An toàn sản phẩm, nâng cao hiệu quả xuất khẩu cá tra

An toàn sản phẩm, nâng cao hiệu quả xuất khẩu cá tra

Giá cá tra xuất khẩu đang rơi vào thời kỳ thấp điểm. Người nuôi cá tra không thu được lợi nhuận, thậm chí thua lỗ khi thu hoạch. Do đó, lượng ca tra thả nuôi đang giảm để cân đối cung – cầu, điều tiết sản xuất nhằm vượt qua những khó khăn…

Cá tra giống được tập trung nuôi dưỡng an toàn, sạch bệnh tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Giá cả còn bấp bênh

Tại vùng ÐBSCL, đến thời điểm này nhiều địa phương nuôi cá tra giảm diện tích thả giống. Nguyên nhân do từ đầu năm 2023 đến nay, cá tra có nhiều đợt dao động tăng – giảm giá, đồng thời cá tra thương phẩm không cầm giữ được giá cao trên 30.000 đồng/kg như trước. Với ngưỡng giá này thì ngành hàng nuôi cá tra thương phẩm mới có được lợi nhuận và tạo sự yên tâm cho người nuôi duy trì đàn cá trong ao, đủ sức đối phó với chi phí con giống, giá thức ăn thủy sản trên đà tăng lên. Tuy nhiên, những tháng gần đây các nhà máy thu mua cá tra thương phẩm dao động từ 25.500-26.000 đồng/kg (thấp hơn cùng kỳ, cuối tháng 8-2022 là 2.000 đồng/kg), dưới mức giá thành của người nuôi cá tra, dẫn đến người nuôi không thu được lợi nhuận, thậm chí lỗ từ 1.000-2.000 đồng/kg.

Ở TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm là 608ha, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 87% so với kế hoạch năm. Ðến cuối tháng 8-2023, diện tích thu hoạch cá tra là 372ha, với sản lượng nuôi trồng đạt 118.460 tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2022, đạt 68% so với kế hoạch năm. Ước đến cuối năm, diện tích và sản lượng cá tra lần lượt thu hoạch là 643ha và đạt 174.710 tấn, đạt 100% so với kế hoạch năm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, giá bán cá tra thương phẩm từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 4-2023 cao hơn giá thành, người nuôi có lợi nhuận. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay giá cá tra liên tục giảm nên người nuôi thua lỗ.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Trên địa bàn thành phố hiện có 207 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm với tổng diện tích 418ha. Trong đó có 27 cơ sở nuôi cá tra với diện tích 117,9ha, cung cấp 34.000 tấn cá nguyên liệu chế biến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Hiện có 44 cơ sở ương dưỡng và 6 cơ sở vừa sản xuất, vừa ương dưỡng cá tra giống; trong đó có 2/44 cơ sở ương dưỡng và 6 cơ sở vừa sản xuất, vừa ương dưỡng cá tra đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất với diện tích trên 30ha. Công tác kiểm dịch con giống thủy sản vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh được thực hiện đầy đủ, nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình nuôi…”.

Ðến nay, tại TP Cần Thơ, công tác quản lý vùng nuôi đã thực hiện cấp mã số nhận diện cho 207/207 cơ sở nuôi cá tra với diện tích 418ha. Bên cạnh đó đã thẩm định, chứng nhận và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 68/207 (4 loại A, 64 loại B) cơ sở nuôi cá tra theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT; có 139 cơ sở nuôi cá tra đã thực hiện ký cam kết đảm bảo sản xuất an toàn thực phẩm theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT… Ngoài ra, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ hướng dẫn ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho 14 phương tiện vận chuyển độc lập cá da trơn trên địa bàn thành phố theo quy định; định kỳ hằng năm tổ chức việc tuân thủ các nội dung đã cam kết của các phương tiện vận chuyển độc lập này…

Ðảm bảo an toàn thực phẩm

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hằng năm ngành Nông nghiệp thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi thủy sản, trong đó đặc biệt là các cơ sở nuôi cá tra. Từ đầu năm 2023 đến nay đã thanh tra tổng số 12 cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn thành phố. Kết quả các cơ sở trên đều chấp hành tốt các quy định trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Theo báo cáo, ngành Nông nghiệp cũng đã thực hiện thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của 42 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản và thuốc thú y, kết quả thanh tra đạt theo yêu cầu đề ra. Tổ chức lấy mẫu nước, kiểm tra dư lượng một số kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng nuôi cá tra tập trung với tần suất 3 lần/năm; tổ chức giám sát chỉ tiêu chất lượng nước trong quá trình nuôi theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-20:2014/BNNPTNT của Bộ NN&PTNT…

Cụ thể, trong công tác triển khai giám sát dư lượng các chất độc hại theo Thông tư số 31/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, giai đoạn từ tháng 5/2021-7/2023, ngành Nông nghiệp thành phố đã thu tổng số 280 mẫu (cá tra giống, cá tra nhỏ, cá tra thương phẩm, cá trê nhỏ, cá trê thương phẩm, cá nheo mỹ nhỏ, cá nheo mỹ thương phẩm) để giám sát các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh theo kế hoạch. Kết quả trong giai đoạn này có 5/280 mẫu cá tra phát hiện không đạt yêu cầu, tỷ lệ 1,78%. Ðối với các mẫu phát hiện vi phạm được điều tra nguyên nhân, đình chỉ thu hoạch và yêu cầu nuôi lưu cho đến khi có kết quả lấy mẫu đạt yêu cầu theo quy định. Công tác này tiếp tục được ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ thực hiện thời gian tới…

Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thúc đẩy sản xuất, chế biến gắn với xúc tiến tiêu thụ cá tra, thời gian tới, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tăng cường công tác quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, thức ăn, vùng nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận chuyển độc lập trên địa bàn TP Cần Thơ theo quy định. Triển khai chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại theo Thông tư số 31/2015/TT-BNNPTNT đến tất cả các cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác để tạo thành các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Phổ biến, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tham gia liên kết theo Nghị định số 98/2018/NÐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành cá, tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường. Triển khai một cách có hiệu quả Quyết định số 858/QÐ-TTg ngày 20-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Qua đó phổ biến, vận động hỗ trợ các cơ sở nuôi ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống, nuôi thịt và sản xuất thức ăn; xây dựng vùng nguyên liệu cá tra đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích áp dụng GlobalGAP, ASC… nhằm đảm bảo các quy định nuôi ở tất cả thị trường nhập khẩu.

Ông Phạm Trường Yên nhấn mạnh: “Thời gian tới, để ngành hàng cá tra phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế cần phải thông qua việc củng cố kênh thương mại điện tử, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam. Tập trung phát triển các thị trường có sẵn, nhất là ở 4 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, với thị phần chiếm từ 50-60%. Ðặc biệt, xúc tiến sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường trong nước cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn và quan trọng, các đơn vị chức năng cần tổ chức lễ hội cá tra, có chương trình diễu hành trưng bày sản phẩm, ẩm thực, tham quan vùng nuôi… được triển khai rộng rãi ở ÐBSCL cho các doanh nghiệp trong chuỗi, hộ nuôi tham gia, tiếp thị cho khu vực nuôi và phát triển ngành hàng ra thị trường mới…”.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/an-toan-san-pham-nang-cao-hieu-qua-xuat-khau-ca-tra-a164481.html