ. Đến nay, tiến độ đang được triển khai khẩn trương và nhanh.
Tiến độ hoàn thành các quy hoạch, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đang được triển khai khẩn trương |
Bộ trưởng cho biết thêm, hiện đã có 111 quy hoạch tất cả trong hệ thống quy hoạch quốc gia, từ quốc gia đến cấp tỉnh. Đã hoàn thành việc thẩm định, trình thẩm định và đã phê duyệt tổng số 106/111 quy hoạch. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan liên quan.
Còn hai vấn đề, đó là đang tồn đọng các dự án chúng ta đã thẩm định xong nhưng lại phải mất thời gian để hoàn thiện, phải tiếp thu ý kiến của Hội đồng và hoàn thiện lại hồ sơ, trình Thủ tướng, vì vậy mất rất nhiều thời gian. Thứ hai là quy hoạch về thăm dò và khai thác khoáng sản phóng xạ, Bộ Công Thương đang đề nghị xin không lập vì không có cơ sở dữ liệu về vấn đề này.
Bộ trưởng cũng cho biết, còn 4 quy hoạch của địa phương, trong đó có 2 quy hoạch rất khó là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là hai cực tăng trưởng, có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức nghe riêng trước khi Hội đồng thẩm định họp.
Còn quy hoạch tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, đang tiến hành đôn đốc và cơ bản hoàn thành trong năm 2023.
Dự án ODA vẫn chậm vì nhiều nguyên nhân
Về vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, có thể từ khâu lựa chọn dự án, do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí. Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công |
Về dự án ODA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiến độ thực hiện các dự án này đang chậm so với yêu cầu. Ngoài những nguyên giống đầu tư công nói chung, các dự án ODA phải thực hiện theo rất nhiều quy định khác nhau.
Theo đó, quy trình, thủ tục phức tạp hơn khi phải thực hiện theo các quy định trong nước về đầu tư công, các quy định của nhà tài trợ nước ngoài, cũng như các quy trình thủ tục đàm phán các hiệp định vay, thoả thuận vay… Các dự án sau khi hoàn tất thủ tục mà có sự điều chỉnh, thì phải thực hiện lại quy trình cả trong nước và điều chỉnh các hiệp định. Do đó, các dự án này mất nhiều thời gian và tiến độ.
Bộ trưởng cho rằng, cần nghiên cứu một cách căn cơ hơn nữa để hài hòa thủ tục trong nước và nước ngoài để đảm bảo chặt chẽ và rút ngắn được thời gian./.