Giá cả thị trường, Thị trường và giá cả, Thông tin
Xăng tăng giá liên tiếp, nhà xe cùng đường tính bỏ nghề, kiếm kế khác mưu sinh
Xăng tăng giá liên tiếp, nhà xe cùng đường tính bỏ nghề, kiếm kế khác mưu sinh
(VTC News) – Đại diện nhiều nhà xe có thâm niên ở Hà Nội cho biết, nếu xăng dầu còn tiếp tục tăng giá, họ chỉ còn cách bỏ nghề, kiếm kế khác mưu sinh.
Than thở với VTC News về việc giá xăng dầu liên tiếp tăng từ đầu năm đến nay và hiện cao kỷ lục, bà Nguyễn Thị Tuế, chủ nhà xe Tiến Tuế (chạy tuyến Mỹ Đình – Điện Biên) cho biết, nhà xe này đã cạn vốn với tình trạng giá xăng dầu thì cứ tăng liên tục còn lượng khách thì lại ngày càng giảm.
“Những tưởng kết thúc 2 năm COVID-19 thì sẽ đến lúc nhà xe có cơ hội phục hồi. Nhưng trớ trêu thay, sự thật lại không phải như vậy. Sau đại dịch, giá xăng dầu liên tục tăng cao, đỉnh điểm là gần đây xăng đã tăng 6 lần liên tiếp, trong khi giá vé không đổi khiến chúng tôi hoạt động miệt mài cũng không đủ bù lỗ, thậm chí càng chạy càng lỗ. Bây giờ chúng tôi phát chán khi nhắc đến giá xăng dầu”, bà Tuế nói.
Bà Tuế cho biết thêm, vì lượng khách có chiều hướng giảm nên những nhà xe chạy cùng tuyến đua nhau tung chiêu khuyến mãi, giảm giá vé để hút khách, khiến cho việc kinh doanh dịch vụ vận tải càng khắc nghiệt, khó khăn hơn bao giờ hết. Sau hơn 20 năm kinh doanh xe khách, trước dịch, bà Tuế quyết định vay thêm 1,5 tỷ đồng để mở rộng quy mô kinh doanh. Nào ngờ COVID-19 ập đến, sau đó là khủng hoảng giá xăng dầu, vắng khách khiến hãng xe làm ăn thua lỗ triền miên.
“Hiện tại, nhà xe chúng tôi một tháng chạy 15 chuyến, tính toán chi ly đủ kiểu, niềm nở thiết tha với từng khách hàng thì khá lắm cũng chỉ đủ duy trì, không có lãi. Nên cũng không lấy đâu ra tiền trả tiền lãi và gốc của khoản vay 1,5 tỷ đồng kia, thật sự đau đầu lắm”, bà Tuế nói.
Xăng dầu là đầu vào vô cùng quan trọng, chiếm đến hơn 60% chi phí của dịch vụ vận tải, nếu xăng dầu còn tiếp tục tăng cao trong những kỳ điều chỉnh tiếp theo thì nhà xe Tiến Tuế chỉ còn đường dừng nghỉ, kết thúc hơn 20 năm gắn bó với nghề. “Xăng dầu mà còn tiếp tục tăng nữa thì chúng tôi cũng xin bỏ “lốt”, dừng nghỉ để kiếm kế khác mưu sinh, chứ chi phí đội lên cao, khách thì vắng mà các loại thuế, phí vẫn phải nộp đầy đủ thì làm sao đủ bù lỗ”.
Tương tự, ông Hà Văn Chư, chủ nhà xe Hải Châu (chạy tuyến Mỹ Đình – Nam Định) cũng cho biết, nhà xe này đã tìm cách cắt giảm tối đa chi phí để tồn tại giữa “bão” giá xăng dầu.
“Nhà xe bây giờ lao động toàn là người trong nhà, không phải thuê thêm người mà cũng chạy lâu năm nên may mắn là khách cũng quen rồi, vì thế vẫn còn đang duy trì được. Cũng may nữa là không phải vay ngân hàng nên dù có khó khăn chúng tôi vẫn có thể cầm cự”, ông Chư cho hay.
Nhà xe nay hiện đang bán giá đúng theo giá niêm yết là 80.000 đồng/lượt/khách. Sau 6 lần xăng tăng liên tiếp, giá vé vẫn giữ nguyên. “Nếu mà tăng được giá vé thì đã dễ thở. Hiện anh em nhà xe chúng tôi nhìn nhau mà làm nên chưa anh em nào tăng giá vé, mà tăng cũng khó vì xe chạy tuyến, không phải cứ muốn tăng là tăng được đâu”.
Theo ông Chư, lượng khách di chuyển bằng xe khách hiện tại cũng trở nên thưa thớt, vắng vẻ mà ông chưa hiểu rõ nguyên do. Ngày thường đông lắm thì được 20-25 khách, cuối tuần may ra được một buổi xe kín chỗ. Còn tình trạng lượt đi có khách, lượt về xe không và ngược lại là chuyện bình thường.
Trong trường hợp nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá, ông Chư cho biết sẽ cùng các đồng nghiệp kiến nghị tăng giá vé, chứ giá vé vẫn giữ nguyên không đổi như lúc xăng chưa tăng thì không thể sống bằng nghề vận tải được nữa.
Trong khi đó, chủ nhà xe Tuấn Nhung (chạy tuyến Gia Lâm – Yên Bái) thì cho biết, từ khi xăng tăng giá họ đã quyết định “chạy xe ngẫu hứng” chứ không xếp “lốt” đều tay như trước nữa. Nghĩa là hôm nào có khách đặt, đủ để chạy xe không bị lỗ thì nhà xe này mới chạy, nếu không thì cất kỹ xe trong gara.
“Giá vé chúng tôi cũng đã tăng so với trước khi xăng tăng giá, trước là 130.000 đồng thì bây giờ là 150.000 đồng nhưng cũng chẳng để làm gì. Chi phí cho một chiếc xe giường nằm chạy tuyến như chúng tôi mỗi ngày hết khoảng 5-6 triệu đồng. Giờ xăng dầu tăng, khách vắng, nên có chạy thì cũng chỉ thu về được 1,5 – 2 triệu đồng, lỗ 3-4 triệu đồng thì thà không chạy còn sống, chứ chạy thì chỉ có chết”, chủ nhà xe này nói.
Ở quy mô doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt cho biết, biến động về giá xăng dầu thế giới không ai lường trước được. “Lúc này là lúc ngành vận tải cơ hàn nhất. Chi phí xăng dầu lên tới hơn 60%, doanh nghiệp vận tải hết đường đỡ. Trước khó khăn này, doanh nghiệp chỉ có biện pháp khắc phục trước mắt là giảm, dồn chuyến để tiết kiệm tối đa chi phí”, ông Bằng nói.