Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Nóng tình trạng phân bón giả, kém chất lượng
Nóng tình trạng phân bón giả, kém chất lượng
Vấn nạn phân bón giả và những con số “khủng”
Thống kê cho thấy mỗi năm nước ta phát hiện khoảng 4.000 vụ liên quan đến phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhưng đây cũng chỉ là một phần trong số phân bón giả đang được tiêu thụ. Hiệp hội Phân bón Việt Nam ước tính, mỗi năm nông dân nước ta chịu thiệt hại 2,5 tỷ USD, tương đương với 57.000 tỷ đồng do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng…
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2021, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay do xung đột Nga – Ukraine khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã.
Trong vòng gần 2 năm qua, giá phân bón đã tăng gấp đôi. Tình trạng này khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.
Giá phân bón tăng vượt quá sức chịu đựng của nông dân, vì vậy nhiều nông dân mua phân bón giá rẻ mà không quan tâm đến thương hiệu và chất lượng, điều này đã trở thành “miếng mồi ngon” cho những thương nhân bất chính.
Tình trạng kinh doanh phân bón dởm, kém chất lượng đã trở nên đáng báo động trong thời gian gần đây, khi đã có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ phân bón giả, kém chất lượng. Hàng năm, Tổng cục cũng kiểm tra hàng nghìn hộ kinh doanh phân bón, trong đó có hàng trăm hộ vi phạm (khoảng 42%). Kiểm nghiệm hàng nghìn mẫu phân bón thì có hàng trăm mẫu (khoảng 31%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng thời gian qua diễn biến phức tạp. Ảnh minh hoạ
Trong 5 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thuộc Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, đã phát hiện rất nhiều phân bón giả, phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Tháng 3/2022, Cục Bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định xử phạt đối với 92 doanh nghiệp và hộ kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực phân bón, trong đó có 44 doanh nghiệp nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng. Các đơn vị chức năng cũng phát hiện 9 doanh nghiệp sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng. Đối với kinh doanh phân bón, đã phát hiện 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng, 3 hộ kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn, phát hiện một doanh nghiệp không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón.
Bên cạnh đó, cơ quan liên ngành còn phát hiện 11 cơ sở nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 2 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật vi phạm nội dung ghi nhãn.
“Hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư; sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định và xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó”, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ.
Doanh nghiệp “than trời”
Ông Lê Tiến Hùng, Giám đốc Marketing của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) nhận định, việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn cả niềm tin của khách hàng. Ông dẫn chứng, hiện nay giá phân bón khoảng 20 triệu đồng/tấn, nếu như làm giả 200 tấn đã có 4 tỷ đồng, nghiêm trọng hơn có những sản phẩm bị làm giả với tỷ lệ cao đến 80%. “Như vậy, về kinh tế là rất thiệt hại, nhưng với khách hàng còn là xói mòn niềm tin, ảnh hưởng ghê gớm đến các ngành sản xuất phân bón vật tư cho nông nghiệp, không những năm nay mà nhiều năm về sau”, ông Hùng nói.
Với những doanh nghiệp có uy tín và đã mất công gây dựng nhiều năm trên thị trường nếu sản phẩm bị làm nhái trước hết sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, sau đó là hoạt động tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm theo. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất là niềm tin của người nông dân đối với các nhà sản xuất, nhất là các đơn vị sản xuất lớn.
Bà Bùi Thị Thanh Giang, Phó Ban Kế hoạch Kinh doanh, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cũng cho biết, theo con số thống kê, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 – 2,5 tỷ USD. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân bón.
Thực trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay gây ảnh hưởng nhiều đến uy tín của các đơn vị sản xuất phân bón của Tập đoàn do phân bón giả, kém chất lượng làm cho suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt” dẫn đến cây trồng không đạt năng suất. Thêm vào đó, hàng năm Việt Nam sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón, trong đó có từ 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của các đơn vị sản xuất chân chính của Tập đoàn cũng như trên thị trường.
Theo bà Giang, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nhái còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, trong mẫu mã bao bì, qua mặt người dân và cơ quan quản lý. Ví dụ đối với sản phẩm phân NPK, có rất nhiều doanh nghiệp làm nhái và cho rằng đó chỉ là tên họ đăng ký với hàm lượng chất dinh dưỡng thấp. Khi sản phẩm bán ra thị trường, các doanh nghiệp này lại bám sát giá với phân bón những đơn vị sản xuất uy tín, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp này rất cao và cạnh tranh giá với các doanh nghiệp chân chính.
Nhận diện nhiều thủ đoạn tinh vi
Bà Giang cũng chia sẻ thêm, việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng diễn ra hết sức tinh vi với nhiều thủ đoạn, chiêu trò. Các đơn vị sản xuất phân phối thường đánh vào sự hám lợi của một số đại lý, cửa hàng vì lợi nhuận mà tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng. Do vậy, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng có nhiều cơ hội để phát triển.
