Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Tràn lan hàng hóa mập mờ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ: Đâu là giải pháp căn cơ?
Tràn lan hàng hóa mập mờ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ: Đâu là giải pháp căn cơ?
Hàng hóa không rõ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ bán trên thị trường
Nhãn mác là yếu tố tạo nên thương hiệu cho sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc, xuất xứ, thành phần của sản phẩm. Tuy nhiên với sự đa dạng, phong phú của thị trường, bên cạnh sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, có những sản phẩm giả, nhái, mập mờ hoặc không có nhãn mác.
Quần áo, giày dép hàng thời trang là một trong những mặt hàng thiết yếu có sức tiêu dùng cao so với mặt hàng khác. Vì vậy mà không chỉ tại trung tâm, cửa hàng lớn mà ngay tại các chợ, điểm bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP.Hà Nội, các mặt hàng quần áo được bày bán khá phong phú, đủ chủng loại. Tuy nhiên, tại các điểm bán hàng này theo thông tin trên sản phẩm, tem mác được in ấn khá cẩu thả, hầu như không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ. Bản thân người bán hàng cũng không biết được nguồn gốc sản phẩm mình đang bán từ đâu.
Không chỉ mặt hàng thời trang mà nhiều sản phẩm thực phẩm trên thị trường hiện nay cũng bán tràn lan nhưng mập mờ về nhãn hàng hóa. Theo phản ánh của người tiêu dùng, thời gian gần đây trên mạng xã hội rao bán tràn lan một số sản phẩm, thực phẩm chế biến sẵn như: Viên hà thủ ô mật ong rừng, cà gai leo mật nhân, viên nghệ sữa ong chúa, viên mầm đậu nành hồng sâm Mattcha, viên trinh nữ hoàng cung, viên tam thất, tinh bột nghệ mật ong… do một số cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Nam sản xuất có dấu hiệu không đảm bảo an toàn thực thẩm, nguồn gốc nguyên liệu sản xuất có dấu hiệu không rõ ràng, nhãn sản phẩm chỉ có tên và hạn sử dụng còn lại không có thông tin nào về đơn vị sản xuất, thành phần cấu tạo nên sản phẩm.
Đặc biệt, nếu khách hàng muốn in thành phần của sản phẩm ra sao thì tự đặt tem nhãn rồi dán cho sản phẩm (cơ sở sản xuất chỉ cung cấp vỏ hộp và ruột sản phẩm).
Nhiều sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, tem nhãn được sản xuất tại Hà Nam. (Ảnh: TH&CL)
Đối với địa bàn Hải Phòng, lợi dụng thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, các đối tượng vận chuyển tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… hoạt động gia tăng.
Thực tế việc buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi từ khâu sản xuất đến phân phối. Điều này gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm tra thị trường.
Ngoài những gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất kinh doanh như không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hàng hoá đóng gói sẵn không đảm bảo định lượng ghi trên bao bì, cân đong… còn có các hành vi không thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Theo lực lượng QLTT, đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, hệ lụy tiêu cực mà hàng giả, hàng không nhãn mác, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa. Làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Hàng giả còn tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế – xã hội, gây hậu quả phức tạp, nặng nề về mặt đạo đức và xã hội.
Để góp phần phối hợp cùng cơ quan nhà nước thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng nên mua hàng tại những địa chỉ quen, tin cậy, có đăng ký kinh doanh hợp pháp, có đủ điều kiện kinh doanh. Trước khi mua hàng, cần tìm hiểu thật kỹ các dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả của sản phẩm. Khi mua hàng, cần đọc kỹ thông tin ghi trên nhãn hàng hóa. Nhận đầy đủ các chứng từ có liên quan đến việc mua sản phẩm như hóa đơn, phiếu bảo hành. Nếu phát hiện trường hợp bất thường, có thể liên hệ với nhà sản xuất, Hội Bảo vệ người tiêu dùng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Về phía doanh nghiệp cần có ý thức bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình. Cung cấp thông tin về mặt hàng do công ty sản xuất, các dấu hiệu nhận biết sản phẩm. Phối hợp lực lượng chức năng, cộng đồng xã hội bảo vệ thương hiệu của mình. Về phía cơ sở bán lẻ nên lựa chọn những cơ sở sản xuất, cung cấp hàng hóa có uy tín, quen biết và có đăng ký kinh doanh hợp pháp để nhập hàng. Xem xét kỹ các nội dung liên quan đến chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa… Làm rõ trách nhiệm với cơ sở sản xuất cung cấp hàng hóa về tính pháp lý của hàng hóa trước khi nhập hàng để bán cho người tiêu dùng.
Quy định bắt buộc về ghi nhãn hàng hóa
Theo quy định bắt buộc về ghi nhãn hàng hóa, ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022:
Đối với các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung bằng tiếng Việt như: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa theo quy định.
Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định.
Đối với hàng hóa nhập khẩu nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa (nếu không xác định được thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa); tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
Trường hợp trên nhãn gốc chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa. Sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước/vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa, thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước/vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Không được viết tắt tên nước/vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
An Dương (T/h)
Nguồn: https://vietq.vn/ha-nam-canh-giac-san-pham-vien-nghe-sua-ong-chua-ha-thu-o-map-mo-ve-nguon-goc-nhan-san-pham-d213918.html |