Nông - Lâm - Thủy sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Xuất khẩu gạo tăng cao nhất nhóm nông sản chủ lực
Xuất khẩu gạo tăng cao nhất nhóm nông sản chủ lực
Giá trị xuất khẩu gạo tháng 4 tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực.
Vận chuyển gạo xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm ước đạt 28,81 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu đạt 13,15 tỷ USD, giảm 6,3%. Theo đó, ngành nông nghiệp vẫn có xuất siêu 2,51 tỷ USD, giảm 37,7%.
Trái ngược với tăng trưởng đồng đều như cùng kỳ năm 2022, bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 có những diễn biến trái ngược.
Trong tháng 4/2023, xuất khẩu gạo ước đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 573,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 2,95 triệu tấn với 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực.
Một số mặt hàng nông sản khác cũng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm 2022 như: cà phê tăng 2,5%; rau quả tăng 19,4%; hạt điều tăng 3,4%.
Trong khi đó, nhiều mặt hàng vẫn đối mặt với khó khăn, có giá trị xuất khẩu giảm như: xuất khẩu cao su đạt 684,8 triệu USD, giảm 20,1%; hồ tiêu đạt 325 triệu USD, giảm 10,2%; sắn và sản phẩm sắn đạt 453 triệu USD, giảm 12,1%; mây, tre, cói thảm 245 triệu USD, giảm 29,2%…
Đáng chú ý, nhiều ngành hàng từng giữ vị thế chủ lực đóng góp lớn cho kim ngạch chung của ngành nông nghiệp tiếp tục giảm sâu như: xuất khẩu cá tra đạt 558 triệu USD, giảm 39,9%; tôm đạt 843 triệu USD, giảm 39,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,91 tỷ USD, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 45,9% thị phần, đạt 893,3 nghìn tấn với 450,4 triệu USD, tăng 32,9% về khối lượng và tăng 44,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 177,4 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà giảm 70,9%.
Tháng 4/2023, giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 495 – 500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 và tăng 50 USD/tấn so với một tháng trước. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan và Ấn Độ đều có xu hướng tăng đến giữa tháng, sau đó quay đầu giảm về cuối tháng.
Theo các thương nhân, hiện tại nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh, trong khi nguồn cung trong nước đang cạn kiệt. Tuy nhiên,với mức cao này, các nhà nhập khẩu bao gồm cả Philippines có thể sẽ mua chậm lại.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm hiện ở mức từ 382 – 388 USD/tấn, giảm từ 385 – 392 USD/tấn vào giữa tháng 4/2023. Giá gạo Ấn Độ giảm do đồng Rupee mất giá, trong khi nhu cầu xuất khẩu khá ổn định.
Tại Thái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở mức 480 USD/tấn, giảm 10 USD so với mức từ 485 – 490 USD/tấn vào trung tuần tháng 4/2023, nhưng lại tăng 17 USD/tấn so với trung bình tháng 3. Thị trường gạo trầm lắng sau kỳ nghỉ lễ Songkran – lễ mừng năm mới của người Thái.
Về thị trường trong nước, xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt đã kéo giá lúa tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng trong tháng qua, với mức tăng từ 150 – 300 đồng/kg tùy chủng loại.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,9%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022; Mỹ chiếm 18,9%, giảm 40,5%; Nhật Bản chiếm 8,1%, tăng 0,8%.
Nguồn: VTV.vn
Nguồn: http://thongtincongthuong.vn/xuat-khau-gao-tang-cao-nhat-nhom-nong-san-chu-luc/ |