Cùng với đó là công nghệ làm bao bì giả rất giống với vỏ bao bì thật của doanh nghiệp lớn có đăng ký sở hữu nhãn mác. Việc sản xuất phân bón giả quá dễ dàng, thậm chí có trường hợp theo phản ánh ngay thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra lấy mẫu kiểm tra chất lượng thì lô hàng vẫn được mang đi tiêu thụ.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, tình trạng phân bón giả xảy ra tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, hiện nay các văn bản pháp luật gồm luật, nghị định, thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón… là công cụ giúp kiểm soát các khâu sản xuất phân bón nhằm nhận diện được hành vi vi phạm chất lượng.. Ngoài ra, còn có sự phân công, phân cấp từ trung ương đến địa phương tạo hệ thống kiểm soát tốt hơn trước đây rất nhiều.
Tuy nhiên, ở một số nơi, địa phương còn tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng do nguyên nhân xuất phát từ việc sản xuất phân bón giả đem lại “siêu lợi nhuận” cho đối tượng vi phạm. Các thủ đoạn, hành vi, phương pháp sản xuất phân bón tinh vi hơn như đưa cơ sở sản xuất vào vùng sâu, vùng xa, không có cơ quan quản lý nhà nước, giảm thiểu việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng.
Mặt khác, giá trị của phân bón đang tăng. Họ lại dựa vào niềm tin của người dân đối với mặt hàng thường xuyên phải sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, để kinh doanh sản phẩm không đảm bảo. Họ còn có hình thức, chiêu bài như bán kèm, khuyến mãi, quà tặng, có lời hứa, khuyến nghị cho người dân tin tưởng vào sản phẩm kém chất lượng.
Bên cạnh đó, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng còn đến từ việc sản xuất manh mún, thiếu tập trung nên việc tiêu thụ chưa được công khai, minh bạch. Vấn nạn phân bón giả đã gây ra hệ lụy với người dân và xã hội như ảnh hưởng trực tiếp đến các thương hiệu có uy tín trên thị trường, ảnh hưởng khả năng cạnh tranh của quốc gia, xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản, năng suất cây trồng và môi trường.
Hệ lụy lâu dài còn ảnh hưởng đến tài nguyên đất, làm giảm giá trị dinh dưỡng của đất, gây ô nhiễm môi trường. Các chỉ tiêu không được kiểm soát nằm trong phân bón giả còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường; chất lượng, sức khỏe của người sử dụng; ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối thương hiệu và ngành sản xuất phân bón.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, việc kiểm tra phân bón giả thời gian qua có gặp một số khó khăn, tồn tại do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đầu tiên là tính “siêu lợi nhuận” của phân bón giả làm cho các đối tượng có hành vi nảy sinh lòng tham
Thứ hai, các đối tượng còn dựa vào chính sách khuyến khích đầu tư của Đảng, Chính phủ để “lách luật”, tổ chức sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà nhận thức người dân còn yếu, ít bị cơ quan quản lý kiểm soát. Họ thành lập nhà máy rồi sản xuất sau xong lại bỏ xưởng, bỏ tên doanh nghiệp để gian lận. Ngoài ra, nguồn lực trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các địa bàn còn mỏng, hạn chế nên cần các giải pháp đồng bộ, căn cơ.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh cần thực hiện nhiều giải pháp để xử lý tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Ảnh: SGGP
Giải pháp nào để giải quyết?
Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, để giải quyết tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng thì cần thực hiện 5 giải pháp cơ bản. Thứ nhất, rà soát lại những vấn đề tồn tại của hệ thống pháp luật để kiện toàn nhằm xử lý triệt để, nghiêm minh.
Thứ hai, phối hợp giữa ngành nông nghiệp, công an, biên phòng, hiệp hội, doanh nghiệp… nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cả mặt hành chính, thương mại để có giải pháp tối ưu nhất nhằm gây dựng thương hiệu, phát huy sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng. Có các chương trình kết hợp với nhau để cơ quan chức năng xử lý nghiêm từ các tin tố giác.
Thứ ba, tập huấn tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho tất cả đối tượng bao gồm cả doanh nghiệp, đại lý, chính quyền địa phường, người dân để nhận biết rõ hàng giả, hàng nhái.
Thứ tư, tổ chức triển khai các mô hình chuỗi liên kết giữa hiệp hội, doanh nghiệp, người dân để đưa bộ sản phẩm có uy tín, thương hiệu đưa đến người dân.
Thứ năm, bản thân doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm phải có giải pháp bảo hộ với sản phẩm của mình, giúp cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm. Trên cơ sở đó hạn chế sản phẩm phân bón giả, nhái thương hiệu.
Thông tư 09/2019/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón, tại Điều 3. Quy định chuyển tiếp nêu: 1. Giấy chứng nhận hợp quy hoặc Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy đối với phân bón trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được sử dụng đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận hợp quy hoặc Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy. 2. Đối với phân bón đã công bố hợp quy theo phương thức 5 (quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật) tại kỳ giám sát tiếp theo và đánh giá lại sau khi Thông tư này có hiệu lực thi hành sẽ thực hiện lấy mẫu phân bón đã công bố hợp quy và thử nghiệm 100% chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế theo hồ sơ công bố hợp quy và Quyết định công nhận phân bón lưu hành còn hiệu lực. 3. Tổ chức đã được chỉ định thực hiện việc chứng nhận hợp quy và thử nghiệm phân bón phù hợp với quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về quản lý phân bón tiếp tục thực hiện việc chứng nhận hợp quy theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT đến hết thời hạn chỉ định. |
Bảo Lâm
Nguồn: https://vietq.vn/nong-tinh-trang-phan-bon-gia-kem-chat-luong-d201213.html |