Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Cảnh giác chất lượng bánh trung thu ‘hand made’ ngập chợ mạng giá chỉ từ 8.000 đồng/chiếc
Cảnh giác chất lượng bánh trung thu ‘hand made’ ngập chợ mạng giá chỉ từ 8.000 đồng/chiếc
Bánh trung thu “hand made” giá rẻ ngập tràn chợ mạng
Dù còn hơn một tháng nữa mới tới Tết Trung thu nhưng thị trường bánh năm nay đã khá nhộn nhịp. Trong khi quầy hàng thuộc các thương hiệu bánh lớn khá ảm đạm, trạng thái vừa bán vừa chờ khách hàng thì các chủ tiệm bánh “hand made” tại gia tại Hà Nội lại khá đắt khách, làm xuyên đêm để trả đơn cho khách mua online.
Hầu hết tuyến phố, kể cả khu trung tâm như Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), Phan Đình Phùng, Kim Mã (quận Ba Đình), Thụy Khuê, Võ Chí Công, Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), Trần Thái Tông, Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy),… đã dày đặc cửa hàng bánh Trung thu xuất hiện sớm với các thương hiệu quen thuộc như Kinh Đô, Hữu Nghị, Thu Hương… Theo khảo sát, năm nay, các loại bánh trung thu tăng giá khoảng 5-10% so với năm trước. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng nên doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất phải điều chỉnh giá bán.
Có một điều bất ngờ, trong khi quầy hàng bánh Trung thu mang thương hiệu lớn vẫn đang khá ế ẩm thì các chủ cửa hàng “hand made” tại gia lại khá đắt khách. Bánh trung thu được bán trên chợ mạng có nhiều mẫu mã, nhãn hiệu đến chủng loại, giá cả.
Bánh trung thu hand made bán tràn ngập chợ mạng với giá rẻ bất ngờ.
Chị Mai Tâm (Long Biên, TP.Hà Nội) cho hay đã bắt tay làm bánh Trung thu từ đầu tháng 7 âm lịch. Hiện, chị đã bán và chốt được gần 400 chiếc, giá trung bình tùy loại từ 50.000 – 70.000 đồng/kg.
Nickname N.K rao bán bánh trung thu “hand made” trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh với giá 8.500 đồng/chiếc. Trong bài viết của mình, N.K khẳng định đây là giá bán sỉ, bánh “hand made” nhưng được sản xuất tại xưởng đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bánh có nhiều loại nhân để người mua lựa chọn như nhân khoai môn, thập cẩm, đậu xanh 1 trứng…
Nickname H.H rao bán công khai set 6 bánh trung thu, loại có trọng lượng 50 gram, với giá 145.000 đồng/6 chiếc. H.H khẳng định, một hộp “mix” 6 vị nhân ngọt khác nhau, bao gồm nhân trà xanh, đậu xanh, khoai môn, sữa dừa, đậu đỏ, lá dứa, cốm…
Hầu hết các bài viết rao bán bánh trung thu “hand made” đều khẳng định bánh được tạo nên bởi các nghệ nhân, sản xuất tại cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và quan trọng hơn là không chứa chất bảo quản. Mặc dù vậy, người tiêu dùng không dễ dàng tin tưởng vào những chiếc bánh giá mềm với lời cam kết chắc nịch như trên mà vẫn giữ thói quen tiêu dùng truyền thống là mua đúng điểm, có nhãn mác, thương hiệu…
Chị Nguyễn Thị An (36 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mỗi mùa Trung thu, gia đình chị đều chuẩn bị những thức quà ý nghĩa cho gia đình, đặc biệt là các con với mong muốn các con cảm nhận được “vị ngọt” của tình thân, gia đình và Tết Trung thu. Bởi vậy, chị đều mua bánh trung thu có thương hiệu tại siêu thị hoặc hệ thống bán lẻ gần nhà. Chị An khẳng định bản thân từng nhiều lần đặt mua đồ trên mạng vì tin vào hình ảnh và cam kết của người bán nhưng sau khi nhận, hàng lại khác xa so với thực tế. Theo chị, những sản phẩm bánh trung thu “hand made” được rao bán với mức giá rẻ hoặc rất rẻ, người tiêu dùng thông thái hoàn toàn có thể đặt nghi ngờ về hạn sử dụng, chất lượng nguyên liệu đầu vào…
Do đó, chị An cho rằng, với thực phẩm cho gia đình, các bà nội trợ nên lựa mua khi được “mắt thấy, tay sờ” để tránh mua phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe.
Siết chặt quản lý chất lượng bánh trung thu
Mỗi mùa Tết Trung thu đến, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn trở thành tâm điểm. Do việc sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận cao nên vào dịp Tết Trung thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này.
Có cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất theo quy định, nhưng vẫn còn xuất hiện rất nhiều cơ sở không tuân thủ quy định, quy trình sản xuất bánh trung thu không đảm bảo, một số cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Nhằm ngăn chặn bánh trung thu nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn TP năm 2023. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu để sản xuất, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu.
Trong đó, chú trọng tập trung vào kiểm tra sản phẩm bánh trung thu và nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì…, khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh bánh trung thu… Kiểm tra hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá (bánh, văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em), phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.
Ngày 30/8, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cũng ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm phục vụ Tết Trung Thu và các bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn.
Từ ngày 15/8-9/10, các Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố sẽ tiến hành đợt cao điểm đánh giá thực trạng việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung Thu như bánh, mứt, kẹo, trà, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, các loại bánh Trung thu, các sản phẩm từ bột… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Liên quan tới bánh trung thu, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cũng khuyến cáo khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần phải chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản,… Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập; bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Người tiêu dùng cần sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu. Đặc biệt, rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh.
An Dương (T/h)
Nguồn: https://vietq.vn/banh-trung-thu-hand-made-ngap-cho-mang-voi-gia-chi-tu-8000-dongchiec-chat-luong-co-dam-bao-d213769.html |