Doanh nghiệp kêu khó
Thời gian qua, công an Bình Dương đồng loạt ra quân rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở, doanh nghiệp không bảo đảm các quy định về phòng cháy chữa cháy. Sau khi lập biên bản, các cơ sở bắt buộc phải khắc phục, điều chỉnh theo đúng quy định mới được thẩm duyệt, cấp phép hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 136 của Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy quá cao khiến nhiều cơ sở, doanh nghiệp khó lòng đáp ứng, buộc phải “nghỉ ngơi” suốt nhiều tháng liền, hoặc hoạt động lén lút để trả đơn hàng cho khách.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Bình Dương than thở, “giặc lửa” chưa thấy nhưng doanh nghiệp đang “lửa đốt trong lòng” do vướng quy định phòng cháy chữa cháy.
Bà Trang dẫn chứng, công trình cũ nhưng việc thẩm duyệt theo quy định mới của Luật phòng cháy chữa cháy, buộc doanh nghiệp phải bổ sung nhiều hạng mục. Thế nhưng, việc cải tạo đòi hỏi cao, lại không có đất xây bể chứa nước theo quy định, do vậy theo bà Trang, cần có lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị: “Chúng tôi nghĩ, nếu như một số quy định của luật vì sự an toàn của doanh nghiệp, của con người thì từ chuyển tiếp này sang chuyển kia chúng ta nên có một lộ trình cho doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư để đáp ứng. Như vậy sẽ hài hòa giữa cái cũ, cái mới để doanh nghiệp có bước đệm chuẩn bị, như vậy giúp đỡ được doanh nghiệp và cũng đáp ứng được các quy định mới”.
Một số doanh nghiệp “khóc ròng” vì quy định toàn bộ kết cấu khung dầm của nhà xưởng phải được sơn bằng sơn chống cháy. Thế nhưng, họ lại không rõ đó là loại sơn gì, chỉ số đảm bảo cần bao nhiêu. Trong khi hiện nay, trên thị trường có hàng trăm hãng sơn nhưng loại sơn nào đạt tiêu chuẩn để sơn lên khung dầm nhà xưởng, đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy thì chưa có quy định rõ ràng. Bà Trương Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát, ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đề nghị: “Đề nghị bỏ sơn chống cháy để nghiệm thu cho các doanh nghiệp để có thể đưa kho bãi mình vào hoạt động. Bộ Công an sửa đổi quy định phòng cháy chữa cháy cho phù hợp với thực tiễn. Việt Nam là nước đang phát triển đâu phải là đã phát triển mà theo tiêu chuẩn của những nước đã phát triển thì không phù hợp với thực tiễn. Do đó, các doanh nghiệp không “hấp thụ” được các quy định về phòng cháy chữa cháy nên không thể hoạt động”)
Không chỉ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp khó do vướng quy định phòng cháy chữa cháy mà các cơ sở kinh doanh karaoke cũng đang “chết đứng” khi việc thẩm duyệt, cấp phép quá gian truân. Chủ cơ sở kinh doanh cho rằng, luật ban hành cần tính toán đến tính khả thi khi đi vào đời sống.
Lập nhiều tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp
Trong năm 2022 và quý I/2023, Công an tỉnh Bình Dương đã kiểm tra định kỳ, đột xuất gần 63.000 cơ sở kinh doanh, sản xuất. Công an các địa phương phát hiện và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ 3.500 trường hợp với số tiền 75,9 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm đình chỉ 661 trường hợp và đình chỉ hoạt động 397 trường hợp, cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. UBND tỉnh Bình Dương đã khôi phục hoạt động cho 24 cơ sở.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy-Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bình Dương, thời gian qua việc tiếp cận các quy định của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế trên lĩnh vực phòng cháy chữa cháy còn nhiều hạn chế, dẫn đến bất cập trong khâu thẩm duyệt, thiết kế, đầu tư, thi công, nghiệm thu công trình. Việc một số chủ đầu tư cố tình xây dựng không đúng giấy phép cũng khiến cho công tác thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy gặp khó khăn. Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng phòng cháy chữa cháy-Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bình Dương nói: “Người ta xây dựng theo thiết kế nhà ở, nhưng để đảm bảo được yêu cầu phòng cháy chữa cháy thì liên quan đến việc bố trí mặt bằng, công năng, thoát nạn, theo quy định rất cụ thể, rõ ràng, cho nên quá trình thực hiện của chủ đầu tư gặp khó khăn. Nếu xác định được công năng ngay từ ban đầu thì việc xây dựng mới đảm bảo”.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, mới đây, tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và lãnh đạo 5 tỉnh Vùng Đông Nam Bộ, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vốn đã khó khăn, chưa được tháo gỡ, nay lại vướng thêm về quy định phòng cháy chữa cháy, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đề nghị nên gia hạn thời gian để doanh nghiệp khắc phục mặt hạn chế, sau đó tiếp tục nghiệm thu về an toàn phòng cháy chữa cháy: “Thực ra thời gian 2 tháng từ lúc yêu cầu doanh nghiệp thẩm duyệt, nghiệm thu cũng không khả thi, bởi việc tư vấn phòng cháy chữa cháy không đủ người để làm. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật nhưng việc phòng cháy ở mức độ nào, để chúng ta chấn chỉnh, rà soát, răn đe. Rất mong Phó Thủ tướng ở góc độ Chính phủ có chỉ đạo, tinh thần là hướng dẫn tự khắc phục, nếu kéo dài không chấp hành thì mới áp dụng biện pháp hành chính”.
Để “gỡ khó” trong công tác phòng cháy chữa cháy theo tinh thần Công điện số 220 của Thủ tướng Chính phủ, Công an tỉnh Bình Dương đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, sau đó triển khai một số nội dung cần lưu ý trong công tác thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, thống nhất quy định hồ sơ nghiệm thu nộp trực tuyến tại dịch vụ công của Bộ Công an. Bên cạnh đó, thành lập các tổ công tác trực tiếp đến công trình xây dựng đang có vướng mắc trong thực thi quy định phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn biện pháp khắc phục để có thể đưa vào sử dụng. Các kiến nghị của các doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền đã được chuyển đến cơ quan cấp trên để xem xét, tháo gỡ./.