Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Hải Phòng tiếp tục xử lý vụ gần 6.000 đôi giày giả mạo nhãn hiệu
Hải Phòng tiếp tục xử lý vụ gần 6.000 đôi giày giả mạo nhãn hiệu
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng) phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (Công an quận Hải An) tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn K (địa chỉ Số 385 đường Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An, TP. Hải Phòng), do ông Nguyễn Văn K làm chủ hộ kinh doanh.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 1.600 đôi giày, dép các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn “NIKE”, “CONVERSE”, “LOUIS VUTTON”, “ADIDAS”, “CROCS”, “PUMA”, “MLB”,..
Cơ sở bày bán giày giả mạo thương hiệu bị cơ quan chức năng kiểm tra
Ngày 23/3/2023, lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành khám kho chứa hàng của ông K (địa chỉ Khu Đồng Xá 2, phường Thành Tô, quận Hải An, TP. Hải Phòng). Quá trình khám kho chứa hàng (từ ngày 23/3 đến 25/3/2023), các lực lượng tiếp tục đã phát hiện và tạm giữ 4.340 đôi giày thể thao các loại giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam như: “NIKE”, “CONVERSE”, “BALENCIAGA”, “MLB”,..
Qua quá trình thẩm tra, xác minh vụ việc, lực lượng chức năng xác định toàn bộ số hàng hóa được tạm giữ trên đều là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trị giá lô hàng hơn 1,5 tỷ đồng.
Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội Quản lý thị trường số 7 đã chuyển giao hồ sơ vụ việc cùng toàn bộ tang vật vi phạm có liên quan sang Công an quận Hải An để tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý theo quy định.
Mới đây, Công an quận Hải An đã ra Quyết định khởi tố vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và Quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn K (đăng ký thường trú tại thôn Hùng Hương, xã Đông Hưng huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 226 – Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Liên quan tới giày dép giả, các chuyên gia cho biết, đối với giày dép giả mạo nhãn hiệu, giá rẻ thường sử dụng vật liệu phế thải được tái chế hoặc tận dụng lại nên có thể lẫn nhiều tạp chất bẩn và các hóa chất độc hại, cũng như các thành phần kim loại nặng. Hóa chất tạo màu cũng được sử dụng rất nhiều để tạo màu sắc bắt mắt, để tẩy trắng hoặc để làm tối màu vật liệu. Các hóa chất độc hại này không những bay mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến hô hấp mà còn có nguy cơ gây dị ứng, viêm da ở những người mẫn cảm.
Thực tế không ít người do sử dụng giày dép không có chất lượng tốt thường gây bí, hôi chân, thậm chí nhiều trường hợp kích ứng nặng phải vào viện điều trị đôi chân viêm da, mẩn đỏ, rát ngứa, thậm chí nổi mụn, chảy nước và sưng phồng lên. Nguyên nhân của những biểu hiện kích ứng da này là do vật liệu sản phẩm, từ các vật liệu giả da, các chất hóa dẻo, keo dán, nhựa tái chế, hay màu tổng hợp…
Đặc biệt, thành phần các chất hóa dẻo là những chất DOP (Dioctyl Phthalate), DEP (Diethyl phthalate), DBP (dibutyl Phthalate) đều là những hóa chất độc hại, tuy được dùng trong công nghiệp nhưng phải tuân theo giới hạn về hàm lượng cụ thể. Tuy nhiên, thực tế là việc kiểm soát giới hạn này ở các sản phẩm trôi nổi là gần như không thể.
Ngoài ra, ngay cả đối với những đôi giày bằng chất liệu da thật thì hàng kém chất lượng cũng tiềm ẩn nguy cơ tồn dư hóa chất, đặc biệt là crom VI – một hóa chất kim loại nặng rất độc hại. Trong quá trình chế tạo, nếu công nghệ xử lý không đảm bảo thì rất có thể một lượng crom VI sẽ còn tồn dư lại. Các loại bột crom được sử dụng trong những sản phẩm kém chất lượng không thể khẳng định chắc chắn là còn tồn dư crom VI hay không. Ngoài ra, crom VI còn được dùng trong chất màu pigment tạo màu nâu đỏ trong sơn màu cho da giày.
Bảo Linh
Nguồn: https://vietq.vn/hai-phong-thu-giu-gan-6000-doi-giay-gia-mao-nhan-hieu-d213214.html |