Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Quyết liệt triệt tiêu tận gốc nạn buôn bán phân bón giả, kém chất lượng
Quyết liệt triệt tiêu tận gốc nạn buôn bán phân bón giả, kém chất lượng
Phân bón giả, kém chất lượng vẫn ‘hoành hành’
Hằng năm, ước tính cả nước sử dụng hơn 11 triệu tấn phân bón. Do lợi nhuận mang lại quá lớn, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu các loại phân bón hữu cơ vo viên, SA về rồi đóng bao ghi nhãn mác nhập nhèm giống như phân vô cơ như DAP, NPK, URE… bán với giá ngang bằng hoặc thấp hơn phân DAP và NPK chính hiệu, làm tăng chi phí cho người nông dân, trong khi tác dụng của các loại phân bón nhập nhèm không như mong đợi.
Thực tế phân bón giả, phân bón kém chất lượng là vấn nạn lớn trong sản xuất nông nghiệp khiến nhà nông rất bức xúc. Người nông dân rất khó phân biệt được “thật, giả”, có người chỉ biết dựa vào kinh nghiệm bản thân là chính, có người lại phó thác vào uy tín của đại lý làm ăn lâu năm với mình.
Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đứng trước lợi nhuận lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xuất hiện tràn lan, cùng với hàng trăm đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả đã ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của người nông dân.
Vấn nạn buôn bán phân bón giả vẫn không ngừng tăng, cần có chế tài xử lý tận gốc. Ảnh minh họa
Ngày 21/7/2023 Đoàn kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo 389 tỉnh Phú Yên kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phi Hùng (Công ty), địa chỉ Khu Phố 4, Phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa. Địa chỉ sản xuất: Cụm công nghiệp Gò Dông, phường Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa, Phú Yên. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra lấy một mẫu Phân bón trung lượng, PH-Canxi Slic lân 11-12+4, ngày sản xuất 12/4/2023, hạn sử dụng: 24 tháng kể từ ngày sản xuất do Công ty sản xuất để phân tích một số chỉ tiêu chất lượng. Kết quả thử nghiệm, mẫu phân bón này có hàm lượng chất chính không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT.
Tiếp đến, ngày 21/8/2023, Đội QLTT số 2 – Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp kiểm tra hộ kinh doanh phân bón U.Q do ông Nguyễn Quang Toàn là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ: Ấp Thị, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp phát hiện hộ kinh doanh phân bón trên đang kinh doanh 14 bao phân bón (50 kg/bao) nhãn hiệu phân bón NP cao cấp sản phẩm của Công ty TNHH VITRACO GREEN NATURE, địa chỉ: 121/31 Khiếu Năng Tĩnh, phường An Lạc A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh có Nhà máy sản xuất: Lô D9C1, đường dọc 3, KCN Phú An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Doanh nghiệp này đã có hành vi vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa như không ghi đủ, ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa và nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, đồng thời trên nhãn hàng hóa cũng có các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó. Trị giá tang vật trên 10 triệu đồng.
Sáng 15/9, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Trà Vinh cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Kiều Xuân Cường (SN 1981, trú TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), Giám đốc Công ty Cổ phần hóa chất và phân bón Phúc Mỹ về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón. Theo điều tra ban đầu, Công ty cổ phần hóa chất và phân bón Phúc Mỹ có trụ sở tại xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, Trà Vinh và giấy phép sản xuất phân bón vô cơ của Công ty hết hạn từ ngày 20/9/2022. Tuy nhiên, Cường vẫn chỉ đạo nhân viên thuê công nhân đến Công ty, sử dụng các loại nguyên liệu do Cường mua rồi pha trộn phân bón theo tỉ lệ do Cường lập sẵn, tạo ra các loại phân bón urea, DAP, NPK, kali miểng 61%…
Thiếu nhân lực kiểm soát thị trường phân bón địa phương
Hiện nay, trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thông qua quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 quốc gia và địa phương cũng như quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng, lực lượng Quản lý thị trường đã và đang tích cực phối hợp các ngành chức năng liên quan tại địa phương như ngành Nông nghiệp và PTNT, Công an,…) trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hằng năm, Tổng cục Quản lý thị trường đều đưa mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục hàng hóa trọng điểm trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Về cơ bản, công tác phối hợp đạt kết quả tích cực, nhiều vụ việc hàng giả, kém chất lượng, gian lận đã được phát hiện, xử lý nghiêm, lực lượng Quản lý thị trường đã chuyển nhiều hồ sơ để xử lý hình sự. Tuy nhiên, công tác phối hợp tại một số địa phương còn hạn chế do một số lý do khách quan như thiếu nhân lực, kinh phí,…
Theo các chuyên gia, phân bón có chất lượng không đúng quy chuẩn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và môi trường sống. Hệ lụy có thể ảnh hưởng đến cả môi trường đất, nguồn nước và không khí. Mặt khác, người sử dụng phân bón chủ yếu là bà con nông dân, không phải ai cũng đủ hiểu biết để phân biệt thật – giả dẫn đến thiệt hại số tiền lớn đầu tư phân bón nhưng mua phải loại giả, kém chất lượng, gây hại mùa màng, cây trồng.
Trong khi đó người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất đầy đủ. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, vừa gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, người nông dân vừa thua lỗ nặng. Với những hộ trồng cây ăn trái, thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.
Lý giải một phần nguyên nhân dẫn đến việc khó khăn trong công tác xử lý, truy quét nạn phân bón giả, kém chất lượng, các cán bộ quản lý thị trường nhận định, hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư. Sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định rồi xóa luôn dấu vết xưởng sản xuất đó.
Cần xử lý tận gốc hành vi vi phạm về kinh doanh phân bón giả
Để giải quyết tình trạng phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân và ngành nông nghiệp, thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được ký và có hiệu lực thi hành. Theo nội dung quy chế, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ hai bên trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian tới, giá phân bón có xu hướng tiếp tục giữ ở mức cao, do đó các ban, ngành hữu quan cần có giải pháp xử lý hiệu quả, triệt tiêu tận gốc hành vi vi phạm. Cần có chính sách điều tiết giá phân bón, hỗ trợ người nông dân. Người dân cũng nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khuyến cáo người dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ; ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ. Điều này sẽ giúp giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiến tới sản xuất xanh và sạch hơn.
An Dương (T/h)
Nguồn: https://vietq.vn/quyet-liet-triet-tieu-tan-goc-nan-buon-ban-phan-bon-gia-kem-chat-luong-d214406.html |