Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Bánh trung thu không nhãn mác, không nhãn phụ tiếng Việt bày bán tràn lan tại các chợ ở TP.HCM
Bánh trung thu không nhãn mác, không nhãn phụ tiếng Việt bày bán tràn lan tại các chợ ở TP.HCM
Bánh trung thu ‘nhiều không’ bày bán kèm với hàng rau
Ghi nhận tại khu vực gần chợ Thiếc (quận 11) một hàng bán rau củ bày thêm rổ bánh trung thu nhìn khá bắt mắt. Người bán giới thiệu bánh rất ngon, chất lượng tốt, giá cả phải chăng.
Theo lời mời chào của người bán hàng thì bánh có nhân thập cẩm 2 trứng giá 55.000 đồng/cái, một trứng giá 50.000 đồng; các loại bánh chay chỉ từ 30.000 đồng/cái… Bánh ngon nên khách mua rất nhiều.
Nhưng theo quan sát, chiếc bánh trung thu chỉ được bọc sơ sài lớp giấy bóng được dán keo chứ không được đóng gói chắc chắn. Bao bì ngoài chữ “bánh trung thu”, một số thành phần nguyên liệu được liệt kê như bột mì, đường cát, trứng, đậu xanh… thì không có tên thương hiệu, cơ sở, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Người bán hàng nói rằng, bánh do một người quen gửi, khách hàng thấy ngon, hợp túi tiền nên mua, không ai hỏi thêm gì.
Bánh trung thu không nhãn mác, không có nhãn phụ bày bán khắp nơi tại TP.HCM. Ảnh: Tiền Phong
Ngay góc gần chợ Hòa Bình (quận 5) cũng bày bán đủ loại bánh trung thu được giới thiệu hàng “nhà làm”, có giá chỉ khoảng 25.000 – 40.000 đồng/cái. Tuy nhiên, khi nói bánh không có thương hiệu, không thể làm quà biếu tặng thì bà bán trái cây khẳng định: “Do bánh tự làm nên chỉ có cơ sở sản xuất, nếu mua nguyên hộp (4 hoặc 6 bánh), em sẽ bỏ vào hộp sang trọng để chị làm quà tặng”. Đề cập đến thời hạn sử dụng, người bán khẳng định: “Thời hạn là… vô hạn. Cứ để tủ lạnh là không lo hư hỏng”.
Còn tại chợ Bình Tây (quận 5), đủ loại bánh trung thu được nói là nhập ngoại. Sạp Đ.T giới thiệu bánh trung thu Liuxinxu ngàn lớp trứng muối tan chảy có giá 50.000 đồng/hộp 6 cái, bánh lava trứng giòn chảy Bibizan và bánh trung thu Bibizan có giá 70.000 đồng/hộp 12 cái… Trên bao bì sản phẩm, ngoài dòng chữ nước ngoài đều không có nhãn phụ tiếng Việt.
Kiểm tra, thu giữ không xuể do đối tượng kinh doanh sử dụng nhiều hình thức
Ngay từ đầu mùa, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất bánh trung thu về nguyên liệu sản xuất bánh, sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm… để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các loại bánh trung thu nhà làm kiểu “3 không”, bánh nhập lậu giá rẻ không rõ nguồn gốc vẫn liên tục “đến hẹn lại tung hoành”.
Chỉ trong những ngày đầu tháng 9, lực lượng QLTT TPHCM liên tục phát hiện lượng lớn bánh trung thu không nhãn mác, xuất xứ. Ngày 6/9, Đội QLTT số 17 kiểm tra đột xuất điểm kinh doanh thực phẩm bánh kẹo trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), phát hiện 216 bánh trung thu hiệu Pamiriter (hộp 6 cái). Toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, trên sản phẩm có chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hồ sơ công bố an toàn thực phẩm theo quy định.
Trước đó, Đội QLTT số 12 và Công an phường 6, quận Gò Vấp kiểm tra Công ty TNHH H.B (Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp), phát hiện 200 bánh trung thu KK Lava Custard cũng chung tình trạng “3 không”, trị giá hơn 4,7 triệu đồng. Toàn bộ số hàng trên đang được tạm giữ để xử lý theo quy định.
Một cán bộ QLTT cho biết “kiểm tra, thu giữ không xuể” bởi lực lượng quản lý mỏng, trong khi đối tượng kinh doanh sử dụng nhiều hình thức bán hàng từ trực tiếp đến online, người mua ham rẻ.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, người tiêu dùng không nên dễ dãi, ham rẻ khi chọn mua bánh trung thu để tránh trường hợp “mua xong có chuyện thì không biết kêu ai”.
Liên quan đến bánh trung thu “nhà làm”, bà Lan nói: “Bánh nhà làm thì hãy để nhà ăn hoặc biếu tặng người thân quen ăn và chịu trách nhiệm với họ. Còn khi làm ra để bán cho nhiều người, số lượng lớn sẽ kèm theo nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Khi đó, sản phẩm buộc phải đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm, được cơ quan chức năng thẩm định, đáp ứng đủ điều kiện thì mới sản xuất, khi sản xuất phải công bố chất lượng sản phẩm, chứ không phải cứ nói “nhà làm” rồi bán tràn lan khắp nơi”.
Quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa
Ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2022. Với một số quy định mới cần chú ý liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường như sau:
Tại khoản 5, điều 1. sửa đổi, bổ sung (điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa: Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.
Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.
Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu, tăng đột biến. Một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cần triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…. Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật. |
An Dương (t/h)
Nguồn: https://vietq.vn/banh-trung-thu-khong-nhan-mac-khong-nhan-phu-bay-ban-tai-nhieu-cho-o-tphcm-d214010.html |