Giá cả thị trường, Thị trường và giá cả, Thông tin
Nhóm kim loại bật tăng, thị trường nông sản sụt giảm mạnh
Nhóm kim loại bật tăng, thị trường nông sản sụt giảm mạnh
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu cho thấy diễn biến giá trái chiều trong ngày hôm qua. Nhóm nông sản chịu sức ép bán mạnh, trong khi đó, toàn bộ các mặt hàng kim loại đón nhận lực mua tích cực đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,26% lên 2.220 điểm, đánh dấu ngày tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 4%, đạt gần 3.800 tỷ đồng.
USD giảm mạnh, giá kim loại bật tăng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/07, sắc xanh chiếm trọn bảng giá các mặt hàng kim loại. Trên thị trường kim loại quý, giá bạc tăng 4,42% lên 24,31 USD/ounce, đánh dấu phiên tăng giá mạnh nhất kể từ ngày 4/4. Giá bạch kim chốt phiên tại 956,6 USD/ounce, tăng 2,6%, mức tăng mạnh nhất trong vòng hơn 1 tháng.
Theo MXV, số liệu lạm phát của Mỹ được công bố tối qua đã tạo tác động rất mạnh lên giá kim loại. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ đã tăng chậm lại, ở mức 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong hơn hai năm, giảm mạnh từ mức 4% của tháng 5 và nhìn chung phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ.
CPI lõi, không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng của thị trường về mức tăng 5% và là mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong hơn hai năm. Trên cơ sở hàng tháng, CPI lõi tăng 0,2% trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021 và thấp hơn 0,1% so với dự báo của các chuyên gia.
Dữ liệu lạm phát là yếu tố chính tác động tới quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Do đó, dấu hiệu lạm phát tại Mỹ dần hạ nhiệt đã làm tăng kỳ vọng về một chính sách mềm mỏng hơn của Fed. Điều này đã khiến cho đồng USD giảm 1,19% xuống 100,52 điểm, mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Hơn nữa, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm 11 điểm cơ bản xuống 3,86%.
Đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu giảm làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ cũng như giao dịch kim loại quý, từ đó hỗ trợ lực mua các mặt hàng tăng mạnh trong phiên hôm qua.
Cùng chung xu hướng với kim loại quý, nhóm kim loại cơ bản đồng loạt kết phiên trong sắc xanh. Giá hai mặt hàng chủ chốt là đồng COMEX và quặng sắt tăng lần lượt 2,31% và 3%, chốt phiên tại mức 3,85 USD/pound và 108,93 USD/tấn. Đồng COMEX đã có phiên tăng giá mạnh nhất trong vòng 1 tháng rưỡi trở lại đây.
Đồng và quặng sắt đều trải qua phiên giao dịch khởi sắc khi phe mua chiếm ưu thế ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch, do được hỗ trợ bởi kỳ vọng tích cực hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Bloomberg đưa tin, các khoản vay mới của Trung Quốc đã tăng tốc trong tháng 6 sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất vào giữa tháng nhằm thúc đẩy nhu cầu tín dụng. Cụ thể, các tổ chức tài chính đã cung cấp khoản vay mới trị giá 427 tỷ USD trong tháng 6, cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế là 322 tỷ USD và mức 392 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.
MXV cho biết, nhu cầu tín dụng tăng cao phần nào cho thấy niềm tin kinh doanh của người dân và doanh nghiệp Trung Quốc dần phục hồi và hỗ trợ lực mua đồng và quặng sắt. Đà tăng càng được thúc đẩy vào phiên tối nhờ sự suy yếu mạnh của đồng USD, đồng tiền chủ chốt trong hoạt động thương mại quốc tế, giúp giá cả hai mặt hàng đóng cửa tăng mạnh.
Nguồn cung nới lỏng, thị trường nông sản sụt giảm mạnh
Trái ngược với diễn biến trên thị trường kim loại, nhóm nông sản đồng loạt chịu sức ép bán mạnh, nguyên nhân chủ yếu đến từ số liệu trong báo cáo Cung cầu tháng 07, được Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào tối qua (12/07).
Lúa là mặt hàng sụt giảm mạnh nhất nhóm nông sản với mức giảm hơn 4,2%, xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Thời tiết thuận lợi trong những tuần gần đây của Mỹ đã khiến USDA nâng dự báo năng suất lúa mì năm nay của nước này lên 46,1 giạ/mẫu, từ mức 44,9 giạ/mẫu ước tính tháng trước. Đây là lý do khiến sản lượng lúa mì niên vụ 23/24 của Mỹ trong báo cáo WASDE tháng 07 lên tới 1,7 tỷ giạ, vượt khỏi khoảng dự đoán của thị trường. Với việc sản lượng cao hơn đáng kể so với kỳ vọng, trong khi xuất khẩu không thay đổi và tiêu thụ tăng khiêm tốn 20 triệu giạ, tồn kho cuối niên vụ 23/24 của Mỹ được USDA dự báo ở mức 592 triệu giạ, tăng 30 triệu giạ so với ước tính tháng 06. Loạt số liệu trên đã gây sức ép mạnh đẩy giá lúa mì giảm sâu.
Đối với mặt hàng ngô, năng suất toàn cầu vẫn tương đối ổn định đã tạo áp lực lên giá ngô đẩy mặt hàng này xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Trong báo cáo tối qua, USDA đã thực hiện cắt giảm năng suất niên vụ 2023/24 của Mỹ xuống chỉ còn 177,5 giạ/mẫu, thấp hơn 4 giạ so với tháng trước trong bối cảnh thời tiết khô hạn trong tháng 06 tại khu vực sản xuất chính Midwest đã ảnh hưởng mạnh đến cây trồng. Mặc dù bị cắt giảm, tuy nhiên mức sản lượng này vẫn đang khá lạc quan khi cao hơn so với dự đoán trung bình của các chuyên gia. Kết hợp với việc diện tích gieo trồng được ước tính tăng theo báo cáo được công bố vào cuối tháng trước, sản lượng ngô Mỹ được dự báo sẽ tăng 55 triệu giạ, trái với kỳ vọng bị cắt giảm của thị trường. Mức tăng từ sản lượng đã bù đắp việc tồn kho đầu niên vụ 2023/24 giảm 50 triệu giạ so với tháng trước, khiến tồn kho cuối niên vụ chỉ tăng nhẹ 5 triệu giạ.
Đối với thị trường thế giới, USDA cũng đã nâng dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2023/24 lên mức 1,2 tỷ tấn do diện tích gieo trồng cao hơn tại Canada và Ukraine bù đắp cho sự sụt giảm tại EU. Điều này khiến tồn kho niên vụ 2023/24 của thế giới cũng được điều chỉnh tăng lên mức 314,12 triệu tấn.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: http://thongtincongthuong.vn/nhom-kim-loai-bat-tang-thi-truong-nong-san-sut-giam-manh/ |