Nông - Lâm - Thủy sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
‘Cá tỷ USD’ của Việt Nam ngóng đơn từ Trung Quốc và Mỹ
‘Cá tỷ USD’ của Việt Nam ngóng đơn từ Trung Quốc và Mỹ
Tháng đầu tiên của năm 2023, xuất khẩu cá tra lao dốc, thị trường cá tra vẫn ngóng đơn hàng từ Trung Quốc và Mỹ khi có những tín hiệu tích cực.
Tín hiệu lạc quan từ thị trường lớn
Thống kê cho thấy, dù quý IV/2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam rơi xuống 475 triệu USD – mức thấp nhất của năm, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Song kết thúc năm, con cá tra vẫn lập kỷ lục lịch sử khi thu về 2,44 tỷ USD, tăng 51% so với năm trước đó.
Tháng 1/2023, ước tính của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 106,8 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, con cá tỷ USD này của Việt Nam đang nhận được những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ.
Theo bà Lệ Hằng – Giám đốc Truyền thông VASEP, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra. Cùng với đó, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.
Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất của con cá tra Việt Nam xuất khẩu. Với 712 triệu USD trong năm 2022, cá tra chiếm 40% tổng giá trị thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc biệt, người Trung Quốc đang có xu hướng ưa chuộng cá tra hơn cá rô phi.
Từ những tín hiệu tích cực trên, bà Hằng cho rằng con cá tra sẽ được hưởng lợi ở thị trường hơn 1,4 tỷ dân này. Sau một vài tháng, thị trường Trung Quốc sẽ thích ứng và bùng phát mạnh nhu cầu trong các phân khúc tiêu thụ.
Tương tự, Mỹ là khách hàng lớn thứ hai của con cá tra Việt Nam, với kim ngạch năm 2022 đạt 537,2 triệu USD, tăng 45% so với năm 2021. Diễn biến cung cầu cá thịt trắng tại thị trường này đang có lợi cho cá tra.
Các chuyên gia và thương gia tại Mỹ cũng nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường này trong năm 2023. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại và dịch Covid-19 phần nào vẫn hạn chế xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc sang Mỹ. Trong khi đó, lệnh cấm với Nga tiếp tục làm sụt giảm nguồn cung cá tuyết – loài cá thịt trắng vốn được ưa chuộng tại Mỹ.
Chưa kể, năm nay, Mỹ tăng hạn ngạch cá minh thái thêm 16% lên gần 1,5 triệu tấn, nhưng chưa thể đáp ứng ngay cho nhu cầu trước mắt. Do vậy, cá tra Việt vẫn nhìn thấy điểm sáng tại thị trường này.
Đáng chú ý, kinh tế Mỹ có tín hiệu hồi phục nhẹ, lượng tồn kho giảm và các yếu tố cung – cầu có thể sẽ kích thích các đơn hàng cho cá tra tăng trở lại từ sau Tết Nguyên đán.
Vẫn đang “ngóng” đơn hàng
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP – cho hay, dù nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường xuất khẩu lớn, nhưng đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang ngóng đơn hàng.
Theo ông, cá tra là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lao dốc mạnh nhất trong tháng đầu tiên của năm nay. Nguyên nhân, ngoài ảnh hưởng từ yếu tố lạm phát tại các thị trường chủ lực, tháng 1 vừa qua còn có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, việc xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, không có đơn hàng.
“Thị trường này vừa mới mở cửa trở lại, hoạt động kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên hàng hóa nhập khẩu được gỡ bỏ nên các nhà nhập khẩu cũng cần có thời gian đánh giá, xem xét về nhu cầu tiêu dùng, từ đó tính toán đơn hàng nhập khẩu“, ông nhấn mạnh.
Tại các thị trường lớn khác, trong đó có Mỹ, tình hình lạm phát còn phức tạp, việc nhập khẩu cũng phụ thuộc nhiều vào lượng hàng tồn kho của năm 2022.
Ông Hòe nhận định, quý I năm nay, các doanh nghiệp cá tra nhận được lượng đơn hàng không dồi dào như cùng kỳ những năm trước. Quý II/2023, nếu có sự phục hồi tốt, các nhà nhập khẩu xác định được nhu cầu thị trường mới bắt đầu đặt hàng cho cả năm.
Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động trong vấn đề nguyên liệu, sản xuất và đánh giá tình hình, vì thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, nếu không chủ động sẽ lỗi nhịp khi thị trường phục hồi. Đồng thời, phải linh hoạt chuyển đổi quy trình và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm kịp thời với xu hướng tiêu dùng mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường và gia tăng xuất khẩu.
Trong báo cáo kế hoạch phát triển ngành của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2023, ngành cá tra dự kiến thả nuôi 5.600ha, sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt trên 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD.